09:06, 09/06/2020

Mặt bằng lãi suất giảm

Sau đợt điều chỉnh lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước từ gần giữa tháng 5, nhiều ngân hàng đã điều chỉnh giảm lãi suất huy động đối với các khoản tiền gửi tiết kiệm. Việc giảm lãi suất huy động là để ngân hàng giảm lãi suất cho vay, nhất là những trường hợp bị ảnh hưởng do dịch Covid-19.

Sau đợt điều chỉnh lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) từ gần giữa tháng 5, nhiều NH đã điều chỉnh giảm lãi suất huy động đối với các khoản tiền gửi tiết kiệm. Việc giảm lãi suất huy động là để NH giảm lãi suất cho vay, nhất là những trường hợp bị ảnh hưởng do dịch Covid-19.


Giảm lãi suất huy động


Thực hiện quyết định của NHNN, các NH đồng loạt áp dụng lãi suất huy động kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng, tối đa chỉ 4,25%/năm. 4 NH thương mại nhà nước là Agribank, VietinBank, BIDV và Vietcombank đều có sự điều chỉnh giảm lãi suất huy động đối với các khoản tiền gửi tiết kiệm kể từ tháng 6. Cụ thể, VietinBank điều chỉnh giảm lãi suất từ 0,1% đến 0,45%/năm so với tháng 5. Vietcombank điều chỉnh giảm 0,25%/năm lãi suất với kỳ hạn 3 tháng, còn 4,25%/năm, giảm 0,1%/năm lãi suất kỳ hạn 1 tháng và 2 tháng xuống 4%/năm. Biểu lãi suất tiền gửi Agribank nằm trong khoảng từ 4 - 6,5% áp dụng cho các kỳ hạn từ 1 tháng đến 36 tháng. Tương tự, BIDV chỉ giữ nguyên lãi suất kỳ hạn 9 tháng ở mức 5,1%/năm, các kỳ hạn còn lại điều chỉnh giảm từ 0,2% đến 0,5%/năm so với tháng trước. Hiện nay, BIDV đang huy động ở mức 5,6% đến 6,5%/năm đối với kỳ hạn từ 6 tháng trở lên.

 

Khách hàng giao dịch tại BIDV Khánh Hòa.

Khách hàng giao dịch tại BIDV Khánh Hòa.


Nhiều NH thương mại cổ phần cũng thực hiện giảm lãi suất huy động. Nhân viên một NH thương mại cổ phần cho biết, khách hàng ban đầu cũng phản ứng khi lãi suất giảm mạnh nhưng sau khi nghe giải thích mặt bằng lãi suất giảm theo chủ trương chung của NHNN nên cũng chấp nhận. Tuy nhiên, chênh lệnh biểu lãi suất giữa các NH thương mại nhà nước với các NH thương mại cổ phần khá cao khi có NH vẫn áp dụng huy động cao nhất đến 7,5%/năm.


Hỗ trợ khách hàng vay vốn


Trong bối cảnh dịch Covid-19 ảnh hưởng xấu đến sản xuất, kinh doanh thì việc giảm lãi suất huy động là tiền đề để NH giảm lãi suất cho vay, thực hiện các giải pháp hỗ trợ khách hàng vay bị thiệt hại do dịch. Bà Bùi Thị Hương Lan - Trưởng phòng Khách hàng doanh nghiệp BIDV Khánh Hòa cho biết, thực hiện giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng, chi nhánh đã giảm lãi suất cho khoảng 100 khách hàng với dư nợ được áp dụng hơn 650 tỷ đồng, mức giảm từ 0,2 đến 2%. Nhóm ngành được hỗ trợ mạnh nhất là dịch vụ lưu trú, kinh doanh vận tải, sau đó là các nhóm ngành bị ảnh hưởng gián tiếp từ dịch bệnh. Chi nhánh đã và sẽ tiếp tục triển khai các gói tín dụng ưu đãi nhằm hỗ trợ khách hàng khôi phục, duy trì và phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh. Hiện nay, BIDV đang có nhiều gói tín dụng ưu đãi cho khách hàng cá nhân, doanh nghiệp cả ngắn hạn và trung, dài hạn. Từ đầu năm đến nay, doanh số cho vay của BIDV Khánh Hòa đã đạt hơn 1.600 tỷ đồng phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.

 

Đến cuối tháng 5-2020, huy động vốn toàn tỉnh đạt 83.570 tỷ đồng; dư nợ cho vay đạt 90.770 tỷ đồng; doanh số cho vay 5 tháng đạt 44.253 tỷ đồng.
Lãi suất cho vay VND: Lãi suất cho vay các đối tượng ưu tiên ngắn hạn 5,5%/năm, trung dài hạn 8,5% - 10%/năm. Cho vay lĩnh vực sản xuất kinh doanh khác, ngắn hạn ở mức 8,5% - 9,5%/năm, trung dài hạn 9,5% - 11,5%/năm. Lãi suất cho vay USD ngắn hạn 3,5%-3,7%/năm, trung và dài hạn 4% - 6,5%/năm.

Bà Hồ Thị Mai Trang - Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Khách hàng doanh nghiệp Vietcombank Khánh Hòa cho biết, từ đầu năm đến nay, chi nhánh đã 5 lần điều chỉnh giảm lãi suất cho vay với tổng mức giảm từ 1% đến 1,5%/năm cho tất cả các kỳ hạn đối với các khoản vay mới hoặc các khoản vay hiện hữu đến kỳ hạn điều chỉnh lãi suất. Vietcombank Khánh Hòa đã thực hiện 3 chương trình hỗ trợ lãi suất cho khách hàng có dư nợ hiện hữu bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 theo 3 giai đoạn khác nhau. Cụ thể, ngay khi dịch bùng phát, chi nhánh giảm lãi vay 1,5%/năm cho khách hàng chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch Covid-19 với tổng dư nợ được giảm lãi 583 tỷ đồng, áp dụng từ ngày 17-2 đến 30-4. Giai đoạn 2, NH hỗ trợ từ 5% đến 10% số lãi vay phải trả từ ngày 1-5 đến 30-9; có 8.034 khách hàng được hỗ trợ giai đoạn này với tổng dư nợ 4.420 tỷ đồng, bằng 39% tổng dư nợ của chi nhánh. Giai đoạn 3, chi nhánh tiếp tục hỗ trợ 5% số lãi vay phải trả cho tất cả khách hàng cá nhân vay tiêu dùng với tổng dư nợ 1.520 tỷ đồng, thời gian hỗ trợ từ ngày 15-5 đến 31-7. Tổng số tiền lãi hỗ trợ cho khách hàng các chương trình 9,8 tỷ đồng, trích từ lợi nhuận của chi nhánh.


Theo ông Nguyễn Hoài Chiểu - Giám đốc NHNN Chi nhánh Khánh Hòa, đến ngày 25-5, toàn tỉnh có 5.147 khách hàng vay vốn (1.075 doanh nghiệp, 4.072 cá nhân) bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, dư nợ bị ảnh hưởng hơn 26.889 tỷ đồng, chiếm 29,62% dư nợ cho vay toàn địa bàn. Các chi nhánh tổ chức tín dụng trên địa bàn đã điều chỉnh kỳ hạn nợ, gia hạn nợ của khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 cho 987 khách hàng, với dư nợ hơn 4.184 tỷ đồng; trong đó, có 216 doanh nghiệp, dư nợ 3.122 tỷ đồng. Bên cạnh giảm lãi suất cho vay đối với các khoản cho vay cũ, các chi nhánh tổ chức tín dụng đã triển khai nhiều gói tín dụng ưu đãi nhằm hỗ trợ khách hàng tiếp tục duy trì sản xuất kinh doanh, khắc phục khó khăn do dịch Covid-19 gây ra; cụ thể, đã thực hiện cho vay mới 5.579 khách hàng với số tiền 7.493 tỷ đồng.


NAM DU