Đúng vào thời điểm thông tin VNM mở room được lan truyền công khai, khối ngoại lại bán ra mạnh mẽ với cổ phiếu này...
Đúng vào thời điểm thông tin VNM mở room được lan truyền công khai, khối ngoại lại bán ra mạnh mẽ với cổ phiếu này...
Thiếu VNM, các blue-chips vẫn không thể đỡ VN-Index lên trên tham chiếu được |
Đúng vào thời điểm thông tin VNM mở room được lan truyền công khai, khối ngoại lại bán ra mạnh mẽ với cổ phiếu này, qua cả thỏa thuận lẫn khớp lệnh.
Việc VNM mở room 100% được đánh giá rất cao, thậm chí có công ty chứng khoán cho rằng đó là dấu mốc đáng ghi nhớ của thị trường chứng khoán Việt Nam. Tuy nhiên VNM đã không thể tăng giá sáng nay và từ đó trực tiếp làm suy yếu khả năng phục hồi của VN-Index.
Đáng chú ý là nhà đầu tư nước ngoài đã bán ra khá mạnh với VNM. Tổng khối lượng mua vào bao gồm cả khớp lệnh và thỏa thuận sáng nay đạt 175.780 đơn vị, trong khi bán ra tới 748.300 đơn vị. Trong khối lượng này, giao dịch thỏa thận chỉ là 166.060 cổ phiếu.
VNM biến động mạnh trong sáng nay với mức cao nhất đạt 162.000 đồng, tăng 2,53% so với tham chiếu và thấp nhất 156.000 đồng, giảm 1,27%. VNM xuất hiện giao dịch lớn nhất trên thị trường nhưng hiện vẫn đang bị đè bán khá mạnh từ tham chiếu trở lên.
Tổng giá trị khớp lệnh với VNM phiên sáng đạt 184,8 tỷ đồng, chiếm 12% giá trị khớp toàn thị trường và tăng 2,6 lần so với sáng hôm qua. VNM một khía cạnh nào đó đã thúc đẩy thanh khoản toàn thị trường tăng lên phiên này.
Trong những phiên trước, VNM tăng giá là động lực chính hãm đà giảm chung của VN-Index cũng như VN30-Index. Sáng nay VNM đã mất vai trò này, nhưng may mắn là một số cổ phiếu khác đã phục hồi: MSN tăng 0,75%, VIC tăng 1%, CTG tăng 0,56%, GAS tăng 1,6% đã cân bằng lại được.
Tuy thế VN-Index chốt phiên sáng vẫn giảm thêm 0,12% kể cả khi GAS tăng mạnh do độ rộng quá hẹp: 135 mã giảm/85 mã tăng. Trong đó VCB mất tới 2,73% đã ảnh hưởng trầm trọng lên chỉ số. VN30-Index tích cực hơn nhiều, chỉ giảm 0,02% với 11 mã tăng/10 mã giảm. Về cơ bản rổ blue-chips này đã cân bằng.
Sàn HNX là một bức tranh cực kỳ tệ hại, với HNX-Index rơi 1,11% do có 126 mã giảm/62 mã tăng. HNX30 giảm 1,64% với 20 mã giảm/3 mã tăng. Sàn này có rất nhiều cổ phiếu giảm sâu với tác động chủ yếu là các cổ phiếu ngân hàng, bất động sản và chứng khoán.
Cổ phiếu dầu khí ở HNX cũng chỉ có PVS tăng 0,58%, PVC tăng 0,75%, quá ít để có thể bù đắp lại được ACB giảm 0,54%, SHB giảm 1,64%, VCG giảm 2,67%, HUT giảm 1,77%, CEO giảm 2,91%, VND giảm 2,17%...
Điểm chung ở hai sàn sáng nay là các cổ phiếu đầu cơ tiếp tục suy yếu nghiêm trọng. Hai sàn có 27 cổ phiếu giảm sàn với đa số là các mã đầu cơ nhỏ. Chỉ số Midcap ở HSX giảm 0,56%, Smallcap giảm 0,88%, Mid/Smallcap ở HNX giảm 0,87%.
Thanh khoản thị trường đã tăng trở lại gần 12% so với sáng hôm qua, đạt 1.536 tỷ đồng giá trị khớp lệnh. Mức gia tăng này chủ yếu ở HSX, tăng 14% và rổ VN30 tăng trên 18%. VNM, HPG đều có giao dịch tăng cao so với sáng hôm qua, trong đó VNM vượt trội.
Nhà đầu tư nước ngoài mua vào khá kém, chỉ có SSI, HPG, CTG là đáng kể. Bán ra có VNM, PDR, trong đó PDR chủ yếu là thỏa thuận.
Theo vneconomy