Gần đây, trên địa bàn TP. Nha Trang, hình thức mua hàng bằng thẻ giảm giá hay phiếu dịch vụ không còn hấp dẫn nhiều người như khi nó mới xuất hiện. Không ít khách hàng phàn nàn vì đơn vị cung cấp hàng hóa, dịch vụ kém chất lượng hoặc thiếu tôn trọng mình…
Gần đây, trên địa bàn TP. Nha Trang, hình thức mua hàng bằng thẻ giảm giá hay phiếu dịch vụ không còn hấp dẫn nhiều người như khi nó mới xuất hiện. Không ít khách hàng phàn nàn vì đơn vị cung cấp hàng hóa, dịch vụ kém chất lượng hoặc thiếu tôn trọng mình…
Không như quảng cáo
Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay, một số công ty lập website làm trung gian bán thẻ giảm giá (thẻ từ) cho khách hàng. Khách sử dụng thẻ sẽ được giảm giá khi mua hàng hóa, sử dụng dịch vụ từ đối tác của công ty này. Bên cạnh đó còn có các website bán hàng theo nhóm tung ra voucher (phiếu dịch vụ, giá trị tương đương tiền mặt mà khách hàng đã thanh toán trước) để khách sử dụng dịch vụ hoặc chọn mua hàng giảm giá. Hình thức mua bán này tập trung vào các mặt hàng như: hàng may mặc, dịch vụ ăn uống, du lịch, làm đẹp... Bên cạnh những đơn vị đảm bảo tốt quyền lợi của khách hàng, vẫn có một số đơn vị làm ăn chộp giật, coi trọng lợi nhuận trước mắt hơn uy tín lâu dài.
Thấy nhà hàng N. đường Yersin đăng thông tin giảm giá 10% hóa đơn cho khách hàng có thẻ giảm giá của Công ty T., vợ chồng bà Nguyễn Thị Minh Ngọc (phường Phước Tiến) đã đến ăn thử. Theo bà Ngọc, website đăng hình ảnh các món ăn rất đẹp mắt, đa dạng và đầy đặn. Nhưng thực tế, món lươn chiên giòn chỉ có một con lươn bé xíu nằm lọt thỏm trong dĩa điểm vài cọng rau thơm, vậy mà giá tới 90.000 đồng; đĩa bánh xèo nhỏ xíu giá 35.000 đồng; món sườn nướng giá 120.000 đồng mà chỉ lèo tèo vài miếng. “Tuy lúc tính tiền có được giảm giá, nhưng xem ra vẫn đắt hơn so với những nơi khác. Vợ chồng tôi, không bao giờ ghé lại nhà hàng đó nữa” - bà Ngọc phàn nàn.
Một website bán hàng theo nhóm. |
Bà Lê Thị Hà (phường Tân Lập) đã bị hớ vì mua phải hàng khuyến mãi dởm trên một website bán hàng theo nhóm. Website này đăng bán chiếc ví giá 120.000 đồng giảm còn 60.000 đồng. Chỉ sau một ngày đăng đã có hơn 200 khách hàng đăng ký. Sợ hết hàng nên bà Hà vội vàng click vào nút “mua”. Khi mang voucher đi lấy hàng, bà Hà mới biết chiếc ví này không đẹp long lanh như trên hình, có bán ở nhiều chợ với giá không quá 60.000 đồng. Thế nhưng vì tiền đã chuyển, voucher đã nhận nên bà chỉ được phép đổi chiếc ví màu khác chứ không được hoàn lại tiền.
Bị phân biệt đối xử
Một số khách hàng sử dụng thẻ giảm giá hay phiếu dịch vụ còn phản ánh việc bị phân biệt đối xử so với những người thanh toán bằng tiền mặt. Bà Mai Thị Huệ (phường Vĩnh Hải) cho biết, bà bỏ ra gần 300.000 đồng để mua một chiếc thẻ tiện ích của Công ty G. thời hạn 2 năm. Sử dụng thẻ này, bà sẽ được giảm giá từ 10 đến 30% khi mua sắm, sử dụng dịch vụ ở hơn 100 điểm kinh doanh tại TP. Nha Trang. Thế nhưng, đến ăn ở quán N. (đường Nguyễn Thị Minh Khai), khi thanh toán, bà Huệ không được giảm giá mà còn bị cộng thêm vào hóa đơn 8.000 đồng vì “thanh toán bằng thẻ phải mất thêm phí”. Bà yêu cầu chủ cửa hàng giải thích thì nhận được câu xin lỗi với lý do nhân viên không biết đến loại thẻ này. Lần sau, đến ăn tại đây, bà thấy thái độ của nhân viên lạnh nhạt, thiếu nhiệt tình hẳn. “Tôi ngồi ăn mà nhân viên cứ liếc mắt, rồi bàn tán về chiếc thẻ giảm giá khiến tôi rất khó chịu. Mình bỏ tiền ra mua thẻ chứ có phải đi xin đâu!” - bà Huệ bức xúc.
Một số trường hợp còn bị đơn vị cung cấp từ chối giảm giá. Ông Trần Văn Điệp (phường Phước Long) cho biết, sau khi ăn ở quán ốc Đ. (đường Tháp Bà), ông đưa thẻ giảm giá thì bị từ chối với lý do quán không còn là đối tác của công ty cung cấp thẻ. Nhưng khi về kiểm tra lại danh sách các điểm giảm giá, ông Điệp thấy thời hạn đăng ký giảm giá của quán ăn này vẫn còn đến hết năm 2014. Ông định gọi điện phản ánh với nhà cung cấp thẻ nhưng lại ngại phiền phức nên đành làm ngơ...
T.C.N - nhân viên một đơn vị bán hàng theo nhóm có văn phòng tại TP. Nha Trang thừa nhận, vài năm trước, hình thức mua bán này rất thu hút giới học sinh, sinh viên, nhân viên văn phòng... Nhưng gần đây, lượng khách tham gia giảm hẳn. Một phần vì công ty không quản lý được chất lượng hàng hóa, dịch vụ mà các đối tác cung cấp. “Có nhà hàng khi cho chúng tôi dùng thử món ăn thì phục vụ rất chu đáo, chất lượng nên chúng tôi đã ký hợp đồng. Nhưng sau đó, chúng tôi mới biết món ăn cho khách hàng đã bị bớt xén” - N. nói.
Hiện nay, việc kinh doanh thông qua thẻ giảm giá hay phiếu dịch vụ được xếp vào dạng thương mại điện tử. Tuy nhiên, các quy định còn chưa rõ ràng và việc quản lý cũng chưa được quan tâm đúng mức. Nếu các công ty cung cấp hàng hóa, dịch vụ không nâng cao ý thức trong việc đảm bảo quyền lợi khách hàng thì người tiêu dùng sẽ mất dần niềm tin với hình thức mua bán này.
T.VIỆT