Ưu điểm khi mua hàng thời trang đồng giá là khách hàng thoải mái lựa chọn sản phẩm mà không phải quá bận tâm về giá cả. Tuy nhiên, nếu không tinh ý, người tiêu dùng rất dễ "rinh" phải hàng dỏm.
Ưu điểm khi mua hàng thời trang đồng giá là khách hàng thoải mái lựa chọn sản phẩm mà không phải quá bận tâm về giá cả. Tuy nhiên, nếu không tinh ý, người tiêu dùng rất dễ “rinh” phải hàng dỏm.
Ở TP. Nha Trang, không khó để bắt gặp các cửa hàng bán quần áo đồng giá với giá khá rẻ, chỉ từ 25.000 - 99.000 đồng/áo thun, 45.000 - 150.000 đồng/áo đầm, 50.000 - 100.000 đồng/quần jeans hay kaki… Chủ một cửa hàng trên đường 2-4 cho hay, việc trưng bày biển đồng giá sản phẩm không chỉ là một hình thức câu khách mà còn giúp khách hàng có thể thỏa sức lựa chọn mà không sợ bị nói thách, không mất công mặc cả. Song thực tế, không phải ở đâu người tiêu dùng cũng mua được hàng với giá cả và chất lượng đúng như quảng cáo.
Mới đây, khi vào một shop quần áo trên đường Lý Tự Trọng, chúng tôi thấy biển quảng cáo: “Hàng đồng giá chỉ 60.000 đồng/áo, 150.000 đồng/áo đầm”. Lục tung đống quần áo, chúng tôi thấy nhiều chiếc áo chất lượng kém, cũ kỹ. Thấy vẻ ái ngại của khách hàng, nhân viên giải thích: “Hàng bị lỗi nên cửa hàng mới để giá rẻ như vậy”. Còn tại một sạp hàng ở chợ Xóm Mới, người bán không ngớt quảng cáo “hàng hiệu giá rẻ, nhập ngoại” với giá chỉ 25.000 đồng/áo song chất liệu và kiểu dáng không hơn gì hàng si. Một số cửa hàng trưng biển giá rẻ, những bộ đồ bắt mắt trước cửa hiệu chỉ để gây ấn tượng còn đa số các mặt hàng đều cũ kỹ, bạc màu, thậm chí giãn dây thun, đứt chỉ... Dù vậy, người bán hàng đều giới thiệu là hàng chính hãng công ty.
Khách hàng nên cân nhắc trước khi mua hàng đồng giá. |
Không ít trường hợp đã bị hớ khi mua hàng đồng giá. Chị Ngô Thị Tuyết Trinh (đường Nguyễn Thị Minh Khai) kể: “Có lần, tôi mua 2 váy đầm đồng giá ở chợ Bình Tân chỉ 45.000 đồng/chiếc. Tuy nhiên, khi giặt bị ra màu, vải sờn, bong chỉ. Đã thế, mùi áo rất khó chịu, giặt nhiều lần cũng không hết”. Không chỉ thất vọng vì chất lượng sản phẩm, nhiều khách hàng còn lắc đầu trước cách kinh doanh lập lờ về giá cả của một số cửa hàng. Bà Nguyễn Thị Kim (phường Tân Lập) cho biết: “Nhìn thấy một shop thời trang trên đường 2-4 đề biển đồng giá chỉ 99.000 đồng/sản phẩm, tôi hào hứng vào xem. Nhưng khi vào rồi mới biết hàng đồng giá chỉ chiếm vị trí khiêm tốn ở một dãy nhỏ. Những dãy hàng khác đều niêm yết sản phẩm với giá cao hơn, từ 150.000 đồng đến 250.000 đồng/sản phẩm. Nhân viên lý giải, giá treo ở biển hiệu là giá tượng trưng; nếu khách hàng chọn hàng xịn hơn thì giá đương nhiên phải khác”.
Một số sạp chợ, vỉa hè hay shop giày dép cũng kinh doanh theo hình thức đồng giá với giá bán khá rẻ so với mặt bằng chung. Chẳng hạn như giày, xăng đan tại một sạp di động trên đường Yersin giá chỉ 40.000 đồng/đôi, dép xỏ ngón bán dạo tại chợ Bình Tân giá 10.000 đồng, 20.000 đồng/đôi, giày tại một shop trên đường 2-4 đồng giá 99.000 đồng/đôi... Đa số các mặt hàng thoạt nhìn có kiểu dáng, màu sắc khá bắt mắt, song quan sát kỹ chúng tôi thấy chất liệu bằng nhựa hoặc giả da mỏng, phần đế giày gắn keo kém chắc chắn, dễ bong tróc. Một số cửa hàng trên đường Hoàng Hoa Thám, Ngô Gia Tự... thanh lý đồng giá 150.000 hoặc 200.000 đồng/đôi đối với giày dép cũ, lỗi mốt. Mức giá này rẻ hơn khoảng 30 - 50% so với hàng mới. Nếu khéo lựa, chị em vẫn có thể chọn được mặt hàng phù hợp, song nhìn chung chất lượng của các loại giày dép cũng thuộc dạng “hên xui”.
Chủ một cửa hàng thời trang tiết lộ, quần áo, giày, dép được bán với cùng mức giá rẻ một phần là các công ty may mặc xả ra do bị lỗi hoặc là hàng tồn kho được tuồn ra thị trường cho các đầu mối, sau đó được làm mới lại, gắn mác. Bên cạnh đó, cũng có những mặt hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, không nhãn mác, hàng nhái, hàng nhập lậu được các đầu nậu mang về bán tràn lan trên thị trường. Mặt khác, giá nhập về ban đầu của những mặt hàng đồng giá có sự chênh lệch nhau nên chất lượng cũng không đồng nhất. Nếu may mắn, người mua sẽ lựa được hàng sát với giá bán, người bán chấp nhận lãi ít để quy về hàng đồng giá. Ngược lại, nếu không cẩn thận, khách hàng dễ bị hớ vì hàng giá rẻ được đẩy lên cao. Đây là một chiêu câu khách của các cửa hàng đánh vào tâm lý người tiêu dùng thích săn hàng giá rẻ.
Vì vậy, người tiêu dùng nên xem xét kỹ chất lượng hàng hóa, cẩn thận hỏi giá từng mặt hàng và so sánh với giá ngoài thị trường trước khi mua.
N. KIM - T. VIỆT