Hiện nay, tại các chợ lẻ ở TP. Nha Trang xuất hiện tình trạng người bán hàng dạo gắn mác nhân viên tiếp thị của các doanh nghiệp. Nếu không tinh ý, người tiêu dùng rất dễ mua phải hàng dỏm.
Hiện nay, tại các chợ lẻ ở TP. Nha Trang xuất hiện tình trạng người bán hàng dạo gắn mác nhân viên tiếp thị của các doanh nghiệp. Nếu không tinh ý, người tiêu dùng rất dễ mua phải hàng dỏm.
Đủ chiêu tiếp thị
Dạo quanh các chợ ở TP. Nha Trang, chúng tôi dễ dàng bắt gặp đội quân bán hàng dạo, tự xưng là nhân viên tiếp thị của các công ty phân phối sản phẩm chính hãng. Nắm bắt tâm lý chuộng hàng rẻ của người dân, những người này đã có những chiêu chào hàng và tiếp thị khôn khéo khiến nhiều người mắc bẫy. Các sản phẩm được bán thường là hàng gia dụng, đồ dùng học sinh… không rõ nguồn gốc xuất xứ. Không ít người dân sau khi mua hàng về sử dụng mới biết mua phải hàng dỏm.
Chiều 24-9, chúng tôi ghé vào một gian hàng ở chợ Bình Tân. Gọi là gian hàng nhưng thực tế người bán chỉ trải xuống đất một mảnh bạt nhỏ rồi bày lên đó các bảng đa năng tiếng Anh và bảng chữ cái có giọng nói. Thấy chúng tôi đến xem, người bán hàng đon đả: “Mua đi em, bảng đa năng tiếng Anh (dành cho học sinh lớp 1 trở lên) giá rẻ, chỉ 150.000 đồng/bảng; bảng chữ cái có giọng nói (dành cho trẻ 3 tuổi đến lớp 1) giá 80.000 đồng/bảng. Hàng này rất hiếm, không nhanh tay sẽ hết”. Chưa biết chất lượng thế nào nhưng nghe lời quảng cáo ngọt ngào và âm thanh ngộ nghĩnh phát ra khi người bán chạm tay vào sản phẩm, nhiều người xúm lại mua. Khi chúng tôi hỏi vì sao sản phẩm không có nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ, người bán liền trấn an: “Hàng này được sản xuất tại công ty chính hãng ở Hà Nội. Do lần đầu ra mắt sản phẩm mới nên không có nhãn mác. Tôi có người nhà làm ở công ty này nên bán ăn hoa hồng, em yên tâm mua cho bé học”.
Người bán dạo đang giới thiệu sản phẩm cho khách. |
Một lần khác, đi chợ Vĩnh Hải, chúng tôi thấy có quầy hàng di động bán bột giặt khuyến mãi: Loại 6kg giá 205.000 đồng, tặng kèm 1 chai nước rửa chén nhỏ, 1 xô đựng nước; loại 3kg giá 180.000 đồng, tặng kèm chai tẩy bồn cầu, 2 chai nước rửa chén… Theo lời người bán hàng, nguyên liệu làm bột giặt được nhập hoàn toàn từ Nhật Bản. Thấy bà T. mua một bịch, hai thanh niên chèo kéo: “Lâu lâu công ty mới có đợt khuyến mãi, cô nên mua thêm một bịch dự trữ chứ khi cần không biết mua ở đâu”. Về nhà dùng, bà T. mới biết mình mua phải hàng dỏm vì giặt quần áo không sạch, xả nhiều nước vẫn còn nhớt. Cũng trong tình thế mua phải hàng kém chất lượng, chị Nguyễn Thị Kim (phường Tân Lập) kể: “Một lần đi chợ Đầm, tôi thấy người bán dạo giới thiệu keo đa năng giá chỉ 10.000 đồng/tuýp, có thể dán bất kỳ vết nứt trên tủ, giường, bàn ghế, sành sứ... nhưng khi về tôi dán dép đi một lúc thì bị hở”. Xem tuýp keo dán bà Kim mua, tôi thấy in chi chít chữ Trung Quốc.
Bà H. (phường Tân Lập), do hoa mắt với bộ nồi (4 cái) và bộ thau (5 cái) giá rẻ (100.000 đồng/bộ) của người bán dạo tại chợ Xóm Mới, đã mua 2 bộ. Tuy sản phẩm không có nhãn mác, một số chỗ bị bong tróc lớp men nhưng vì ham rẻ, bà H. và nhiều người vẫn tranh nhau mua. Thấy chúng tôi thắc mắc về nguồn gốc, người bán hàng tỏ vẻ khó chịu: “Hàng bị lỗi nên cửa hàng mới để giá rẻ như vậy, mua thì mua không mua thì thôi (!?)”. Chỉ sau 2 lần sử dụng, bà H. thấy nồi bị sạm đen, cọ rửa thì nồi bị bong tróc lớp mạ bên ngoài. “Nghe nhân viên bán hàng giới thiệu sản phẩm được sản xuất tại công ty chính hãng ở Hải Dương, thấy giá rẻ, lại đông người mua nên tôi mua luôn 2 bộ, nào ngờ…” - bà H. thất vọng nói.
Cần thận trọng
Theo khuyến cáo của ông Nguyễn Minh Sô - Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường tỉnh, người tiêu dùng chỉ nên mua hàng hóa ở những cửa hàng, công ty có uy tín, có hóa đơn chứng từ. Khi chọn mua hàng, nên lưu ý chọn hàng có dán nhãn, niêm yết giá rõ ràng. Nhãn mác phải có đầy đủ thông tin: Tên hàng hóa, địa chỉ sản xuất, hướng dẫn sử dụng, thời hạn bảo quản… Không nên ham rẻ mua hàng trôi nổi không rõ nguồn gốc. Khi phát hiện những trường hợp hàng giả, hàng nhái, người tiêu dùng nên kịp thời phản ánh cho cơ quan chức năng.
Ông Nguyễn Văn An, Trưởng phòng Nghiệp vụ - Tổng hợp, Chi cục Quản lý thị trường tỉnh cho biết: “Hình thức bán dạo không cố định nên khó quản lý. Năm 2012, Chi cục Quản lý thị trường tỉnh kiểm tra phát hiện 54 lượt doanh nghiệp vận chuyển hàng hóa bán lẻ trên phương tiện vi phạm, trong đó có đối tượng bán hàng dạo, xử phạt 485 triệu đồng. Các doanh nghiệp này chủ yếu không chấp hành tốt các chế độ hóa đơn chứng từ trong mua bán hàng hóa.
Thông thường, những quầy hàng bán dạo luôn có các chương trình khuyến mãi hấp dẫn như mua 2 tặng 1, giảm giá “khủng”… nên hấp dẫn người mua. Chính vì thế, người tiêu dùng cần thận trọng để tránh mua phải hàng kém chất lượng.
NGUYỄN KIM