Lần đầu tiên phiên chợ đưa hàng Việt về 2 huyện miền núi Khánh Sơn, Khánh Vĩnh sẽ được tổ chức vào quý II năm nay. Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh Khánh Hòa đã tập hợp doanh nghiệp cùng bàn giải pháp tổ chức phiên chợ đạt kết quả.
Lần đầu tiên phiên chợ đưa hàng Việt về 2 huyện miền núi Khánh Sơn, Khánh Vĩnh sẽ được tổ chức vào quý II năm nay. Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại (KC-XTTM) tỉnh Khánh Hòa đã tập hợp doanh nghiệp (DN) cùng bàn giải pháp tổ chức phiên chợ đạt kết quả.
Vẫn còn băn khoăn
Theo ông Cao Đình Phần - Phó Giám đốc Sở Công Thương, trước đây, các phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn mới chỉ dừng lại ở việc đưa hàng về khu vực trung tâm thị trấn, cụm xã ở các huyện. Chỉ có một số ít đơn vị tự tổ chức bán hàng phục vụ người dân ở khu vực miền núi, hải đảo nhưng chưa thường xuyên và còn gặp nhiều khó khăn, lúng túng.
Người dân nông thôn, miền núi ưa chuộng hàng tốt, giá rẻ. (Trong ảnh: Phiên chợ hàng Việt tổ chức tại thị xã Ninh Hòa vào tháng 1-2013). |
Lý giải về việc không mấy mặn mà với hoạt động đưa hàng về miền núi, ông N.T.A, đại diện một DN kinh doanh hàng may mặc trên địa bàn tỉnh cho biết: “Thị trường miền núi xa xôi, đi lại khó khăn, dân cư không tập trung nên chỉ riêng chi phí vận chuyển hàng hóa đã tốn không ít. Hơn nữa, thu nhập của người dân nơi đây còn thấp, trong khi giá các mặt hàng của công ty cao nên chúng tôi chưa mạnh dạn”. Còn theo Phó Giám đốc một công ty phân phối hàng gia dụng tại Khánh Hòa: “Chúng tôi rất hào hứng với chủ trương “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và sẽ tiến tới chỉ phân phối hàng gia dụng nội địa. Tuy nhiên, sau 1 lần tham gia phiên chợ hàng Việt về nông thôn không thành công, chúng tôi cần thời gian xây dựng lại kế hoạch kinh doanh. Khi nào đủ tiềm lực, chúng tôi mới có thể yên tâm tham gia các phiên chợ hàng Việt”.
Theo ông Phạm Trọng Thái - Phó Giám đốc Trung tâm KC-XTTM tỉnh, nguồn kinh phí tổ chức các chương trình đưa hàng Việt về nông thôn còn hạn hẹp nên phải giới hạn số lượng DN tham gia. Trước mỗi phiên chợ, Trung tâm kêu gọi nhiều DN tham gia với tinh thần Nhà nước hỗ trợ, DN cùng góp sức. Tuy nhiên, số lượng đơn vị hưởng ứng khá khiêm tốn. Do một số DN vẫn còn đặt nặng việc lời lãi từ doanh số bán hàng, chưa nhận thức đây là cơ hội để quảng cáo, tiếp thị sản phẩm nên chỉ tham gia theo kiểu “đánh nhanh, rút gọn”.
Tiếp sức cho doanh nghiệp
Để hỗ trợ và tạo sự liên kết chặt chẽ giữa các DN, Trung tâm KC-XTTM tỉnh đã đề xuất đề án tổ chức phiên chợ hàng Việt về 2 huyện Khánh Sơn, Khánh Vĩnh vào quý II/2013. Chương trình đã được Bộ Công Thương phê duyệt với kinh phí gần 200 triệu đồng từ chương trình XTTM quốc gia. DN sẽ được hỗ trợ chi phí về tổ chức, truyền thông quảng bá, mặt bằng, điện, nước, an ninh trật tự... Ông Nguyễn Hồng Kiên, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Sản xuất - Thương mại Violet nhận xét: “Không chỉ được hỗ trợ về thủ tục, kinh phí tổ chức..., nhờ uy tín và quy mô của chương trình, DN sẽ có nhiều cơ hội quảng bá thương hiệu tới nhiều người hơn so với việc DN tự thân vận động”.
Chủ trương đã có, nhưng triển khai như thế nào cho đạt hiệu quả, để người dân ở nông thôn, miền núi quan tâm và tin tưởng đến với những phiên chợ hàng Việt là điều các DN băn khoăn. Theo ông Lương Thế Hùng - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Cà phê Mê Trang, cần mở rộng và đổi mới phương thức tuyên truyền để nâng cao nhận thức của DN, người dân về ý nghĩa thiết thực của chương trình đưa hàng Việt về nông thôn. Bên cạnh đó, cần tạo không khí sôi nổi cho mỗi phiên chợ bằng các hoạt động trao quà, quay số trúng thưởng, khuyến mãi...
Một trong những khó khăn khi tổ chức đưa hàng về nông thôn là chưa có mặt bằng tổ chức bán hàng dành riêng cho chương trình, nhất là khu vực miền núi. Theo ông Võ Trọng Nghĩa, nhân viên Siêu thị Co.opmart Cam Ranh: “Nhiều phiên chợ lấy mặt bằng sân vận động xã, trung tâm văn hóa xã... làm nơi tổ chức, không bảo đảm việc bố trí gian hàng. Có lần, một phiên chợ tổ chức đúng hôm trời mưa nên hàng hóa bị ướt, người dân đến xem thưa vắng. Ban tổ chức cần nghiên cứu địa điểm hợp lý để chương trình thu hút người dân, tạo điều kiện cho DN quảng bá sản phẩm”.
Hiện nay, Trung tâm KC-XTTM tỉnh đang vận động DN tham gia chương trình; tiếp đó, sẽ làm việc với DN và địa phương để tìm địa điểm tổ chức phù hợp. Do dân cư khu vực miền núi sống rải rác, phân tán nên dự kiến chương trình sẽ tổ chức theo kiểu luân phiên ở từng cụm dân cư, không tập trung ở một địa điểm như các phiên chợ trước. Ban tổ chức cũng không chú trọng số lượng DN tham gia mà quan tâm đến việc hàng hóa đa dạng, phù hợp với người dân. Theo ông Phạm Trọng Thái, Nhà nước chỉ đóng vai trò hỗ trợ, cốt lõi vẫn là ở DN. DN phải có sự chuẩn bị tốt, lựa chọn những mặt hàng hợp với thị hiếu và túi tiền của người dân mỗi vùng miền cũng như các phương thức tiếp thị hàng hóa sao cho hiệu quả; đồng thời, sau phiên chợ phải xây dựng phương án lâu dài nhằm thiết lập hệ thống phân phối chân rết ở thị trường nông thôn, miền núi.
ANH THÁI