10:07, 31/07/2013

Hàng hóa “đu” theo giá xăng

Giá xăng dầu tăng 3 lần liên tiếp chỉ trong vòng hơn 1 tháng (tổng cộng 1.270 đồng/lít) khiến chi phí vận chuyển hàng hóa tăng lên, tạo áp lực tăng giá lên nhiều mặt hàng.

Giá xăng dầu tăng 3 lần liên tiếp chỉ trong vòng hơn 1 tháng (tổng cộng 1.270 đồng/lít) khiến chi phí vận chuyển hàng hóa tăng lên, tạo áp lực tăng giá lên nhiều mặt hàng.


Ông Lê Văn Trung, chủ xe chở rau, củ từ Đà Lạt về chợ Đầm (Nha Trang) cho biết, hiện nay, trung bình mỗi tháng chi phí tiền xăng tăng lên hơn 200.000 đồng so với trước. Các tiểu thương lấy hàng về bán lẻ cũng phải tốn thêm chi phí vận chuyển do giá xăng tăng. Do đó, giá thực phẩm đến tay người tiêu dùng tăng thêm một nấc. Ngoài ra, theo bà Nguyễn Thu Hà, tiểu thương chợ Bình Tân (Nha Trang), giá nhiều loại rau, củ, quả tăng còn bởi ảnh hưởng thời tiết thất thường, hết mùa vụ, nguồn cung giảm. So với tuần trước, giá bắp cải tăng lên 16.000 đồng/kg (tăng 1.000 đồng/kg), cà rốt 15.000 đồng/kg (tăng 2.000 đồng/kg), cà chua 12.000 đồng/kg (tăng 2.000 đồng/kg)…


Giá các loại thủy hải sản cũng tăng mạnh do tác động từ nhiều yếu tố, trong đó có giá xăng dầu. Bà Dương Thị Thu, tiểu thương chợ Đầm phân tích: “Thời tiết gần đây khá thuận lợi cho việc đánh bắt thủy hải sản. Tuy nhiên, do giá dầu tăng lên gần 23.000 đồng/lít, giá xăng hơn 25.000 đồng/lít nên chi phí vận chuyển, bảo quản và đánh bắt tốn kém hơn. Bên cạnh đó, trong mùa du lịch, nhu cầu tiêu thụ các loại cua biển, mực, cá thu… tăng cao. Do đó, giá các mặt hàng này tăng lên từ 2 - 5%”. Cụ thể, tôm sú hiện có giá khoảng 360.000 đồng/kg, cá thu 185.000 đồng/kg… Giá thịt heo, thịt bò cũng có xu hướng tăng nhẹ khoảng 5.000 đồng/kg do ảnh hưởng của việc tăng chi phí đầu vào và dịch bệnh xảy ra cục bộ ở một số địa phương.

 

Giá nhiều loại rau, củ tiếp tục có xu hướng tăng.  (Ảnh chụp tại chợ Bình Tân, Nha Trang).
Giá nhiều loại rau, củ tiếp tục có xu hướng tăng. (Ảnh chụp tại chợ Bình Tân, Nha Trang).


Ngoài các mặt hàng thực phẩm, theo ghi nhận của chúng tôi, một số mặt hàng tiêu dùng khác cũng có chiều hướng “đu” theo giá xăng. Bà Lê Thị Bích Thủy, nhân viên kinh doanh cửa hàng tạp hóa Thanh Thảo, đường 2-4 (Nha Trang) cho biết, vài ngày qua, giá một số mặt hàng thực phẩm công nghệ, hóa mỹ phẩm, đồ gia dụng… tăng từ 3 - 5%. Chẳng hạn, dầu ăn Tường An lên 42.000 đồng/lít, dầu gội Rejoice loại 675ml có giá gần 70.000 đồng/chai… Trong đó, ngoài một số mặt hàng tăng giá do nhà sản xuất thay đổi mẫu mã, cải tiến chất lượng thì các cửa hàng bán lẻ cũng tăng thêm từ 1.000 - 2.000 đồng/sản phẩm để bù đắp chi phí vận chuyển do giá xăng tăng. Ngoài ra, một số mặt hàng như: Sữa, bánh kẹo… nhập ngoại tăng giá do biến động về tỷ giá đô la Mỹ.

 

Theo thông tin từ hệ thống siêu thị Co.opmart, Maximark…, các đơn vị này đã nhận được thông báo tăng giá một số mặt hàng tiêu dùng thiết yếu của nhà phân phối. Trong đó, chủ yếu là các mặt hàng thực phẩm, hóa mỹ phẩm, đồ gia dụng… Các đơn vị đang xem xét, đàm phán với nhà cung cấp; đồng thời nghiên cứu lựa chọn nhà cung cấp có giá cả hợp lý hơn nhằm đảm bảo sức mua trong bối cảnh chi tiêu thắt chặt.

Giá các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu có xu hướng tăng trong thời gian gần đây tiếp tục tạo sức ép lớn đối với nhiều gia đình có thu nhập thấp. Theo bà Nguyễn Thúy Chinh (phường Lộc Thọ, Nha Trang): “Mức lương cơ bản mới chỉ tăng 100.000 đồng, lên 1.150.000 đồng/người/tháng (từ ngày 1-7) thì giá xăng đã tăng 3 lần, sau đó hàng hóa đồng loạt tăng giá ăn theo, tính ra lương tăng không kịp giá”. Để xoay xở, bà phải lên kế hoạch chi tiêu cặn kẽ. Chẳng hạn trước đây, bà Chinh có thói quen ra chợ cóc gần nhà mua thực phẩm cho tiện, nhưng nay mỗi tuần bà chỉ đi chợ đầu mối 1 đến 2 lần, mỗi lần mua nhiều thực phẩm cất vào tủ lạnh dùng dần. “Mua sỉ vừa được giá rẻ, lại không phải đi lại nhiều, tiết kiệm được kha khá tiền xăng xe” - bà Chinh chia sẻ.


Theo Cục Thống kê tỉnh, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7 tăng 0,52% so với tháng trước. Trong đó, việc tăng giá xăng dầu là nguyên nhân chính làm tăng chỉ số giá của nhiều nhóm hàng. Điển hình là nhóm giao thông tăng 1,26%. Dự báo, CPI tháng 8 sẽ tiếp tục tăng do sức ép tăng giá xăng dầu và một số yếu tố khác như: Thời tiết, nhu cầu tiêu thụ, biến động tỷ giá… Trước tình hình đó, các ngành chức năng cần có những biện pháp quyết liệt trong quản lý, bình ổn giá, hạn chế tác động tiêu cực của tăng giá xăng dầu và tăng giá các mặt hàng khác tới đời sống người dân.


V.A