08:12, 02/12/2012

EU - Việt Nam tiến tới kết thúc đàm phán FTA vào năm 2014

 

Thỏa thuận này sẽ mở ra một lối vào bền vững cho các sản phẩm và dịch vụ của hai bên.

 

 

Thỏa thuận này sẽ mở ra một lối vào bền vững cho các sản phẩm và dịch vụ của hai bên.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

 

Vòng đàm phán Hiệp định Thương mại tự do (FTA) Việt Nam - Liên minh châu Âu đã chính thức được khởi động, nhiều kỳ vọng được đặt ra như giúp dỡ bỏ 90% dòng thuế cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này, cùng với việc gia tăng dòng vốn của Liên minh châu Âu vào Việt Nam.

Mặc dù còn nhiều thách thức, song hai bên sẽ tiếp tục các vòng đàm phán, tiến tới kết thúc đàm phán vào năm 2014. Đây là những thông tin đưa ra tại Hội thảo “Thách thức trong năm 2013 - Hướng tới Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu”.

Khởi động vòng đàm phán đầu tiên tại Hà Nội đầu tháng 10 vừa qua, đến nay Việt Nam - Liên minh châu Âu đang tiến hành các nhóm thảo luận riêng biệt với các chủ đề liên quan. Thỏa thuận Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu sẽ mở ra một lối vào bền vững cho các sản phẩm và dịch vụ của hai bên.

Ông Jean Jacques Bouflet, Tham tán công sứ, Trưởng Bộ phận Thương mại & Kinh tế, Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam cho biết: “Lợi ích đầu tiên là thuế bằng không cho hầu hết các hàng hóa và như vậy các doanh nghiệp sẽ có lợi ích từ quá trình này, đặc biệt là trong lĩnh vực thực phẩm, nông sản. Tất nhiên không dễ để có câu trả lời hòan hảo ngay nếu không đi sâu vào lĩnh vực cụ thể nhưng nếu chúng ta nhận thấy những gì đã đạt được thì có thể thấy những sản phẩm sang EU như giày dép, may mặc, đồ gỗ, nông sản cũng có lợi ích lớn. Chúng tôi kỳ vọng hoạt động thương mại như này sẽ được đẩy mạnh hơn nữa giữa Việt Nam và EU.”

Thực tế, việc tham gia Hiệp định thương mại tự do cũng đặt ra thách thức không nhỏ cho doanh nghiệp Việt Nam trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh và chất lượng hàng hóa. Bởi Liên minh châu Âu là một trong những đối tác đặt ra yêu cầu cao nhất về tiêu chí vệ sinh an toàn thực phẩm, lao động, bảo vệ môi trường...

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng: “Việt Nam là nước đang phát triển, nên đã tạo ra sự chênh lệch nhất định về trình độ kinh tế, xã hội, khoa học công nghệ, quản trị và hệ thống thể chế...Đây là khoảng cách không dễ gì vượt qua được khi châu Âu luôn đòi hỏi yêu cầu cao hơn, chuẩn cao hơn mà Việt Nam không dễ gì đáp ứng được. Do vậy, quá trình này rất gian nan cần những cải cách thể chế thích hợp, tạo cơ hội cho Việt Nam phát triển tốt hơn."

Hiện nay, cuộc đàm phán đang được diễn ra theo chiều hướng tích cực, thậm chí có thể kết thúc sớm hơn dự kiến vào tháng 10-2014 theo như kỳ vọng của Cao ủy Thương mại Liên minh Châu Âu.

Theo VOV