Việt Nam là nhà cung cấp tôm số một cho thị trường Đức, chiếm 18,4% tổng nhập khẩu (NK) tôm của Đức.
Việt Nam là nhà cung cấp tôm số một cho thị trường Đức, chiếm 18,4% tổng nhập khẩu (NK) tôm của Đức.
Ảnh minh họa |
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), 9 tháng năm 2015, xuất khẩu (XK) tôm Việt Nam sang thị trường Đức đạt 84,4 triệu USD, giảm 16,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong các mặt hàng tôm xuất sang Đức, lượng tôm chân trắng chiếm áp đảo.
Năm 2011, tôm chân trắng chiếm 35,7% tổng giá trị XK tôm Việt Nam sang Đức với 40,4 triệu USD. Trong khi đó, tôm sú chiếm tới 56,3% với 63,7 triệu USD.
Tuy nhiên, sang năm 2012, tỷ trọng tôm chân trắng đã tăng tới 46,6%, trong khi tỷ trọng tôm sú giảm còn 45,5%.
Năm 2013, tôm chân trắng chiếm tới 53,4% giá trị XK tôm Việt Nam sang thị trường này trong khi đó tôm sú chiếm gần 40%.
Năm 2014, tôm chân trắng chiếm tới 58% tổng giá trị XK tôm Việt Nam sang Đức, trong khi tôm sú chiếm 34,7%.
9 tháng đầu năm 2015, tỷ trọng tôm chân trắng XK sang Đức đạt 73,5%, trong khi tỷ trọng tôm sú là 19,9%.
Xu hướng này cho thấy tôm chân trắng của Việt Nam ngày càng được ưa chuộng trên thị trường Đức.
Cũng theo VASEP, từ năm 2011 đến 2014, Đức luôn dẫn đầu khối EU về NK tôm Việt Nam. Năm 2014, XK tôm sang thị trường này chiếm tới 20,5% tổng XK tôm Việt Nam sang EU.
Theo dữ liệu từ Trung tâm Thương mại quốc tế (ITC), năm 2014, Việt Nam là nhà cung cấp tôm số một cho thị trường Đức, chiếm 18,4% tổng NK tôm của Đức.
Tôm nguyên liệu đông lạnh là sản phẩm chính NK vào Đức, chiếm 56,4% tổng NK tôm của Đức trong 6 tháng đầu năm 2015, trong đó, Việt Nam dẫn đầu các nước về cung cấp mặt hàng này cho Đức.
Sáu tháng đầu năm 2015, tổng NK tôm vào Đức đạt 252,8 triệu USD, giảm 18,2%. Tuy nhiên, NK tôm từ Việt Nam vào thị trường này vẫn tăng 12,5%.
Cũng theo VASEP, năm 2014, trung bình một người Đức tiêu thụ 14 kg thủy sản, tăng 0,2 kg so với năm 2013. Dự kiến mức tiêu thụ sẽ ổn định trong năm 2015.
Hiện nay, kinh tế Đức vẫn đang duy trì đà tăng trưởng khả quan với mức dự báo tăng trưởng 1,8% trong năm 2015, tăng 2,1% trong năm 2016 và đạt mức cao nhất vào năm 2017 với mức 2,3%.
Khi kinh tế hồi phục, đồng EUR tăng giá sẽ kéo theo nhu cầu NK thủy sản trong đó có tôm vào Đức. Đây cũng là tín hiệu đáng mừng cho các DN XK tôm Việt Nam vào thị trường này trong thời gian tới.
Theo Chinhphu.vn