Trước tình trạng nợ quá hạn trên địa bàn TP. Nha Trang còn cao và có xu hướng tăng sau đại dịch Covid-19, Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội TP. Nha Trang đã thực hiện nhiều giải pháp nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra toàn diện tại xã, củng cố hoạt động của tổ tiết kiệm và vay vốn, góp phần nâng cao chất lượng tín dụng.
Trước tình trạng nợ quá hạn trên địa bàn TP. Nha Trang còn cao và có xu hướng tăng sau đại dịch Covid-19, Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) TP. Nha Trang đã thực hiện nhiều giải pháp nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra toàn diện tại xã, củng cố hoạt động của tổ tiết kiệm và vay vốn, góp phần nâng cao chất lượng tín dụng.
Kiểm tra, giám sát toàn diện tại xã
Hoạt động tín dụng chính sách xã hội ở Nha Trang tập trung chủ yếu vào các ngành nghề đánh bắt thủy sản và kinh doanh dịch vụ du lịch nhỏ lẻ. Do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19, tình trạng hộ vay chưa có khả năng trả nợ lãi và nợ gốc khi đến hạn ngày càng tăng nhanh, ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động của tổ tiết kiệm và vay vốn, chất lượng tín dụng trên địa bàn thành phố. Bên cạnh đó, qua kiểm tra giám sát, hoạt động giao dịch tại xã còn có những tồn tại như: Công tác phối hợp của hội, đoàn thể xã, tổ tiết kiệm và vay vốn chưa tốt, giao dịch tại xã kéo dài; kỹ năng làm các thủ tục, giấy tờ của một số tổ trưởng còn hạn chế, ảnh hưởng đến hiệu quả giao dịch…
Trước thực trạng đó, ngay từ đầu năm 2022, Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH TP. Nha Trang đã triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng tín dụng và khắc phục những tồn tại, hạn chế sau dịch Covid-19. Trong đó, chú trọng công tác kiểm tra, giám sát toàn diện tại 12 địa bàn xã, phường có chất lượng tín dụng thấp để nắm bắt cụ thể tình hình, từ đó tìm ra nguyên nhân tồn tại, tham mưu các giải pháp khắc phục kịp thời.
Khi thực hiện kiểm tra tại xã, ngoài nội dung kiểm tra hồ sơ hoạt động ủy thác của hội, đoàn thể nhận ủy thác cấp xã, hồ sơ của tổ tiết kiệm và vay vốn và đối chiếu trực tiếp hộ vay, NHCSXH còn kiểm tra công tác chỉ đạo điều hành kế hoạch tín dụng, nâng cao chất lượng tín dụng trên địa bàn của chủ tịch UBND xã, phường; công tác phối hợp về giải ngân vốn vay, xử lý nợ rủi ro, thu hồi nợ quá hạn, lãi tồn đọng của hội, đoàn thể. Đồng thời, kiểm tra việc thực hiện họp, sinh hoạt tổ, việc ghi chép mẫu giao dịch với ngân hàng; việc ghi chép và giao biên lai thu lãi của tổ tiết kiệm và vay vốn; việc sử dụng vốn đúng mục đích xin vay của hộ dân… Sau kiểm tra, Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH đưa ra các giải pháp cụ thể cho từng tổ tiết kiệm và vay vốn, đảm bảo khắc phục được các tồn tại. Đơn cử, đối với tổ tiết kiệm và vay vốn có hộ vay bỏ đi khỏi nơi cư trú dẫn đến nợ quá hạn, lãi tồn đọng tăng, phải tiếp tục tìm kiếm thông tin, địa chỉ nơi ở mới để phối hợp với các địa phương đôn đốc thu hồi; đồng thời rà soát nhu cầu vay vốn, tăng trưởng dư nợ. Đối với tổ tiết kiệm và vay vốn có tỷ lệ tổ viên tham gia tiền gửi tiết kiệm thấp, cán bộ tín dụng tham gia buổi sinh hoạt tổ tiết kiệm và vay vốn để tìm hiểu nguyên nhân và giải thích về lợi ích khi tham gia gửi tiết kiệm, đồng thời phối hợp tuyên truyền, vận động tham gia gửi tiền với mức gửi phù hợp…
Chất lượng hoạt động tín dụng được nâng lên
Bà Nguyễn Thị Ngọc Lý - Phó Trưởng phòng Kế hoạch nghiệp vụ tín dụng, NHCSXH tỉnh cho biết, nhờ triển khai các giải pháp trên, công tác kiểm tra giám sát tại xã đã đem lại hiệu quả thiết thực, chất lượng hoạt động tín dụng trên địa bàn TP. Nha Trang được nâng lên. Tính đến ngày 31-10, nợ quá hạn vốn tín dụng chính sách xã hội của thành phố hơn 3,57 tỷ đồng (giảm 1,2 tỷ đồng so với tháng 12-2021); giảm 1,5 tỷ đồng lãi tồn đọng so với năm 2021; củng cố 16 tổ tiết kiệm và vay vốn hoạt động chưa hiệu quả; giảm 23 tổ tiết kiệm và vay vốn xếp loại trung bình, giảm 5 tổ xếp loại yếu. Bên cạnh đó, tỷ lệ hộ tham gia gửi tiết kiệm thường xuyên hàng tháng tăng từ 56,32% lên 76%; tỷ lệ xã, phường không có nợ quá hạn tăng từ 1 lên 3 xã.
Bên cạnh đó, Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH TP. Nha Trang đã vận dụng quy định mới về kiểm tra giám sát toàn diện tại xã để cụ thể hóa từng nội dung cho từng địa bàn được kiểm tra; đồng thời sử dụng tổng hợp các thông tin thu thập trong và ngoài hệ thống; phân tích nguyên nhân các tồn tại để đưa ra các giải pháp phù hợp với tình hình địa phương. Với cách làm này, chất lượng hoạt động của tổ tiết kiệm và vay vốn xếp loại khá, trung bình, yếu đã giảm; công tác sắp xếp, lưu trữ hồ sơ vay vốn tốt hơn trước; thời gian giao dịch lưu động được rút ngắn hơn, nội dung giao ban xã phong phú và có chất lượng hơn, nợ quá hạn và lãi tồn giảm.
MAI HOÀNG