Trước vấn nạn phân bón giả xuất hiện tại nhiều tỉnh, thành phố và thực hiện chỉ đạo của Cục Quản lý thị trường (QLTT), Chi cục QLTT Khánh Hòa đã mở đợt cao điểm kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh phân bón trên địa bàn tỉnh.
Trước vấn nạn phân bón giả xuất hiện tại nhiều tỉnh, thành phố và thực hiện chỉ đạo của Cục Quản lý thị trường (QLTT), Chi cục QLTT Khánh Hòa đã mở đợt cao điểm kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh phân bón trên địa bàn tỉnh.
Mở đợt cao điểm
Theo Cục QLTT (Bộ Công Thương), thời gian qua, tình hình vi phạm trong sản xuất, kinh doanh phân bón diễn biến phức tạp, gây thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp và môi trường. Trước tình hình đó, Cục QLTT yêu cầu các chi cục QLTT triển khai đợt cao điểm kiểm tra, xử lý vi phạm trong sản xuất, kinh doanh phân bón vào dịp cuối năm và coi đây là nhiệm vụ trọng tâm của các đơn vị.
Cán bộ Đội Quản lý thị trường số 1 kiểm tra việc kinh doanh phân bón tại một cơ sở ở TP. Nha Trang |
Ông Phạm Văn Hữu - Chi cục trưởng Chi cục QLTT cho biết, thực hiện chỉ đạo của Cục QLTT, từ tháng 10, chi cục đã ban hành kế hoạch mở đợt cao điểm kiểm tra và xử lý vi phạm trong sản xuất, kinh doanh phân bón. Chi cục đã chỉ đạo các đội QLTT tập trung kiểm tra giấy phép sản xuất, gia công phân bón; kiểm tra việc duy trì các điều kiện sản xuất, gia công, kinh doanh phân bón; việc chấp hành các quy định về hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ; việc ghi nhãn hàng hóa, niêm yết giá và bán theo giá niêm yết... Vì lĩnh vực sản xuất, kinh doanh phân bón liên quan đến nhiều ngành nên Chi cục QLTT đã chủ trì, phối hợp với các ngành như: Công an, Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Chi cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng... để nâng cao hiệu quả kiểm tra của đợt cao điểm.
Phát hiện một số cơ sở vi phạm
Tại cửa hàng kinh doanh cây giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật của bà Trương Lê Thụy (thôn Võ Cang, xã Vĩnh Trung), cán bộ Đội QLTT số 1 (phụ trách địa bàn TP. Nha Trang) đã tiến hành kiểm tra các mặt hàng phân bón mà cửa hàng đang kinh doanh như: phân bón NPK nhãn hiệu đầu trâu, phân NPK... Bà Trương Lê Thụy - chủ cửa hàng nói: “Phần lớn phân bón mà cửa hàng tôi đang bán được nhập từ Công ty Cổ phần Vật tư Phú Khánh, có đầy đủ hóa đơn chứng minh nguồn gốc và đảm bảo chất lượng sản phẩm. Tôi luôn yêu cầu công ty cung cấp chứng từ liên quan đến sản phẩm để tránh mua phải hàng giả, hàng nhập lậu...”. Vì là nơi bán lẻ nên mỗi ngày, cửa hàng này chỉ bán được khoảng 50 - 70kg phân bón. Chủ cửa hàng thực hiện khá tốt các quy định về niêm yết giá, các điều kiện kinh doanh phân bón (có công cụ, thiết bị chứa đựng, lưu giữ phân bón; không để phân bón tiếp xúc trực tiếp với nền nhà...).
Theo báo cáo của Chi cục QLTT, toàn tỉnh có hơn 130 cơ sở sản xuất, kinh doanh phân bón và thuốc bảo vệ thực vật. Trong đó, các địa phương có nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh phân bón như: huyện Cam Lâm, thị xã Ninh Hòa, TP. Cam Ranh... Từ khi triển khai đợt cao điểm kiểm tra và xử lý vi phạm trong sản xuất, kinh doanh phân bón đến nay, các đội QLTT đã kiểm tra 63 cơ sở và phát hiện 6 trường hợp vi phạm. Các hành vi vi phạm chủ yếu là không có giấy phép sản xuất phân bón; không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật hết hạn sử dụng, để phân bón tiếp xúc trực tiếp với nền nhà, mặt đất... Chi cục đã nhắc nhở, xử phạt 6 trường hợp với tổng số tiền hơn 91,1 triệu đồng; đồng thời buộc thu hồi thuốc bảo vệ thực vật đã hết hạn sử dụng, trả lại nhà sản xuất hoặc nhà phân phối để tiêu hủy hoặc tái chế theo đúng quy định.
Ông Phạm Văn Hữu cho biết: “Qua công tác quản lý địa bàn và các đợt kiểm tra cho thấy, Khánh Hòa không phải địa bàn “nóng” về vấn đề sản xuất, kinh doanh phân bón như các tỉnh, thành phố khác. Phần lớn các cơ sở sản xuất, kinh doanh đều chấp hành tốt các quy định; một số cơ sở vi phạm đã được xử lý nghiêm. Từ nay đến cuối năm, chi cục sẽ tiếp tục tăng cường các đợt kiểm tra về sản xuất, kinh doanh phân bón nhằm bảo vệ tổ chức, cá nhân làm ăn chân chính; bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng và sức khỏe của nông dân, người tiêu dùng và bảo vệ môi trường”.
MAI HOÀNG