Qua 15 năm hoạt động, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Khánh Hòa đã cho gần 500.000 lượt người nghèo và các đối tượng chính sách vay vốn với tổng doanh số cho vay 5.725 tỷ đồng.
Qua 15 năm hoạt động, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh Khánh Hòa đã cho gần 500.000 lượt người nghèo và các đối tượng chính sách vay vốn với tổng doanh số cho vay 5.725 tỷ đồng. Nguồn vốn tín dụng chính sách đã đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, góp phần vào việc thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, giảm nghèo.
Hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách
Ông Cao Quý (đội 3, thôn Hòn Dù, xã Khánh Nam, huyện Khánh Vĩnh) cho biết, trước đây, ông vay vốn của NHCSXH để nuôi bò, còn hiện nay đang vay ngân hàng 50 triệu đồng để trồng 2ha keo, nâng diện tích trồng keo của gia đình lên 4ha. Ngoài ra, với 8 triệu đồng vốn vay NHCSXH, gia đình ông đã bỏ thêm 2 triệu đồng xây được bể chứa 4m3 nước, làm đường ống dẫn nước tự chảy. Nhờ thế, gia đình ông không phải gánh nước suối về dùng, không lo thiếu nước sinh hoạt. Nguồn vốn của NHCSXH cũng đã giúp ông nuôi 2 con học đến nơi đến chốn, 1 người học ngành điều dưỡng, 1 người học ngành sư phạm mỹ thuật.
Ông Nguyễn Thành Vinh (thôn Bình Ba Đông, xã đảo Cam Bình, TP. Cam Ranh) vay 40 triệu đồng từ chương trình cho vay vốn giải quyết việc làm của NHCSXH. Nguồn vốn trên giúp ông thêm một phần mua thức ăn nuôi tôm hùm đạt hiệu quả.
Theo lãnh đạo NHCSXH tỉnh, từ 2 chương trình tín dụng nhận bàn giao ban đầu với tổng dư nợ 106,3 tỷ đồng (cho vay hộ nghèo từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho vay vốn giải quyết việc làm từ Kho bạc Nhà nước) đến nay, trên địa bàn tỉnh đang triển khai thực hiện 13 chương trình tín dụng chính sách, theo dõi và quản lý trên 115.000 khách hàng vay vốn, nguồn vốn tín dụng chính sách đã được đầu tư cho vay ở 100% xã, phường, thị trấn của tỉnh (không có xã trắng tín dụng chính sách). Tính đến ngày 31-8-2017, tổng dư nợ 13 chương trình tín dụng chính sách đạt 2.193 tỷ đồng, tăng gấp 21 lần so với dư nợ thời điểm nhận bàn giao.
Đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương
Ông Trần Sơn Hải - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH tỉnh: Trong thời gian tới, NHCSXH tỉnh cần tiếp tục củng cố mối quan hệ phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác vốn vay, chính quyền địa phương, đặc biệt là chính quyền cấp xã; củng cố hoạt động của các tổ tiết kiệm và vay vốn để đảm bảo đồng vốn NHCSXH đến được đúng đối tượng, công bằng và hiệu quả. |
Ông Trần Sơn Hải - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH tỉnh đánh giá, 15 năm qua, NHCSXH đã huy động được nguồn vốn lớn ngân sách Trung ương cũng như ngân sách địa phương cho việc vay vốn hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách theo quy định. Nguồn vốn NHCSXH đã góp phần tích cực giảm tỷ lệ hộ nghèo ở địa phương. Giai đoạn 2010 - 2015, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 9,4% xuống còn dưới 3% vào năm 2015. Năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh theo chuẩn mới giảm từ 9,68% thời điểm đầu năm xuống còn 7,44% vào cuối năm. Các chính sách an sinh xã hội thông qua tín dụng chính sách đã phát huy tác dụng tốt, tạo điều kiện cho nhiều hộ nghèo, hộ cận nghèo và các hộ chính sách khác có điều kiện vươn lên hòa nhập cộng đồng, từ đó, tạo được sự ổn định cũng như đồng thuận trong xã hội ngày càng cao, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Ông Trương Ngọc Lễ - Phó Giám đốc NHCSXH tỉnh cho biết, thời gian tới ngân hàng sẽ tập trung khai thác nguồn lực của Trung ương và địa phương để đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn sản xuất, kinh doanh của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, đặc biệt là hộ nghèo, hộ cận nghèo ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiếu số. Bên cạnh đó, tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động của các điểm giao dịch xã; phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác tuyên truyền sâu rộng đến người dân về nội dung và thủ tục vay vốn của các chương trình tín dụng đã triển khai. Tăng cường công tác kiểm tra sử dụng vốn để đảm bảo vốn vay sử dụng đúng mục đích và hiệu quả… Đặc biệt, ngân hàng chủ động phối hợp với các sở, ngành và cơ quan liên quan tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện Chỉ thị số 40 của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Quyết định 401 của Thủ tướng Chính phủ để các cấp, ngành, các người dân nhận thức đầy đủ về trách nhiệm trong việc quản lý, sử dụng vốn tín dụng chính sách xã hội cho công tác giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới ở địa phương.
NAM DU