07:12, 23/12/2016

Chứng khoán ngày 23/12: GAS, SAB khiến thị trường mất vui

Đây là hai cổ phiếu khiến VN-Index thiệt hại nhiều nhất, lấy đi hơn 2 điểm, khoảng 0,33%...

Đây là hai cổ phiếu khiến VN-Index thiệt hại nhiều nhất, lấy đi hơn 2 điểm, khoảng 0,33%...

 

VN-Index giảm gần như toàn bộ thời gian của phiên hôm nay và chỉ tăng đúng lúc đóng cửa
VN-Index giảm gần như toàn bộ thời gian của phiên hôm nay và chỉ tăng đúng lúc đóng cửa



Mặc dù đóng cửa VN-Index vẫn nhích tăng được một chút, nhưng nếu GAS, SAB không giảm quá nhiều thì hôm nay có thể tích cực hơn.

VN-Index giảm trong toàn bộ phiên giao dịch và chỉ đến lúc đóng cửa mới nhảy được lên 664,37 điểm, tăng đúng 0,22 điểm, mức tăng quá nhỏ. Độ rộng của HSX tuy vẫn hơi hẹp, nhưng cũng chỉ là 130 mã giảm/110 mã tăng.

Nguyên nhân chính vẫn là hai cổ phiếu vốn hóa lớn SAB và GAS giảm sâu. SAB mất tới 1,48%, tương đương bốc hơi gần 1.924 tỷ đồng. GAS giảm 2,36%, tương đương vốn hóa giảm 2.871 tỷ đồng.

Đây là hai cổ phiếu khiến VN-Index thiệt hại nhiều nhất, lấy đi hơn 2 điểm, khoảng 0,33%. Mặc dù vẫn có khá nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn tới trung bình tăng giá, nhưng điều đó là chưa đủ.

Đơn cử VCB hôm nay tăng giá khá mạnh 2,01%, cũng giúp vốn hóa tăng được 2.518 tỷ đồng. VNM tăng 0,73%, vốn hóa tăng 1.306 tỷ đồng nhưng cũng không đủ bù cho mức giảm vốn hóa ở SAB và GAS. Trong 4 mã vốn hóa lớn nhất thị trường này, hai giảm hai tăng nhưng áp lực phía giảm lớn hơn.

Nhóm cổ phiếu kế cận có mức vốn hóa nhỏ hơn nhiều 4 mã nói trên, đồng thời mức tăng giá cũng không đáng kể: VIC tăng 0,24%, CTG tăng 0,66%, ROS tăng 0,73%, BVH tăng 0,85%, HPG tăng 1,06%. Đó là nguyên nhân khiến VN-Index chỉ đủ đà tăng gần như không đáng kể.

Nhóm VN30 tích cực hơn khi chỉ số nhóm đóng cửa tăng 0,39% so với tham chiếu với 13 mã tăng/9 mã giảm. Các cổ phiếu trung bình có vai trò lớn hơn trong chỉ số này là KDC, KBC, HPG, STB lại tăng khá cao. Số giảm giá ngoài GAS, HSG, SBT còn lại không đáng kể.

Chỉ số VN30-Index cũng thoát khỏi nhịp giảm từ giữa phiên chiều nay, trở thành nhóm cổ phiếu mạnh nhất trên sàn HSX. Chỉ số VNMidcap vẫn giảm 0,17%, VNSmallcap giảm 0,41%.

Trên sàn HNX, yếu tố vốn hóa tác động rất lớn: ACB tụt dốc tới 2,81%, VCS giảm 2,68%, SHB giảm 2,08%, PVS giảm 0,62%, NTP giảm 1,65%. HNX-Index bị kéo xuống 0,89% mặc dù chỉ có 91 mã giảm/86 mã tăng. HNX30 cũng giảm 0,97% với 15 mã giảm/9 mã tăng. Số cổ phiếu giảm giá tuy không nhiều áp đảo, nhưng vốn hóa thì áp đảo số tăng.

Thanh khoản thị trường hôm nay bất ngờ có sự sụt giảm khá lớn: Tổng khối lượng khớp lệnh hai sàn giảm khoảng 15% so với phiên trước và giá trị giảm tương ứng 12%. Đây là mức thanh khoản kém nhất tuần, thậm chí còn kém nhất kể từ đầu tháng 11 vừa rồi.

Nhà đầu tư nước ngoài hôm nay có một ngày giao dịch khá “hiền” và quay ra mua ròng khớp lệnh. Tổng giá trị mua vào qua các giao dich trực tiếp trên sàn là 165 tỷ đồng, tăng gần 40% so với hôm qua. Tổng giá trị bán ra đạt 135,6 tỷ đồng, giảm 18%.

Tuy nhiên, các giao dịch thỏa thuận lại khiến niềm vui không trọn vẹn, giống như GAS, SAB dội gáo nước lạnh vào VN-Index: Khối ngoại bán ròng qua thỏa thuận gần 27,2 tỷ đồng. Vì vậy vị thế tổng hợp của khối ngoại hôm nay chỉ là mua ròng hơn 2,2 tỷ đồng, không đáng kể.

Với giao dịch mua ròng qua khớp lệnh, khối ngoại vẫn hỗ trợ thị trường. Các cổ phiếu quan trọng không còn bị bán ròng nhiều nữa. Lớn nhất trong số các blue-chip là BID chỉ bị bán ròng gần 4,7 tỷ đồng, VIC chưa tới -3,2 tỷ đồng. DXG là cổ phiếu bị rút vốn nhiều nhất với -9,7 tỷ đồng ròng.

Phía mua, VNM đã được khối ngoại mua ròng trở lại gần 12,9 tỷ đồng. Con số này là quá nhỏ so với quy mô bán ròng gần đây. Mặc dù vậy ít nhất cổ phiếu này cũng bớt đi được một áp lực giảm. VCB được mua ròng gần 10,7 tỷ đồng, là nguyên nhân khiến giá tăng tốt.

Theo vneconomy