09:10, 24/10/2022

Đẩy mạnh cung ứng vốn lĩnh vực nông nghiệp

Tại hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp lĩnh vực nông nghiệp do Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Khánh Hòa tổ chức vừa qua, các ngân hàng đã ký kết với 10 khách hàng cung ứng nguồn vốn gần 20 tỷ đồng. Qua đó cho thấy, ngành ngân hàng đang quan tâm đẩy mạnh vốn tín dụng vào lĩnh vực nông nghiệp.

Tại hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp lĩnh vực nông nghiệp do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh Khánh Hòa tổ chức vừa qua, các NH đã ký kết với 10 khách hàng cung ứng nguồn vốn gần 20 tỷ đồng. Qua đó cho thấy, ngành NH đang quan tâm đẩy mạnh vốn tín dụng vào lĩnh vực nông nghiệp.


Vốn đầu tư cho nông nghiệp còn thấp


Công ty Cổ phần Sản xuất Thương mại Dịch vụ POMGROUP sản xuất các mặt hàng trà, cà phê, yến, trong đó trọng tâm là trà thảo mộc sản xuất từ cây xáo tam phân. Công ty đang cần nguồn vốn lớn để thực hiện nghiên cứu sản phẩm, cải tiến thiết bị và tạo nguồn nguyên liệu phục vụ hoạt động sản xuất. Tại hội nghị, đại diện công ty mong tiếp cận nguồn vốn và được nhận hỗ trợ từ các chính sách dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Là đơn vị chuyên về các sản phẩm rong nho, Công ty TNHH Trí Tín cũng đang cần khoảng 3 tỷ đồng để nâng cấp kho lạnh, phòng thí nghiệm nội bộ, đầu tư thêm một số thiết bị máy móc… Vì vậy, công ty cũng mong được vay nguồn vốn trung và dài hạn với lãi suất ưu đãi.

 

Đại diện Agribank Khánh Hòa ký kết cấp vốn tín dụng cho 4 khách hàng tại hội nghị  kết nối ngân hàng - doanh nghiệp lĩnh vực nông nghiệp.

Đại diện Agribank Khánh Hòa ký kết cấp vốn tín dụng cho 4 khách hàng tại hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp lĩnh vực nông nghiệp.


Thời gian qua, vốn tín dụng đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp còn khá thấp, trong đó vốn tập trung chủ yếu cho khách hàng cá nhân, hộ kinh doanh vay với mức dư nợ hàng năm khoảng 85% trong tổng dư nợ cho vay ở lĩnh vực này. Trên địa bàn tỉnh có 158 hợp tác xã (HTX) và liên hiệp HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, ngành nghề muối, ngư nghiệp, xây dựng, vận tải, thủ công mỹ nghệ... Tuy nhiên, chỉ có 10 HTX vay vốn NH, trong đó có 6 HTX nông nghiệp với dư nợ 3,52 tỷ đồng, chiếm 0,04% tổng dư nợ cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp.


Ông Đỗ Trọng Thảo - Phó Giám đốc phụ trách NHNN chi nhánh Khánh Hòa cho biết, hiện nay, cho vay vốn trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, các NH gặp một số khó khăn, vướng mắc về thủ tục cấp, đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản trên đất để làm thủ tục thế chấp, đăng ký giao dịch bảo đảm, xử lý tài sản. Các công trình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như: Nhà kính, nhà lưới, hệ thống tưới nước, thủy canh… có giá trị lớn nhưng chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận sở hữu tài sản trên đất nên không thể thế chấp vay vốn NH. Bên cạnh đó, hiện nay, chưa có nhiều doanh nghiệp đầu tư sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp sản xuất theo mô hình liên kết, ứng dụng công nghệ cao, mà chủ yếu là cá nhân, hộ gia đình đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp nên nguồn vốn vay chưa cao.


Kết nối cung - cầu


Tại hội nghị kết nối NH - doanh nghiệp lĩnh vực nông nghiệp, Agribank Khánh Hòa đã ký hợp đồng cho 4 khách hàng vay với tổng vốn hơn 10,5 tỷ đồng; BIDV Khánh Hòa cho 3 khách hàng vay hơn 1,9 tỷ đồng; Vietcombank Nha Trang cho 2 khách hàng vay 4,3 tỷ đồng; Sacombank Ninh Hòa cho 1 khách hàng vay 3 tỷ đồng. Trong đó, một số khách hàng có số vay khá lớn như: hộ kinh doanh chả cá Thuận vay 5 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Sản xuất Thương mại Dịch vụ POMGROUP 3 tỷ đồng; Công ty TNHH Trí Tín 2,5 tỷ đồng…


Để đẩy mạnh vốn tín dụng vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, NHNN chi nhánh Khánh Hòa đã đưa ra nhiều giải pháp. Theo đó, các tổ chức tín dụng tiếp tục thực hiện giải pháp huy động tối đa nguồn vốn tại chỗ, đảm bảo cân đối với nhu cầu vay vốn; kết hợp chặt chẽ giữa chính sách tín dụng của NH với chính sách khuyến công, khuyến nông của Nhà nước tại khu vực nông thôn; cải tiến phương thức cho vay theo hướng đơn giản hóa thủ tục, giấy tờ phù hợp với đối tượng khách hàng nhưng vẫn đảm bảo tuân thủ quy định; linh hoạt trong việc áp dụng cơ chế bảo đảm tiền vay. Đồng thời, các tổ chức tín dụng cần tăng cường và nâng cao hơn nữa chất lượng các chương trình kết nối tín dụng giữa NH với doanh nghiệp, NH với các trang trại, HTX…


Với những khó khăn, vướng mắc trong cung ứng vốn cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn hiện nay, ngành NH xác định hoạt động kết nối NH - khách hàng là giải pháp hiệu quả để đưa vốn tín dụng vào thực tiễn. Trong thời gian tới, ngành NH Khánh Hòa sẽ triển khai kết nối thường kỳ, xuyên suốt, đồng bộ tại các huyện, thị xã, thành phố với sự tham gia của các tổ chức tín dụng theo thế mạnh của từng NH.

 

Theo báo cáo của NHNN chi nhánh Khánh Hòa, đến ngày 30-9, tổng dư nợ cho vay phát triển kinh tế đạt hơn 112.015 tỷ đồng, trong đó dư nợ cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp đạt 9.421 tỷ đồng, chiếm 8,41%, tăng 12,42% so với cuối năm 2021; doanh số cho vay lũy kế từ đầu năm đạt 7.495 tỷ đồng, chiếm 6,36% doanh số cho vay lũy kế toàn địa bàn.


MAI HOÀNG