10:03, 28/03/2013

Phát hiện nhiều, xử lý khó

Sau hơn 1 tuần đồng loạt ra quân kiểm tra hoạt động kinh doanh mũ bảo hiểm, các đội Quản lý thị trường  trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đã phát hiện và thu giữ nhiều mũ bảo hiểm kém chất lượng, không đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, việc xử lý vi phạm vẫn còn nhiều vướng mắc.

Sau hơn 1 tuần đồng loạt ra quân kiểm tra hoạt động kinh doanh mũ bảo hiểm (MBH), các đội Quản lý thị trường (QLTT) trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đã phát hiện và thu giữ nhiều MBH kém chất lượng, không đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, việc xử lý vi phạm vẫn còn nhiều vướng mắc.

Tại một quầy hàng ở chợ Đầm (Nha Trang), đoàn kiểm tra liên ngành của Đội QLTT cơ động và Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (TCĐLCL) tỉnh phát hiện có không ít MBH nhái theo tên các thương hiệu lớn, dễ gây nhầm lẫn cho người mua. Chẳng hạn, mũ Indes nhái thương hiệu Andes, Amaro nhái Amoro... Ông Trần Thanh Lân, chuyên viên Chi cục TCĐLCL tỉnh cho biết, những chiếc mũ này có tên gọi, màu sắc, kiểu dáng khá giống với hàng chính hãng nên nếu không tinh ý, người tiêu dùng rất dễ mua nhầm mũ giả. Ngoài ra, một số sản phẩm vẫn còn dán tem CS, tem “đã kiểm tra” là không đúng quy chuẩn, bởi hiện nay, MBH đều thống nhất phải dán tem CR. Người bán cũng không xuất trình được hóa đơn, chứng minh nguồn gốc sản phẩm với lý do “nhập về số lượng ít nên đơn vị cung cấp không ghi hóa đơn”.

1
Kiểm tra mũ bảo hiểm tại chợ Đầm (Nha Trang).

Kiểm tra một số điểm bán MBH khác tại chợ Đầm, đoàn kiểm tra phát hiện phương thức của các đối tượng kinh doanh là “cài” MBH kém chất lượng, không rõ xuất xứ lẫn với sản phẩm đạt chuẩn. Lý giải điều này, một số chủ hàng biện minh rằng “hàng cũ cất ở phía trong chứ không bán” hoặc “mũ xấu chỉ dùng để làm kệ xếp mũ tốt lên trên”. Bà Dương Thị Chanh, một tiểu thương giải thích với đoàn kiểm tra: “Bản thân tôi thích bán MBH tốt, có tem nhãn đầy đủ, nhưng do người dân muốn mua MBH rẻ tiền để đối phó với Cảnh sát giao thông nên tôi mới lấy về. Nếu người dân không ai mua mũ rẻ tiền thì tôi sẵn sàng nhập mũ tốt, giá cao về bán”.

Ra quân kiểm soát MBH trên các tuyến đường 23-10, 2-4, Lê Hồng Phong... (Nha Trang), Đội QLTT số 1 cũng phát hiện và thu giữ nhiều sản phẩm không phải MBH nhưng có kiểu dáng giống MBH (thường gọi là mũ thời trang, mũ thể thao...) nhưng vẫn được người đi mô tô, xe máy mua để đội khi đi đường. Các loại mũ này có giá rất rẻ, chỉ khoảng vài chục ngàn đồng; có phần nhựa ngoài rất mỏng, dễ vỡ, bên trong là một lớp vải mỏng. Khi phát hiện có lực lượng chức năng tới kiểm tra, nhiều người đã nhanh chóng “tẩu tán” hàng hóa hoặc “bỏ của chạy lấy người”. Ngoài ra, trước ngày lực lượng QLTT đi kiểm tra, một số hộ kinh doanh nghe thông tin về việc tăng cường “truy quét” MBH đã cất bớt lượng hàng hoặc ngưng bán để né sự kiểm soát. Ông Phạm Văn Hữu - Đội trưởng Đội QLTT số 1 cho biết: “Điểm chung của những hộ kinh doanh này là không đăng ký kinh doanh, bán hàng không có hóa đơn chứng từ, không chứng minh được nguồn gốc xuất xứ sản phẩm, hàng không nhãn mác... Những chiếc mũ này hoàn toàn không có khả năng bảo vệ người đi mô tô, xe máy”.

   Một chiếc mũ bảo hiểm Indes nhái thương hiệu Andes nổi tiếng.
 Một chiếc mũ bảo hiểm Indes nhái thương hiệu Andes nổi tiếng.
Từ ngày 20-3 đến nay, Đội QLTT số 1 và Đội QLTT cơ động tiến hành kiểm tra 18 cơ sở kinh doanh MBH, phát hiện 8 cơ sở vi phạm, thu giữ 78 chiếc mũ thời trang, mũ thể thao và các loại mũ khác có kiểu dáng giống MBH; chưa phát hiện MBH giả nhãn hiệu. Ngoài ra, các đội QLTT ở các huyện, thị xã, thành phố cũng phát hiện một số vụ vi phạm quy mô nhỏ và đang xem xét xử lý. Đợt cao điểm kiểm tra MBH dự kiến diễn ra đến ngày 20-4.

Ông Nguyễn Minh Sô - Chi cục trưởng Chi cục QLTT tỉnh cho biết, việc xử lý đối với các trường hợp kinh doanh MBH trên vỉa hè rất phức tạp, bởi các đối tượng này không có địa điểm kinh doanh cố định. Khi cơ quan QLTT thu giữ hàng hóa để xem xét xử lý thì họ sẵn sàng vứt bỏ hàng hóa và không đến làm việc, các đội kiểm tra phải thực hiện thủ tục xử lý hàng vắng mặt. Việc xử phạt cũng không dễ bởi người bán lấy lý do “không phải bán MBH mà chỉ bán mũ thời trang, mũ thể thao, còn người tiêu dùng mua để dùng vào việc gì thì họ không chịu trách nhiệm”. Được biết, hiện nay, mới chỉ có quy định xử phạt vi phạm hành chính với cơ sở sản xuất và nhập khẩu MBH không thực hiện việc công bố tiêu chuẩn chất lượng mà chứa có quy định xử phạt đối với cơ sở kinh doanh. Trong khi đó, trên địa bàn tỉnh không có đơn vị sản xuất mà chỉ có các đơn vị kinh doanh MBH nhỏ lẻ nên việc xử lý vi phạm còn vướng mắc.  

Theo ông Trần Thanh Lân: “Ngoài việc ngành chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường thì người dân cũng cần nâng cao ý thức tự bảo vệ mình khi chọn mua MBH. Người tiêu dùng không nên mua MBH không có nhãn mác rõ ràng, không rõ nguồn gốc. Để chọn mua mũ tốt, người dân cần chú ý chọn mũ có đủ 3 bộ phận: vỏ mũ, đệm hấp thụ xung động bên trong có chức năng bảo vệ đầu khỏi các va chạm và có quai đeo chắc chắn. Ngoài ra, trên sản phẩm phải có nhãn mác ghi rõ “MBH dành cho người đi mô tô, xe máy”, có tem hợp chuẩn CR, ghi rõ địa chỉ sản xuất hoặc đơn vị nhập khẩu...”.

ANH THÁI