Vài năm gần đây, trên thị trường Khánh Hòa, một số thương hiệu điện thoại di động Việt đã bắt đầu được người tiêu dùng quan tâm như: Q-mobile, Á Mỹ - Connspeed, Avio...
Tuy chưa thể cạnh tranh với các “đại gia” như Nokia, Samsung…, song tại thị trường Khánh Hòa, một số dòng điện thoại di động thương hiệu Việt đang tăng trưởng mạnh ở các vùng nông thôn và phân khúc khách hàng có thu nhập thấp.
Cạnh tranh quyết liệt ở phân khúc bình dân
Vài năm gần đây, trên thị trường Khánh Hòa, một số thương hiệu điện thoại di động Việt đã bắt đầu được người tiêu dùng quan tâm như: Q-mobile, Á Mỹ - Connspeed, Avio, FPT, Dopod… Tuy nhiên, từ khoảng giữa năm 2011 đến nay, khi các “ông lớn” Nokia, Samsung… tung ra thị trường các dòng điện thoại di động chính hãng có giá bình dân, thì các dòng điện thoại thương hiệu Việt đứng trước rất nhiều thách thức. Ở mức giá từ vài trăm ngàn đến 1 triệu đồng - vốn được cho là lợi thế của “dế” Việt, Nokia đã tung ra các dòng Nokia 1280, 101, X1-01, Samsung có E1182. Còn ở mức giá trên 1 triệu đến 3 triệu đồng, Nokia cũng có Nokia Asha 200, X2-01, C2-03, Samsung có S5233…, tích hợp nhiều tính năng như nghe nhạc, quay phim, lướt web, kết nối wi-fi/3G… Nguyễn Minh Tiến, sinh viên Khoa Công nghệ thông tin Trường Đại học Nha Trang nhận định: “Tôi đã từng sử dụng một số dòng điện thoại 2 sim 2 sóng thương hiệu Việt. So với các sản phẩm Nokia hay Samsung có cùng tính năng, một số dòng điện thoại Việt có chất lượng khá ổn, giá rẻ hơn, nhưng thua kém về độ bền, khả năng lướt web, mẫu mã cũng chưa nổi trội…”.
Khách hàng tìm mua điện thoại thương hiệu Việt tại siêu thị điện thoại Minh Phong (số 16, đường 2-4, Nha Trang) |
Bà Lê Thị Minh Phong - Phó Giám đốc Công ty TNHH Viễn thông Minh Phong - nhà phân phối các dòng điện thoại thương hiệu Việt tại Khánh Hòa cho biết: “Có nhiều nguyên nhân khiến người tiêu dùng (NTD) chưa quan tâm tới điện thoại thương hiệu Việt. Đó là do chi phí đầu tư cho các hoạt động marketing và quảng cáo của các nhà sản xuất điện thoại thương hiệu Việt khá khiêm tốn so với các “đại gia” trong ngành di động như Nokia, Samsung, LG… Trong khi đó, NTD lại có tâm lý chuộng các sản phẩm thương hiệu lớn. Phần lớn tính năng của các dòng điện thoại thương hiệu Việt cũng tương tự nhau, chỉ có một số nhà sản xuất như Q-mobile, Á Mỹ - Connspeed, Dopod… mạnh dạn đầu tư nghiên cứu các tính năng mới cho các sản phẩm điện thoại như: màn hình cảm ứng, nghe nhạc, xem phim 3D, Mp4, 2 camera, đèn flash, tích hợp trò chơi hiện đại của dòng smartphone cao cấp. Bên cạnh đó, việc đầu tư nghiên cứu tạo các sản phẩm mang tính đột phá vẫn là câu hỏi lớn đối với các nhà sản xuất điện thoại Việt”.
Tập trung vào đối tượng có thu nhập thấp
Sự “bành trướng” của các hãng sản xuất điện thoại nước ngoài đã khiến các nhà sản xuất điện thoại thương hiệu Việt đứng trước nhiều thách thức trong việc tìm ra hướng đi mới. Bà Lê Thị Minh Phong cho rằng: “Thực tế, trên địa bàn Khánh Hòa, các dòng điện thoại trung và cao cấp đang dần đến mức bão hòa. Trong khi đó, các dòng điện thoại thương hiệu Việt giá rẻ, chất lượng tốt và có nhiều chính sách hậu mãi vẫn tăng trưởng theo hướng khả quan. Cụ thể, doanh số tiêu thụ bình quân các dòng điện thoại thương hiệu Việt tại Công ty TNHH Viễn thông Minh Phong hiện đạt khoảng 6.000 chiếc/tháng, tăng 15% so với năm 2011. Sự tăng trưởng này là nhờ vào phân khúc khách hàng có thu nhập thấp. Việc đẩy mạnh đưa các sản phẩm điện thoại thương hiệu Việt về các vùng ngoại thành, nông thôn là một trong những hướng tăng khả năng cạnh tranh của điện thoại thương hiệu Việt so với các thương hiệu lớn. Các sản phẩm này tích hợp được các tính năng như 2 sim 2 sóng, nghe nhạc, xem phim, nghe đài, giá thành chỉ bằng 2/3 hoặc 1/2 so với các hãng lớn, phù hợp với túi tiền của những người lao động phổ thông, học sinh, sinh viên - đối tượng có nhu cầu sử dụng điện thoại ngày càng cao. Chúng tôi đang tiếp tục tìm hiểu về thị trường tuyến huyện để xây dựng mạng lưới phân phối bền vững tại thị trường này. Theo đó, chúng tôi tập trung quảng bá sản phẩm theo hướng tiếp cận trực tiếp đến các cửa hàng điện thoại nằm ở khu vực vùng sâu, vùng xa, tổ chức các chương trình bán sản phẩm với giá ưu đãi, tặng kèm quà tặng, áp dụng các chính sách trợ giá cho NTD”.
Nhiều ý kiến cho rằng, để giữ được vị thế của mình trên thị trường, các hãng điện thoại thương hiệu Việt cần chú trọng hơn trong việc tạo dựng thương hiệu và cải thiện chất lượng, mẫu mã sản phẩm. Ông Nguyễn Nhất Sinh - Giám đốc Phụ trách bán hàng Công ty TNHH Thương mại Tân Đồng Tâm, đơn vị sở hữu thương hiệu điện thoại Á Mỹ - Connspeed cho biết: “Không ai hiểu người Việt bằng chính người Việt. Do đó, chúng tôi đang tiếp tục nghiên cứu nhu cầu, thói quen của NTD để thiết kế mẫu mã và mức giá phù hợp, xây dựng hệ thống bảo hành toàn quốc nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu của NTD. Ở phân khúc bình dân, chúng tôi hướng đến các sản phẩm có giá thành thấp mà vẫn có các tính năng đa dạng. Còn ở phân khúc cao cấp, chúng tôi cho ra mắt các mẫu điện thoại sử dụng hệ điều hành Android với chức năng cảm ứng điện dung, kèm theo các tính năng wi-fi, bluetooth, GPS, với giá thành chỉ bằng một nửa các thương hiệu lớn”.
V.ANH