08:08, 22/08/2019

Nhiều địa phương không có nợ quá hạn

Nhờ người dân có ý thức trả nợ, địa phương phối hợp tốt với Ngân hàng Chính sách xã hội  tỉnh trong công tác quản lý nguồn vốn vay mà nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh không có nợ quá hạn, góp phần nâng cao chất lượng tín dụng chính sách.

Nhờ người dân có ý thức trả nợ, địa phương phối hợp tốt với Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh trong công tác quản lý nguồn vốn vay mà nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh không có nợ quá hạn, góp phần nâng cao chất lượng tín dụng chính sách.


Người dân có ý thức trả nợ


Xã Cam Thịnh Tây (TP. Cam Ranh) hiện có 1.036 hộ với 5.400 khẩu, trong đó 99,5% là người đồng bào dân tộc thiểu số. Tuy đời sống còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo của xã là 13%, nhưng khi được tiếp cận nguồn vốn của NHCSXH để đầu tư chăn nuôi, trồng trọt, phát triển kinh tế gia đình, người dân đều có ý thức trả nợ.

 

Chị Thị Phượng (xã Cam Thịnh Tây) vay vốn nuôi bò.

Chị Thị Phượng (xã Cam Thịnh Tây) vay vốn nuôi bò.


Gia đình chị Thị Phượng, thôn Thịnh Sơn, xã Cam Thịnh Tây vay NHCSXH 50 triệu đồng để mua 2 con bò cái sinh sản. Đến nay, 1 con đã đẻ nên bây giờ nhà có 3 con. Vừa làm rẫy, vừa chăn nuôi thêm, gia đình chị có thu nhập trả nợ. Ông Lê Văn Thảo - Chủ tịch UBND xã Cam Thịnh Tây cho biết, dư nợ tín dụng chính sách toàn xã đạt 13,8 tỷ đồng, vốn vay được ủy thác qua Hội Nông dân và Hội Phụ nữ xã. Bà con chấp hành tốt việc trả nợ cho NH, sử dụng vốn đúng mục đích. Nhiều hộ vay vốn để nuôi bò, dê; từ 1 - 2 con ban đầu qua vài năm đàn dê, bò đã nhân rộng. Đến kỳ hạn trả nợ, bà con trả được vốn vay rồi tiếp tục vay lại để đầu tư sản xuất nông nghiệp. Từ điểm xuất phát là nguồn vốn vay NHCSXH rồi qua tích lũy của gia đình, đời sống người dân ngày một cải thiện. Mỗi năm, xã có từ 30 - 50 hộ thoát nghèo và tất cả các hộ thoát nghèo đều có sử dụng vốn vay NHCSXH.


Trước đây, không có nhiều vốn nên ông Dương Văn Dũng (thôn Bình Lập, xã Cam Lập, TP. Cam Ranh) thường thả nuôi 2 - 3 lồng tôm hùm. Sau khi được vay 80 triệu đồng từ Phòng Giao dịch NHCSXH TP. Cam Ranh, ông Dũng thả nuôi thêm. Ông Dũng cho biết: “Nhờ nguồn vốn vay của NHCSXH mà gia đình tôi có cơ hội mở rộng lồng nuôi, tăng nguồn thu, phát triển kinh tế gia đình. Hiện nay, gia đình tôi nuôi 7 lồng với hơn 3.000 tôm giống, trong đó, một nửa số tôm giống có được là tiền vay NH. Vừa làm biển, vừa nuôi tôm, nuôi hàu, gia đình có nguồn thu để trả nợ NH đúng hạn”.

Những địa phương không có nợ quá hạn


Theo ông Nguyễn Ngọc Châu - Tổ trưởng Tổ vay vốn và tiết kiệm thuộc Hội Nông dân xã Cam Lập, nhờ người dân có ý thức trả nợ và nhờ địa phương phối hợp với NHCSXH làm tốt công tác quản lý nguồn vốn vay mà xã Cam Lập không có nợ quá hạn. Hiện nay, dư nợ của tổ khoảng 1 tỷ đồng với 60 thành viên. Bà con trả lãi, gốc, gửi tiết kiệm rất tốt. Để không phát sinh nợ quá hạn, trước ngày giao dịch hàng tháng, tổ đến hộ vay thu tiền lãi, trường hợp nào đến hạn trả nợ gốc thì nhắc đến UBND xã trả nợ đúng ngày giao dịch.

 

Hiện nay, toàn tỉnh có 25 xã không có nợ quá hạn. Trong đó, có một số địa phương nhiều năm không có nợ quá hạn như: Cam Hải Đông, Cam An Nam, Cam Hiệp Bắc (huyện Cam Lâm); Ninh Đa, Ninh Hiệp, Ninh Bình (thị xã Ninh Hòa); Sông Cầu, Cầu Bà, Liên Sang (huyện Khánh Vĩnh); Diên Bình, Diên Tân (huyện Diên Khánh).

Ông Nguyễn Văn Kết - Chủ tịch UBND xã Cam Lập cho biết, hàng tháng, UBND xã phối hợp cùng NHCSXH tổ chức giao ban với các tổ chức đoàn thể, các tổ vay vốn và tiết kiệm để chỉ đạo thu gốc, lãi. Khi bình xét cho vay, xã giao cho các tổ vay vốn và tiết kiệm xét trước, sau đó, chuyển cho Ban chỉ đạo xóa đói giảm nghèo của xã xem xét lại trước khi xác lập hồ sơ báo cáo NHCSXH cho vay vốn. Cấp ủy, chính quyền địa phương còn giao cho các đoàn thể phụ trách vận động người dân vay vốn phải sử dụng đúng mục đích, hiệu quả. Đồng thời, tổ chức kiểm tra việc hộ vay sử dụng vốn vay. Nhờ quản lý vốn vay chặt chẽ, hộ vay sử dụng vốn đúng mục đích, có hiệu quả, đến nay, dư nợ tín dụng chính sách trên địa bàn đạt 10 tỷ đồng, không có nợ quá hạn.


Xã Cam Hiệp Bắc (huyện Cam Lâm) cũng là một trong những địa phương không có nợ quá hạn. Bà Nguyễn Thị Tuyết Hồng - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Cam Hiệp Bắc cho biết, hiện nay, dư nợ tín dụng chính sách ủy thác qua hội 4,4 tỷ đồng, cho 165 hộ vay. Các hộ vay chủ yếu để chăn nuôi và cải tạo vườn. Nhiều năm liền, các hộ vay đóng lãi và tiết kiệm đều, không phát sinh nợ quá hạn. Để quản lý tốt nguồn vốn, trước khi cho vay, hội rà soát kỹ, làm việc với hộ vay; hàng tháng, đều sinh hoạt tổ viên. Hàng năm, hội xây dựng kế hoạch đối chiếu hộ vay. Trước đây, hội mời hộ vay lên xã đối chiếu nhưng 2 năm gần đây, hội trực tiếp xuống hộ vay đối chiếu kết hợp kiểm tra việc sử dụng vốn vay. Trường hợp hộ vay chưa đạt hiệu quả, hội tạo điều kiện, hướng dẫn kỹ thuật cho hộ vay làm ăn hiệu quả hơn để có nguồn thu trả nợ.


Theo lãnh đạo NHCSXH tỉnh, hiện nay, chất lượng tín dụng của chi nhánh được đảm bảo, tỷ lệ nợ quá hạn ở mức 0,36%. Để có được kết quả đó có sự đóng góp không nhỏ của các đơn vị cấp xã không có nợ quá hạn. Trong thời gian tới, NHCSXH tỉnh tiếp tục thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng tín dụng, giảm tỷ lệ nợ quá hạn và phấn đấu tăng số xã không có nợ quá hạn lên 30 xã. Để làm được điều đó, rất cần sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền địa phương và sự chỉ đạo sâu sát của các hội, đoàn thể nhận ủy thác vốn vay các cấp.


NAM DU