Cuối năm, nhu cầu vay vốn để sản xuất, kinh doanh cũng như tiêu dùng thường tăng cao. Vì thế, các ngân hàng nỗ lực huy động để đảm bảo đủ nguồn vốn cho vay.
Cuối năm, nhu cầu vay vốn để sản xuất, kinh doanh cũng như tiêu dùng thường tăng cao. Vì thế, các ngân hàng (NH) nỗ lực huy động để đảm bảo đủ nguồn vốn cho vay.
Ngân hàng khát vốn
Năm 2018 tiếp tục là một năm khó khăn của công tác huy động vốn khi thị trường bất động sản sôi động, thị trường chứng khoán có sự tăng trưởng mạnh mẽ đã thu hút dòng tiền lớn của người dân đổ vào các kênh đầu tư này. Trong bối cảnh khát vốn, áp lực thanh khoản lên hệ thống NH tăng vào dịp cuối năm, nhiều NH đã tăng lãi suất. Lãi suất huy động của các NH có sự chênh lệnh đáng kể, khi trần lãi suất các NH lớn ở mức 7%/năm, trong khi một số NH nhỏ đã vượt quá 8%/năm. Các NH đều đang nỗ lực chạy nước rút nhưng rất khó để có thể hoàn thành chỉ tiêu huy động vốn năm nay.
Theo bà Phạm Ngọc Hà - Phó Giám đốc VietinBank Khánh Hòa, trước những thách thức đó, chi nhánh đã đưa ra những giải pháp như: chú trọng phát triển nguồn vốn huy động từ dân cư thông qua các chương trình khuyến mãi dành cho khách hàng gửi tiền xuyên suốt trong năm; gia tăng sự gắn kết của khách hàng thông qua việc bán chéo các sản phẩm. Bên cạnh đó, xây dựng cơ chế chủ động, cho phép cộng tăng lãi suất huy động, đảm bảo sự cạnh tranh về chính sách lãi suất với các NH trên địa bàn và giữ chân được các khách lớn; gia tăng phát triển nguồn vốn không kỳ hạn của khách hàng bằng việc cung cấp đa dạng các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt. Đến ngày 31-10, nguồn vốn huy động của VietinBank Khánh Hòa đạt 5.878 tỷ đồng, tăng 322 tỷ so với năm 2017.
Ông Nguyễn Lưu Minh - Giám đốc NH TMCP Bản Việt Chi nhánh Nha Trang cho biết, để tăng cường nguồn vốn huy động, NH có các gói sản phẩm huy động 39+, dành cho khách hàng 39 tuổi trở lên có lãi suất ưu đãi cộng thêm, hướng tới đối tượng khách hàng ở lứa tuổi đã có tích lũy tài sản ổn định; cộng thêm lãi suất cho khách hàng tự gửi tiết kiệm qua tài khoản Internet banking của NH…
Đặc biệt, nhờ lợi thế mạng lưới giao dịch rộng, các chi nhánh chủ động nắm thông tin khách hàng vào mùa vụ thu hoạch nông sản, thủy sản để tiếp cận khách hàng, Agribank Khánh Hòa đã huy động vốn được gần 13.000 tỷ đồng, đạt 98,9% kế hoạch huy động vốn của cả năm.
Lo đụng trần hạn mức tăng trưởng tín dụng
Đến cuối tháng 10-2018, huy động vốn toàn tỉnh đạt 78.720 tỷ đồng, tăng 6,62% so với đầu năm; dư nợ cho vay đạt 76.410 tỷ đồng, tăng 14,83% so với đầu năm. 10 tháng, doanh số cho vay đạt 128.960 tỷ đồng, tăng 27,66% so với cùng kỳ năm trước. Dư nợ cho vay các lĩnh vực ưu tiên đạt 36.406 tỷ đồng, chiếm 47,89% tổng dư nợ. |
Để đảm bảo tăng trưởng tín dụng đi đôi với chất lượng tín dụng, năm 2018, hạn mức tăng trưởng tín dụng các NH phổ biến 14 - 15%. Trong khi trầy trật hoàn thành chỉ tiêu huy động thì với hạn mức tăng trưởng tín dụng này, nhiều NH đã tăng kịch trần hoặc cũng sắp sửa cán đích dẫn đến chặt chẽ khi cho vay. Đến cuối tháng 10, chỉ có duy nhất Techcombank chính thức công bố được NH Nhà nước cho phép điều chỉnh tăng trưởng tín dụng từ 14 lên 20%. Trong bối cảnh ấy, một số NH hạn chế cho vay món lớn, tập trung cho vay món nhỏ, ưu tiên cho vay sản xuất, kinh doanh hay cơ cấu lại các khoản nợ, cho vay lại đối với những trường hợp trả nợ…
Với nguồn vốn dồi dào, Agribank Khánh Hòa đảm bảo đầy đủ vốn cung ứng cho khách hàng đủ điều kiện tín dụng. Ông Nguyễn Xuân Huy cho biết, qua mùa mưa bão, người dân sẽ cần vốn đầu tư cho vụ mới, nhất là nuôi trồng thủy sản; các doanh nghiệp cần vốn chuẩn bị hàng hóa trong dịp Tết. NH có chính sách ưu đãi tín dụng cho DN xếp loại A, có uy tín, có tài chính lành mạnh với lãi suất chỉ 5,5 - 6%/năm. Hiện nay dư nợ cho vay của NH khoảng 7.250 tỷ đồng.
Trong dịp cuối năm, nhiều NH đã đưa ra các chương trình hỗ trợ DN để có nguồn vốn đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh hàng hóa phục vụ Tết, hoặc có những gói hỗ trợ lãi suất cho khách hàng DN vừa và nhỏ; tăng tỷ lệ cho vay đối với tài sản đảm bảo…
N.Du