05:05, 17/05/2010

Hàng giả, hàng nhái “lấn lướt” thị trường

Xét ở góc độ nào đó, nhiều mặt hàng làm giả, làm nhái tuy không thể “đọ” với hàng thật về chất lượng, nhưng đã đánh trúng thị hiếu mua sắm “hàng hiệu” và phù hợp với túi tiền của người tiêu dùng Việt Nam.

Xét ở góc độ nào đó, nhiều mặt hàng làm giả, làm nhái tuy không thể “đọ” với hàng thật về chất lượng, nhưng đã đánh trúng thị hiếu mua sắm “hàng hiệu” và phù hợp với túi tiền của người tiêu dùng (NTD) Việt Nam. Trong khi đó, khâu giám định hàng giả (HG) còn nhiều vướng mắc, mức xử phạt vi phạm cũng không đáng kể so với lợi nhuận béo bở mà giới kinh doanh bất hợp pháp này thu được khiến cho HG, hàng nhái (HN) đang ngày càng lấn lướt thị trường.

. Kiểu gì cũng “nhái”

 Những chiếc áo đính logo hàng hiệu bán tại sạp chợ chỉ có giá vài chục ngàn đồng.

Trên thị trường hiện nay, hàng được làm giả, làm nhái đủ chủng loại, từ hàng tiêu dùng đơn giản đến các mặt hàng yêu cầu kỹ thuật cao, được làm giả rất tinh vi. Thời trang là một trong những nhóm sản phẩm được làm nhái nhiều nhất. Trong khi các sản phẩm thời trang thương hiệu lớn xuất hiện hiếm hoi tại một số cửa hàng sang trọng với giá “ngất ngưởng” từ vài triệu tới vài chục triệu đồng, thì cũng sản phẩm mang nhãn hiệu đó được bày bán nhan nhản từ shop thời trang cho đến sạp chợ bình dân lại có giá rất “bèo”. Chiếc áo thun hiệu Lacoste giá rẻ “bất ngờ” từ 30 - 120 ngàn đồng; túi xách Louis Vuitton, Valentino Gucci giá khoảng 150 - 400 ngàn đồng; quần jeans D&G từ 50 - 150 ngàn đồng/chiếc; mắt kính hiệu Gucci, Burberry… chỉ với giá 30 - 150 ngàn đồng… Hay như một sạp hàng bán quần áo Việt Tiến tại chợ Xóm Mới (Nha Trang), sản phẩm chỉ có giá vài chục ngàn đồng, trong khi giá hàng chính hãng không dưới 180 - 320 ngàn đồng. Anh Văn Bình, một tiểu thương cho biết: “Nhiều sản phẩm không cần nói là HG thì NTD cũng biết, bởi mặt bằng trưng bày hàng “xịn” không thể là những cửa hiệu bình dân, sạp chợ hay xếp đống trên vỉa hè”. Ngoài ra, các mặt hàng điện tử, điện máy, phụ tùng xe máy, điện thoại di động… cũng bị làm giả rất nhiều. Chủ một cửa hàng trên đường Thống Nhất (Nha Trang) cho hay, những chiếc điện thoại di động nhái thương hiệu Nokia, Samsung… xuất xứ  từ Trung Quốc bán “chạy” hơn hàng thật. Hay như loại I-phone (có nhiều tính năng vượt trội so với điện thoại di động thông thường) “xách tay” trôi nổi trên thị trường, giá chỉ bằng 1/3 - 1/2 so với hàng thật, tất nhiên mẫu mã không bóng đẹp và độ bền không cao. Các sản phẩm như gas, dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm… bị làm giả còn là mối đe dọa trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng NTD.

. Chung tay đẩy lùi hàng giả, hàng nhái

Năm 2009, lực lượng Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh đã phối hợp với các lực lượng liên ngành phát hiện hơn 200 vụ vận chuyển, mua bán hàng cấm, hàng nhập lậu; 33 vụ sản xuất, buôn bán HG; hơn 250 vụ vi phạm chế độ đăng ký kinh doanh. 4 tháng đầu năm 2010, lực lượng này phát hiện 84 vụ vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu, 8 trường hợp vi phạm về sản xuất, buôn bán HG, 54 vụ vi phạm chế độ đăng ký kinh doanh… HG-HN bị phát hiện chủ yếu là quần áo các loại, điện thoại di động, phụ tùng ô tô, xe máy, đồ chơi trẻ em nhập lậu… Hầu hết các vụ vi phạm này có quy mô nhỏ lẻ, mức độ xử phạt thấp. Số vụ bị xử phạt cũng chỉ như “muối bỏ bể”, rất khiêm tốn so với số lượng lớn HG-HN đang tràn ngập thị trường. Việc điều tra, xử lý những sai phạm cũng còn nhiều lúng túng. Theo Chi cục QLTT tỉnh, việc xử lý HG-HN, hàng kém chất lượng bắt buộc phải có giám định kết luận HG. Tuy nhiên, đây là khâu gặp khó khăn lớn nhất, gây kéo dài, cản trở quá trình xử lý bởi hiện tại chưa có tổ chức nào chuyên giám định HG đối với lĩnh vực sở hữu trí tuệ. Bên cạnh đó, mức xử phạt đối tượng vi phạm trong sản xuất, kinh doanh HG-HN dường như không thấm vào đâu so với lợi nhuận béo bở mà giới kinh doanh bất hợp pháp này thu được. Lực lượng xử lý còn quá mỏng trong khi trình độ làm HG-HN lại phức tạp và biến tướng ngày càng tinh vi.

Một nguyên nhân nữa góp phần làm cho việc HG tràn lan, khó kiểm soát trên thị trường hiện nay là ở tâm lý tiêu dùng của phần lớn người Việt. NTD “sính” hàng ngoại, chuộng hàng hiệu, nhưng với mức thu nhập trung bình, ít ai dám “vung tay” để “tậu” những món đồ đắt đỏ. HG-HN vừa đánh trúng thị hiếu, vừa có giá “mềm” nên đương nhiên “hút” hàng; đó là chưa kể không ít sản phẩm giả, nhái được làm rất tinh vi, thoạt nhìn khó mà phân biệt được với hàng chính hãng. Bên cạnh đó, bản thân NTD trót mua phải HG-HN cũng mơ hồ, không biết cách làm thế nào để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình, hoặc giá trị món hàng không lớn nên… tặc lưỡi cho qua. Các cơ quan quản lý, doanh nghiệp (DN) thiếu sự kết nối, hợp tác chặt chẽ để cung cấp thông tin cho NTD. Chính điều này đã tiếp tay cho nạn HG, hàng kém chất lượng mặc sức tung hoành.

HG-HN tồn tại như một vấn nạn còn do các cơ quan quản lý nhà nước và DN chưa có sự phối hợp chặt chẽ trong việc cung cấp và nắm bắt thông tin về các loại hàng hóa tiêu dùng. Một thị phần không nhỏ của nhiều nhà làm ăn chân chính đã phải “chia sẻ” cho các đơn vị kinh doanh HG-HN, vậy nhưng không ít DN “ngại” lên tiếng với cơ quan chức năng hay các phương tiện thông tin đại chúng, bởi nó ảnh hưởng tới uy tín của DN, làm lung lay lòng tin của NTD, khiến họ có xu hướng chuyển sang lựa chọn sản phẩm nhãn hiệu khác.

Làm thế nào để đẩy lùi nạn HG-HN là câu hỏi đau đầu đối với nhiều nhà quản lý, DN và cả NTD. Xét ở góc độ nào đó, tuy không thể “đọ” được so với hàng thật về chất lượng, nhưng nhiều mặt hàng làm giả, làm nhái đã đáp ứng thị hiếu mua sắm và túi tiền của NTD. Việc tuyên truyền, hô hào NTD tẩy chay hoàn toàn HG-HN sẽ không hiệu quả nếu thị trường chưa có nhiều sản phẩm chính hãng chất lượng tốt, mẫu mã đẹp và giá thành hợp lý. Vì thế, các cơ quan quản lý cần siết chặt hơn việc kiểm tra, kiểm soát thị trường, có chế tài xử phạt đủ sức răn đe, đồng thời liên kết chặt chẽ với DN và NTD để đem lại một môi trường cạnh tranh lành mạnh, bảo vệ quyền lợi của DN làm ăn chân chính và mang lại lợi ích thật sự cho NTD.

SÁCH DƯƠNG