Cơ quan chức năng có thể kiểm tra định kỳ hoặc kiểm tra đột xuất theo từng vụ việc theo yêu cầu của cấp có thẩm quyền với các tổ chức kinh tế, dự án có vốn đầu tư nước ngoài.
Cơ quan chức năng có thể kiểm tra định kỳ hoặc kiểm tra đột xuất theo từng vụ việc theo yêu cầu của cấp có thẩm quyền với các tổ chức kinh tế, dự án có vốn đầu tư nước ngoài.
Đây là nội dung trong quyết định của Bộ Tài chính về việc ban hành “Quy chế phối hợp kiểm tra việc thực hiện cơ chế, chính sách về tài chính doanh nghiệp tại các tổ chức kinh tế, dự án có vốn đầu tư nước ngoài”. Nội dung kiểm tra các tổ chức, dự án trên theo quyết định là: trị giá tài sản góp vốn các bên như giá trị quyền sử dụng đất, giá trị tài sản hữu hình, tài sản cố định vô hình,…
Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng có thể kiểm tra việc sử dụng đúng mục đích về hàng hóa nhập khẩu tạo tài sản cố định thuộc đối tượng miễn thuế nhập khẩu; tình hình thực hiện các khoản vay (vay ngân hàng, phát hành trái phiếu doanh nghiệp,…) hay việc trích lập sử dụng các khoản dự phòng, khấu hao tài sản cố định, hạch toán chênh lệch tỷ giá hối đoái.
Một số nội dung kiểm tra được nhắc tới như: việc phân lợi nhuận đối với phần góp vốn của Nhà nước trong tổ chức kinh tế, dự án có vốn đầu tư nước ngoài hoặc tình hình chuyển nhượng vốn, chuyển nhượng dự án của các bên góp vốn trong doanh nghiệp,…
Về kế hoạch kiểm tra định kỳ, đại diện Bộ Tài chính cho biết, tháng 10 hàng năm, Cục Tài chính doanh nghiệp sẽ phối hợp với Thanh tra Bộ Tài chính xây dựng kế hoạch phối hợp kiểm tra cho năm tiếp theo và trình Bộ Tài chính. Kế hoạch sau đó sẽ được gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp trước ngày 30-11 hàng năm.
Lãnh đạo Bộ Tài chính nhấn mạnh, nguyên tắc kiểm tra phải đảm bảo không chồng chéo, trùng lắp về đối tượng, thời gian, nội dung kiểm tra. Ngoài ra, nguyên tắc khác là phải công khai, minh bạch, không gây ảnh hưởng xấu đến hoạt động bình thường của các cơ quan, tổ chức kinh tế, dự án.
P.V