10:04, 19/04/2021

Kênh dẫn vốn hiệu quả phục vụ phát triển nông thôn

Sau 5 năm thực hiện thỏa thuận phối hợp giữa Agribank Chi nhánh tỉnh Khánh Hòa (Agribank Khánh Hòa), Hội Nông dân tỉnh và Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh giai đoạn 2016 - 2020 về việc triển khai thực hiện chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định số 55/2015 của Chính phủ, nguồn vốn của Agribank đã góp phần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo và nâng cao đời sống cho người dân.

Sau 5 năm thực hiện thỏa thuận phối hợp giữa Agribank Chi nhánh tỉnh Khánh Hòa (Agribank Khánh Hòa), Hội Nông dân (HND) tỉnh và Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh giai đoạn 2016 - 2020 về việc triển khai thực hiện chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định số 55/2015 của Chính phủ, nguồn vốn của Agribank đã góp phần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo và nâng cao đời sống cho người dân.


Phát huy hiệu quả nguồn vốn


Thỏa thuận liên ngành số 01 và 02 giữa Agribank và Trung ương HND Việt Nam, Hội LHPN Việt Nam về việc triển khai thực hiện chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn được ký kết ngày 23-9-2016. Trên tinh thần thỏa thuận liên ngành đó, ngày 16-10-2016, Agribank Khánh Hòa đã ký các thỏa thuận phối hợp số 09 và 10 với HND, Hội LHPN tỉnh và được triển khai đến các cấp hội, các chi nhánh Agribank trong toàn tỉnh.

 

1

Khách hàng giao dịch tại Agribank Khánh Hòa.


Theo ông Nguyễn Xuân Huy - Giám đốc Agribank Khánh Hòa, được sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Khánh Hòa, Agribank Khánh Hòa đã triển khai và thực hiện tốt Nghị định 55/2015 của Chính phủ. Thông qua sự hỗ trợ, giúp đỡ tích cực của các cấp chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là sự của phối hợp Agribank Khánh Hòa và các cấp HND, Hội LHPN trong tỉnh đã tạo điều kiện truyền tải vốn đến người dân để đầu tư sản xuất, thâm canh, chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, tăng năng suất, nâng cao thu nhập cho từng gia đình; từng bước giảm đáng kể tình trạng cho vay nặng lãi trong dân, tạo cơ hội cho người dân có thu nhập thấp, không có tài sản thế chấp tiếp cận được nguồn vốn vay phát triển sản xuất, góp phần hoàn thành một số tiêu chí (thu nhập và giảm nghèo) của chương trình xây dựng nông thôn mới, đóng góp cho việc thực hiện thắng lợi các chủ trương, chính sách liên quan đến vấn đề tam nông.


Ông Ngô Thanh Sơn (xã Cam Hòa, huyện Cam Lâm) đầu tư làm rẫy ở xã Cam Tân với diện tích 1,2ha, gồm 270 cây xoài cát Hòa Lộc và xoài Úc đã nhiều năm tuổi, hơn 100 cây xoài 2 năm tuổi . Trước đây, ông Sơn đã vay 100 triệu đồng của Agribank qua tổ vay vốn đầu tư cho rẫy xoài và đã trả hết nợ. Năm 2020, ông tiếp tục vay 300 triệu đồng của Agribank để đào ao, bổ sung đường ống nước tưới để bảo đảm đủ nguồn nước cho rẫy xoài và nuôi bò. Ông Sơn đầu tư chăm sóc xoài trái vụ để bán có giá hơn. Nhờ vậy, mỗi năm rẫy xoài của gia đình cho thu nhập gần 200 triệu đồng. Ông Sơn chia sẻ, cây xoài càng lớn, vốn đầu tư chăm sóc càng cao nên tôi cảm ơn Agribank đã đồng hành với nông dân, tạo điều kiện cho gia đình tôi vay vốn phát triển sản xuất.

 

Ông Ngô Thanh Sơn (xã Cam Hòa, huyện Cam Lâm)  vay vốn đầu tư rẫy xoài mang lại hiệu quả.

Ông Ngô Thanh Sơn (xã Cam Hòa, huyện Cam Lâm) vay vốn đầu tư rẫy xoài mang lại hiệu quả.


Bà Lê Vũ Ngọc Nguyên - tổ trưởng tổ vay vốn của Hội LHPN xã Cam Hòa, huyện Cam Lâm cho biết, tổ có 54 thành viên với dư nợ hơn 5,1 tỷ đồng; người dân vay vốn chủ yếu trồng xoài, nuôi bò, ngoài ra kinh doanh buôn bán nhỏ. Nguồn vốn vay đã giúp người dân nông thôn phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. Nguồn vốn cho vay qua tổ quản lý hiệu quả, các thành viên đóng lãi sớm và đúng hạn, tổ không có nợ quá hạn.


Tính đến ngày 31-12-2020, toàn tỉnh có 412 tổ vay vốn do HND, Hội LHPN quản lý với 8.038 thành viên. Giai đoạn 2016 - 2020, Agribank Khánh Hòa đã giải quyết cho 38.774 lượt tổ viên các tổ vay vốn thông qua HDN, Hội LHPN vay với doanh số giải ngân 2.578 tỷ đồng, dư nợ cho vay đến cuối năm 2020 đạt 611 tỷ đồng (tăng 187 tỷ đồng so với đầu năm 2016, với tốc độ tăng trưởng 44%), chiếm tỷ lệ 12%/dư nợ cho vay hộ gia đình và cá nhân và chiếm 7,1%/tổng dư nợ toàn chi nhánh. Nguồn vốn vay sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả, đảm bảo thanh toán nợ gốc, lãi theo đúng thỏa thuận, tạo thêm sự gắn bó của hội viên với tổ chức, góp phần củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động 2 tổ chức đoàn thể.


Tăng cường phối hợp

 

Đến ngày 31-12-2020, tổng dư nợ cho vay phục vụ nông nghiệp, nông thôn của Agribank Khánh Hòa đạt 5.787 tỷ đồng với 23.298 khách hàng, chiếm 68% tổng dư nợ, tỷ lệ nợ xấu là 0,5%. Trong đó, dư nợ cho vay theo Nghị định 55/2015 của Chính phủ là 5.060 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 87,4% dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn.


Mục tiêu cụ thể đối với cho vay thông qua tổ vay vốn: Phấn đấu tăng số lượng tổ vay vốn bình quân 5%/năm; tăng số lượng thành viên trong tổ 5%/năm; tăng trưởng dư nợ hàng năm thông qua HND tối thiểu 15%/năm, thông qua Hội LHPN tối thiểu 20%/năm; tỷ lệ nợ xấu không vượt quá 0,5% so với tổng dư nợ cho vay qua tổ hội; tỷ lệ thu lãi (theo ủy quyền) đúng hạn hàng tháng đạt từ 98% trở lên; không có tổ vay vốn xếp loại yếu kém.

Ông Nguyễn Trọng Trung - Chủ tịch HND tỉnh cho biết, HND tỉnh và Agribank Khánh Hòa đã thực hiện hiệu quả chương trình phối hợp. Để quản lý tốt nguồn vốn, hàng năm, hội đưa nội dung này vào đánh giá thi đua của các cấp hội; thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát hiệu quả sử dụng vốn vay nên nợ quá hạn thấp. Nguồn vốn vay của Agribank đã góp phần xây dựng các mô hình kinh tế hiệu quả, xây dựng nông thôn mới; đẩy mạnh phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi trên địa bàn tỉnh, qua đó nhiều hộ nông dân được công nhận nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp; tình làng nghĩa xóm, tính cộng đồng, sự tương trợ giữa các hội viên - hộ gia đình không ngừng được nâng cao và gắn kết bền chặt, đóng góp quan trọng vào sự phát triển nông nghiệp, nông thôn của tỉnh. Bà Nguyễn Quỳnh Nga - Chủ tịch Hội LHPN tỉnh đánh giá, qua thực hiện chương trình phối hợp giữa Hội LHPN tỉnh và Agribank Khánh Hòa, nhiều hội viên, phụ nữ đã được tiếp cận nguồn vốn với lãi suất ưu đãi, giúp chị em giải quyết việc làm, ổn định cuộc sống, góp phần hạn chế “tín dụng đen” ở khu vực nông thôn. Qua đó, còn giúp các cấp hội phụ nữ tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và thu hút, tập hợp hội viên. Thời gian tới, hội tiếp tục phối hợp với Agribank để tạo điều kiện thêm nhiều hội viên, phụ nữ được tiếp cận vốn, tăng dư nợ, góp phần thực hiện tốt đề án phụ nữ khởi nghiệp trên địa bàn, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho hội viên, phụ nữ nhất là phụ nữ yếu thế.

Ông Nguyễn Xuân Huy cho biết, giai đoạn 2021 - 2025, Agribank Khánh Hòa đề ra nhiều giải pháp đồng bộ để thực hiện hiệu quả mục tiêu: Tiếp tục phát huy vai trò tiên phong, chủ đạo, hàng đầu trong việc thực thi chính sách tín dụng phục vụ nông nghiệp, nông thôn theo chỉ đạo của Chính phủ, góp phần phát huy tiềm năng kinh tế của địa phương, phát triển xây dựng nông thôn mới, ổn định và nâng cao đời sống nhân dân ở nông thôn trên địa bàn tỉnh, phát triển dịch vụ thẻ tại thị trường nông nghiệp nông thôn thúc đẩy thực hiện chủ trương thanh toán không dùng tiền mặt của Chính phủ, đồng thời góp phần hạn chế và đẩy lùi “tín dụng đen”. Ngân hàng xác định ưu tiên tăng trưởng tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn; phát triển tín dụng cho lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao hướng đến xuất khẩu; chú trọng đầu tư cho vay đối với cá nhân, hộ gia đình sản xuất nông, lâm, ngư diêm nghiệp, mở rộng cho vay các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại địa bàn nông thôn; tốc độ tăng trưởng tín dụng phấn đấu tăng bình quân 15%/năm; củng cố, mở rộng và nâng dần tỷ trọng tín dụng cho vay nông nghiệp nông thôn đến năm 2025 đạt tối thiểu 70%; phát triển tín dụng đi đôi với kiểm soát chất lượng tín dụng, đảm bảo tỷ lệ xấu cho vay đến 2025 dưới 0,5%; đẩy mạnh phát triển ngân hàng số giúp khách hàng sử dụng sản phẩm dịch vụ ngân hàng thuận tiện, an toàn với tiện ích tối đa, tiết kiệm chi phí và nâng cao hiệu quả sử dụng tài chính. Trong những năm tới, Agribank Khánh Hòa cùng với các cấp hội tiếp tục công tác phối hợp nhằm mở rộng tín dụng nâng cao chất lượng công tác cho vay thông qua tổ vay vốn đạt các mục tiêu đề ra.


NAM DU