Sau khi giá xăng, điện, nước… tăng, giá nhiều mặt hàng thiết yếu khác cũng tăng theo. Đến tháng 10, người tiêu dùng lại nhấp nhổm không yên khi giá gas và sữa tiếp tục tăng.
Sau khi giá xăng, điện, nước… tăng, giá nhiều mặt hàng thiết yếu khác cũng tăng theo. Đến tháng 10, người tiêu dùng lại nhấp nhổm không yên khi giá gas và sữa tiếp tục tăng.
Sữa, gas “đồng hành” tăng giá
Với lý do đưa ra sản phẩm mới, bổ sung thêm dưỡng chất, từ cuối tháng 9, một số sản phẩm của nhãn hiệu sữa Abbott đã tăng giá khoảng 10%. Cụ thể, Abbott Grow 1 900g thay thế cho Similac IQ giá 303.000 đồng/hộp (tăng 28.000 đồng), Abbott Grow 2.400g thay thế cho Similac Gain: 143.000 đồng/hộp (tăng 14.000 đồng). Đặc biệt, sản phẩm mới Abbott Grow 4 thay thế cho Grow Vanilla giá 478.000 đồng (tăng 48.000 đồng/hộp) song trọng lượng chỉ còn 1,7kg (giảm 100g). Đầu tháng 10, nhãn hiệu sữa Cô gái Hà Lan cũng tăng giá 4-5% (trung bình tăng 1.500-3.000 đồng/hộp) đối với dòng sữa tươi hộp 1 lít lên 24.200 đồng/hộp, Ovaltine loại hũ 400g giá 51.000 đồng, loại hộp giấy 285g giá 35.000 đồng/hộp. Đây là 3 sản phẩm không nằm trong danh mục quản lý giá của Bộ Tài chính.
Khách hàng chọn mua sữa tại Siêu thị Citimart Nha Trang. |
Theo ghi nhận của chúng tôi, mức giá mới đã được áp dụng không thống nhất tại các điểm kinh doanh sữa, chênh lệch từ vài ngàn đồng tới 12.000 đồng tùy trọng lượng. Một số cửa hàng nhỏ lẻ bán giá cao hơn giá nhà sản xuất với lý do nhập về qua nhiều tầng nấc trung gian. Ngược lại, một số cửa hàng bán với giá thấp hơn thông báo giá của các nhà cung cấp đã đăng ký giá do họ dùng hàng khuyến mãi quy ra giá trị tương ứng để giảm giá, hoặc chia sẻ với khách hàng mức chiết khấu mà họ được hưởng từ công ty. Tuy nhiên hiện nay, có một số đại lý, siêu thị vẫn chưa nhập về các sản phẩm mới nên vẫn bán với mức giá cũ. Bà Trần Thị Vũ, chủ cửa hàng tạp hóa ở đường Võ Thị Sáu (Nha Trang) cho biết, đợt trước bà lấy về lượng hàng như mọi khi nhưng bán chậm hơn hẳn nên hiện vẫn còn hàng cũ. Tuy nhiên, bà cũng đã nhận được thông báo tăng giá sữa của Công ty TNHH Dinh Dưỡng 3A (đơn vị nhập khẩu sữa Abbott) và sẽ áp dụng giá mới khi bán hàng mới.
Cũng từ 1-10, giá gas bán lẻ đã tăng 16.000 đồng/bình 12kg do giá gas thế giới tăng, đưa giá gas đến tay người tiêu dùng lên khoảng 432.000 đồng/bình 12kg. Trước đó, đầu tháng 8 và 9, giá bán lẻ gas trong nước đã tăng 2 lần, mỗi lần tăng 51.000-52.000 đồng/bình 12kg. Như vậy, đây là tháng thứ 3 liên tiếp giá bán lẻ gas trong nước được điều chỉnh tăng mạnh với mức tăng tổng cộng lên tới 119.000 đồng/bình 12kg. Bà Nguyễn Thị Bích (phường Phương Sài, Nha Trang) nhẩm tính: “Tháng nào giá gas cũng biến động. Điều đáng lo ngại là giá tăng nhiều nhưng lại giảm ít. Tính từ đầu năm đến nay, giá gas tăng 8 lần với mức tăng 265.000 đồng/bình 12kg nhưng chỉ giảm 5 lần với mức 183.000 đồng/bình 12kg, tính ra đã tăng 82.000 đồng/bình 12kg”.
Nhìn lại diễn biến thị trường gas, sữa, có thể thấy việc tăng giá các mặt hàng này đã trở thành thông lệ với những lý do quen thuộc như nguyên liệu đầu vào tăng, tăng tỷ giá, thay đổi mẫu mã sản phẩm… Điều này đã gây ra không ít khó khăn cho người tiêu dùng, nhất là trong thời điểm sức mua ì ạch vì thị trường chung tăng giá.
Ông Nguyễn Xuân Long - Giám đốc Sở Tài chính nhận định, việc quản lý giá đối với gas và sữa không hề đơn giản. Ngành chức năng đã kiểm tra chặt chẽ đối với các đầu mối, nhà cung cấp chính nhằm đảm bảo cho hoạt động kinh doanh ổn định, đi vào nề nếp từ gốc, còn việc quản lý, kiểm tra chấp hành giá đối với các đơn vị kinh doanh nhỏ lẻ hiện vẫn còn bất cập do các mặt hàng này có thị trường phân phối rộng, lẻ tẻ.
Nhiều mặt hàng khác cũng tăng giá
Ngoài gas và sữa, từ đầu tháng 10, nhiều mặt hàng tiêu dùng như thực phẩm chế biến, hàng gia dụng, hóa mỹ phẩm cũng đã rục rịch tăng. Một số chủ cửa hàng tạp hóa nhỏ lẻ cho biết, nhà phân phối đã gửi thông báo tăng giá từ 3-10% đối với các mặt hàng trên với nguyên nhân do chi phí đầu vào như điện, nước, xăng dầu, tiền nhân công… tăng. Hiện một số đại lý trên đường Lê Hồng Phong, 2-4, Phan Bội Châu… (Nha Trang) đã tăng giá một số sản phẩm như dầu gội đầu, sữa tắm, bia, nước ngọt… Cụ thể, bia Heineken giá 365.000 đồng/thùng tăng lên 375.000 đồng/thùng, nước ngọt Cocacola 165.000 đồng/thùng lên 170.000 đồng/thùng, xà phòng Tide gói 3kg tăng từ 89.000 đồng/gói lên 102.000 đồng/gói… Còn đối với mặt hàng lương thực, thực phẩm, giá cả nhìn chung không có biến động lớn. Riêng giá gạo đang có dấu hiệu tăng trong thời gian tới do nhu cầu xuất khẩu sang thị trường châu Á và châu Phi tăng trở lại.
Ngoài ra, từ đầu tháng 10, hầu hết các siêu thị cũng đã nhận được thông báo tăng giá bán của nhiều nhà cung cấp, sản xuất ở các ngành hàng thực phẩm chế biến, gia dụng, hóa mỹ phẩm... với mức tăng 10-15%, trong đó có mặt hàng sữa. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Chí Điền, Trưởng ngành hàng Thực phẩm - Công nghệ Siêu thị Co.opmart Cam Ranh, hiện siêu thị đang cân nhắc xem xét tính hợp lý của việc tăng giá và thương lượng với nhà sản xuất. Nếu sản phẩm tăng giá không hợp lý, siêu thị sẽ từ chối và nhập các sản phẩm có giá cả cạnh tranh hơn. Bà Đoàn Thị Thọ - Giám đốc Siêu thị Maximark Nha Trang cũng cho biết, việc tăng giá hàng hóa cần có lộ trình và nếu tăng cũng phải áp dụng mức giá phù hợp để đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng. Không những không tăng giá nhiều mặt hàng, các siêu thị còn triển khai nhiều chương trình khuyến mại, giảm giá để kích cầu tiêu dùng cuối năm.
Một thực tế là cứ đến thời điểm cuối năm, giá các mặt hàng lại có xu hướng tăng ồ ạt. Theo số liệu của Cục Thống kê tỉnh, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) vài tháng trở lại đây đã liên tục tăng. Từ đầu năm đến nay CPI đã tăng hơn 6%, trong đó các mặt hàng chiếm tỷ trọng lớn tăng mạnh từ 10-15%. Người tiêu dùng lo ngại, từ nay tới cuối năm, làn sóng tăng giá sẽ càng mạnh mẽ hơn nếu các ngành chức năng không có các giải pháp quyết liệt để kiểm soát thị trường. Bà Nguyễn Thị Minh Lý - Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh nhận định: “Trong thời điểm sức mua yếu, người dân tính toán kỹ trong chi tiêu thì họ sẽ dễ dàng quay lưng với những hàng hóa tăng giá bất hợp lý. Thay vào đó, họ sẽ ưu tiên lựa chọn những mặt hàng thay thế có giá rẻ hơn”.
V.A