Giá dầu đã tăng mạnh và chạm mức cao nhất 17 tháng qua, sau khi Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và một số nước xuất khẩu dầu ngoài khối OPEC đồng ý cắt giảm sản lượng toàn cầu.
Giá dầu đã tăng mạnh và chạm mức cao nhất 17 tháng qua, sau khi Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và một số nước xuất khẩu dầu ngoài khối OPEC đồng ý cắt giảm sản lượng toàn cầu.
Tính đến 8h30 sáng 12/12 (giờ Việt Nam), giá dầu Brent ở mức 56,61 USD/thùng, giá dầu thô ở Mỹ là 53,84 USD/thùng. Trước đó có thời điểm giá dầu Brent tăng 6,6% lên 57,89 USD/thùng, giá dầu thô ở Mỹ tăng 5,8% lên 54,51 USD/thùng.
Ngày 10/12, các nước ngoài khối OPEC hứa cắt giảm sản lượng 558.000 thùng/ngày. Trước đó, ngày 30/11, lần đầu tiên trong 8 năm, các nước OPEC đã thống nhất sẽ cắt giảm sản lượng 1,2 triệu thùng/ngày, bắt đầu từ ngày 1/1/2017. Saudi Arabia là nước cắt giảm nhiều nhất, 486.000 thùng/ngày.
Trước đợt tăng mới này, giá dầu Brent đã tăng 20% kể từ sau khi có thông tin OPEC sẽ cắt giảm sản lượng ngày 30/11.
Đây là thỏa thuận cắt giảm sản lượng đầu tiên của OPEC và các nước xuất khẩu dầu khác kể từ năm 2001 và sau 2 năm giá dầu giảm kỷ lục 75% khiến nhiều nước sống nhờ nguồn thu dầu từ Trung Đông đến Mỹ La tinh rơi vào khốn đốn. Động thái cắt giảm này cho thấy quyết tâm của các nước trong vực dậy giá dầu.
AB Bernstein, hãng nghiên cứu và quản lý danh mục đầu tư, cho biết thỏa thuận này “tạo ra tổng cắt giảm sản lượng là 1,76 triệu thùng/ngày từ 24 quốc gia hiện tại đang cùng nhau sản xuất 52,6 triệu thùng/ngày, hay 54% nguồn cung của thế giới”.
AB Bernstein nhận định “một số cắt giảm của các quốc gia ngoài OPEC sẽ đến từ sự suy giảm tự nhiên, nhưng phần lớn sẽ do tự áp đặt kiềm chế sản lượng”.
Ngân hàng ANZ cho biết vào thứ Hai rằng hãng Saudi Aramco, công ty dầu khí thuộc kiểm soát của nhà nước Saudi Arabia đã “bắt đầu thông báo với khách hàng rằng phân phối của họ sẽ bắt đầu giảm vào tháng 1/2017, phù hợp với cam kết của họ trong thỏa thuận cắt giảm sản lượng gần đây của OPEC”.
Việc các nhà sản xuất ngoài OPEC nhất trí giảm đầu ra 558.000 thùng/ngày tuy thấp hơn mục tiêu ban đầu là 600.000 thùng/ngày nhưng vẫn là đóng góp lớn nhất từ trước đến nay của các nước phi thành viên.
Trong đó, Nga sẽ giảm dần đạt tới 300.000 thùng/ngày, đồng thời cho biết thêm rằng đến cuối tháng Ba, nước này sẽ sản xuất ít hơn 200.000 thùng/ngày so với sản lượng của tháng 10/2016 là 11,247 triệu thùng/ngày. Sản lượng của Nga sẽ giảm xuống còn 10,947 triệu thùng/ngày sau 6 tháng, nước này tuyên bố.
“Một khi việc cắt giảm được thực hiện vào đầu năm 2017, thị trường dầu sẽ chuyển từ trạng thái thặng dư sang thâm hụt. Với con số cắt giảm được tuyên bố bởi OPEC, chúng ta kỳ vọng rằng thị trường sẽ chuyển dần sang thâm hụt khoảng 0,8 triệu thùng/ngày trong nửa đầu năm 2017”, AB Bernstein cho biết.
Theo chinhphu