Nhờ tiếp cận được các nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội, nhiều hộ nghèo, hộ cận nghèo ở xã đảo Cam Bình (TP. Cam Ranh, Khánh Hòa) đã đầu tư nuôi trồng thủy sản, phát triển sản xuất.
Nhờ tiếp cận được các nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), nhiều hộ nghèo, hộ cận nghèo ở xã đảo Cam Bình (TP. Cam Ranh, Khánh Hòa) đã đầu tư nuôi trồng thủy sản, phát triển sản xuất.
Ngày cuối tuần, chúng tôi theo các cán bộ, nhân viên Phòng Giao dịch NHCSXH TP. Cam Ranh tới điểm giao dịch của xã đảo Cam Bình trên đảo Bình Ba.
Chúng tôi ghé thăm bè tôm của gia đình ông Nguyễn Thành Vinh (thôn Bình Ba Đông), một trong những hộ vay vốn của NHCSXH để phục vụ nuôi tôm. Ông Vinh đang nuôi hơn chục lồng, trong đó có 2 lồng tôm hùm bông còn chủ yếu là tôm hùm xanh. Ông vay NHCSXH 40 triệu đồng từ chương trình cho vay vốn giải quyết việc làm. Ông Vinh cho biết, tuy số tiền này nhỏ so với đồng vốn nuôi tôm nhưng cũng hỗ trợ thêm một phần để mua thức ăn nuôi tôm. Cũng như nhiều người dân ở đây, ông Vinh chủ yếu nuôi tôm hùm xanh vì thời gian thu hoạch sớm (từ 8 đến 12 tháng so với thời gian thu hoạch tôm hùm bông 16 - 18 tháng), xoay đồng vốn nhanh; tôm xanh tỷ lệ sống cao, miễn dịch tốt hơn, ít dịch bệnh. Với mức vay hiện nay, người dân chỉ có thể hỗ trợ một phần thức ăn nuôi tôm. Vì thế, ông Vinh kiến nghị NH nên nâng mức vay lên 60 -100 triệu đồng.
Nhờ NHCSXH triển khai huy động vốn bằng hình thức gửi tiết kiệm tại điểm giao dịch xã nên bà Võ Ngọc Thị Mỹ Hiền (thôn Bình Ba Đông) cũng như những người dân Bình Ba không phải mất công đi ghe đò vào trung tâm TP. Cam Ranh để gửi tiết kiệm. Bà Hiền cho biết: “Tôi mới gửi tiết kiệm 5 triệu đồng, thời hạn 12 tháng. Nhân viên giao dịch đã giải thích rất rõ ràng. Chỉ có NHCSXH nhận gửi tiết kiệm tại điểm giao dịch xã Cam Bình, còn muốn gửi tiết kiệm ở các NH khác phải vào trung tâm thành phố, đi lại tốn kém lại mất thời gian. Vừa gửi tiết kiệm, gia đình tôi cũng vừa vay 30 triệu đồng vốn giải quyết việc làm của NHCSXH để nuôi tôm”.
Theo thống kê của NHCSXH tỉnh, 3 xã, phường đảo gồm: phường Vĩnh Nguyên (TP. Nha Trang), xã Cam Bình (TP. Cam Ranh), xã Vạn Thạnh (huyện Vạn Ninh) có 4.220 hộ vay vốn NHCSXH với tổng dư nợ cho vay hơn 61,2 tỷ đồng. Trong đó, vốn vay chủ yếu phục vụ khai thác, nuôi trồng thủy sản chiếm tỷ trọng 55,9% tổng dư nợ; xây dựng, cải tạo công trình nước sạch vệ sinh môi trường chiếm 25% tổng dư nợ và chăn nuôi gia súc chiếm 12,4% tổng dư nợ… Đến ngày 31-7, tổng dư nợ cho vay đối với xã Cam Bình đạt 13 tỷ đồng, xã Vạn Thạnh hơn 29,7 tỷ đồng, phường Vĩnh Nguyên hơn 18,5 tỷ đồng. |
Ông Võ Ngọc Linh - Phó Chủ tịch UBND xã Cam Bình đánh giá, nhiều người dân của xã, nhất là các hộ nghèo và hộ cận nghèo đã tiếp cận được các nguồn vốn vay của NHCSXH. Nguồn vốn vay từ các chương trình đã góp một phần giúp Cam Bình giảm tỷ lệ hộ nghèo từ hơn 80 hộ (năm 2015) xuống còn 51 hộ theo chuẩn nghèo đa chiều tại thời điểm hiện tại. Người dân địa phương chủ yếu làm nghề đánh bắt và nuôi trồng thủy sản. Tuy nguồn vốn NH không lớn nhưng đã giúp một phần cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo trong đầu tư nuôi tôm.
Theo ông Hồ Đắc Thích - Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH Cam Ranh, đến nay, tổng nguồn vốn NHCSXH chuyển về TP. Cam Ranh khoảng 280 tỷ đồng; trong đó, dư nợ xã đảo Cam Bình hiện nay là 13 tỷ đồng. Nguồn vốn tín dụng chính sách tập trung các kênh cho vay vốn đối với hộ nghèo, cận nghèo, hộ vừa thoát nghèo; cho vay vốn chương trình giải quyết việc làm, nước sạch - vệ sinh môi trường. Trong đó, vốn vay chủ yếu phục vụ đầu tư nuôi trồng thủy sản, chiếm khoảng 65% tổng nguồn vốn. Hàng năm, NHCSXH TP. Cam Ranh đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nhu cầu vốn để báo cáo NHCSXH tỉnh xây dựng kế hoạch vốn. Trong năm 2017, nhu cầu vay vốn giải quyết việc làm cho người dân nông thôn, nhất là xã đảo như Cam Bình rất lớn. Nắm bắt được nhu cầu đó, NHCSXH tỉnh đã phân bổ cho TP. Cam Ranh 7 tỷ đồng để cho vay vốn giải quyết việc làm, nhưng thực tế vẫn chưa đáp ứng hết nhu cầu vốn của người dân. “Vừa qua, NHCSXH tỉnh đã khảo sát và báo cáo nhu cầu vốn vay giải quyết việc làm cho UBND tỉnh. Được biết, UBND tỉnh đã bổ sung thêm 30 tỷ đồng để cho vay giải quyết việc làm và TP. Cam Ranh được phân bổ 6 tỷ đồng. Sắp tới, chúng tôi sẽ giải ngân nguồn vốn này. Đặc biệt, xã Cam Bình có nhu cầu vốn khá lớn nên chúng tôi sẽ quan tâm giải ngân vốn phục vụ cho người dân đầu tư nuôi trồng thủy sản, phát triển sản xuất”, ông Thích cho biết.
K.N