Theo kết quả giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa, những năm qua, công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã được các cấp, ngành và toàn xã hội quan tâm. Bên cạnh những kết quả đạt được, lĩnh vực này vẫn còn gặp nhiều khó khăn.
Theo kết quả giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa, những năm qua, công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (NTD) đã được các cấp, ngành và toàn xã hội quan tâm. Bên cạnh những kết quả đạt được, lĩnh vực này vẫn còn gặp nhiều khó khăn.
Kết quả bước đầu
Giai đoạn 2012 - 2015, UBND tỉnh đã triển khai công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về bảo vệ quyền lợi NTD đến các cơ quan quản lý nhà nước. Cơ quan chức năng, hội đoàn thể trong tỉnh đã phối hợp tổ chức hơn 110 buổi tập huấn, phổ biến Luật Bảo vệ quyền lợi NTD cho hàng chục nghìn lượt người dân; tổ chức hàng chục lớp tập huấn công tác bảo vệ quyền lợi NTD cho công chức, viên chức, cán bộ chuyên trách cấp xã, ban quản lý, tổ quản lý chợ...
Lực lượng Quản lý thị trường kiểm tra hàng hóa tại các chợ |
Đặc biệt, công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi NTD cũng được các cơ quan quản lý nhà nước quan tâm thực hiện. Lực lượng Thanh tra của Sở Công Thương đã thanh tra việc chấp hành pháp luật trong lĩnh vực này như: hoạt động khuyến mại, an toàn thực phẩm, kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng tại 42 doanh nghiệp, qua đó xử phạt vi phạm hành chính 4 doanh nghiệp. Chi cục Quản lý thị trường tỉnh thực hiện 19.667 lượt kiểm tra, phát hiện 2.206 vụ vi phạm, xử phạt hành chính hơn 8,23 tỷ đồng... Hội Bảo vệ quyền lợi NTD tỉnh tham gia giải quyết hơn 100 trường hợp NTD khiếu nại về giá cả, chất lượng hàng hóa, bảo hành, dịch vụ và quảng cáo; đồng thời tư vấn cho hàng trăm lượt người về cách thức khiếu nại, giải quyết khiếu nại, tư vấn về quyền và nghĩa vụ của NTD... Các hoạt động này đã góp phần tích cực vào việc thiết lập trật tự, ổn định thị trường, hạn chế các hành vi vi phạm pháp luật trong kinh doanh thương mại, bảo vệ quyền lợi chính đáng của NTD.
Vẫn còn khó khăn
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác bảo vệ quyền lợi NTD vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Nhiều NTD vẫn chưa quan tâm đến việc bảo vệ chính mình khi mua hàng hóa và sử dụng dịch vụ, không đọc kỹ hướng dẫn sử dụng, bảo quản, không lấy hóa đơn khi mua hàng; hiểu biết về an toàn thực phẩm còn hạn chế... Bà Nguyễn Thị Trang - Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi NTD tỉnh cho biết: “NTD còn ngần ngại, không kiến nghị, phản ánh hoặc chưa tích cực hợp tác với cơ quan quản lý nhà nước để giải quyết những vụ việc xâm hại quyền lợi. Trong khi đó, một số doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh không chân chính lợi dụng điều này để phớt lờ nghĩa vụ với NTD”.
Ngoài ra, thời gian qua, không ít doanh nghiệp lợi dụng Chương trình đưa hàng Việt về nông thôn để trà trộn tiêu thụ các mặt hàng kém chất lượng, hàng quá hạn sử dụng; vẫn còn tình trạng bán hàng rong lừa NTD nông thôn... Theo ông Lê Đức Dũng - Phó Chủ tịch UBND huyện Khánh Vĩnh: Người dân miền núi thấy có hàng là mua chứ không rõ chất lượng hàng hóa và quyền lợi của mình như thế nào, không biết ai bảo vệ để lên tiếng. Do vậy, ngành chức năng cần tăng cường tuyên truyền chính sách pháp luật tới người dân ở miền núi, vùng sâu, vùng xa.
Lực lượng mỏng, nguồn kinh phí đặc thù hạn chế cũng khiến các cơ quan chức năng gặp khó khăn trong việc giám định hàng nhập lậu. Mặt khác, nhiều doanh nghiệp chưa phối hợp chặt chẽ trong xử lý hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ... Ông Cao Đình Phần - Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết, sự phối hợp chống hàng giả giữa nhà sản xuất với lực lượng chức năng chưa đồng bộ và kịp thời. Các vi phạm về sở hữu trí tuệ rất phức tạp, phải trưng cầu giám định trước khi xử lý; chi phí giám định cao, thời gian giám định dài đã gây nhiều khó khăn...
Để công tác bảo vệ quyền lợi NTD thực sự đi vào chiều sâu và đạt kết quả cao, nhiều ý kiến cho rằng, cơ quan chức năng cần xây dựng các chương trình bảo vệ quyền lợi NTD theo từng thời kỳ để các địa phương có phương hướng tổ chức thực hiện; hỗ trợ kinh phí và hướng dẫn nghiệp vụ trong công tác này từ huyện đến xã; tăng cường tập huấn cho các doanh nghiệp về kiến thức bảo vệ quyền lợi NTD... Ngoài ra, cấp huyện, xã cần chỉ đạo ban quản lý chợ, trung tâm thương mại, siêu thị trên địa bàn niêm yết công khai quyền và trách nhiệm của NTD tại địa chỉ kinh doanh; lập đường dây nóng tiếp nhận thông tin của NTD. Đồng thời tuyên truyền cho nhân dân, nhất là người dân ở vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo hiểu rõ quyền lợi và trách nhiệm để nâng cao nhận thức tự bảo vệ quyền lợi trong giao dịch thương mại.
H.Q