Xử lý nợ xấu đang là vấn đề được quan tâm khi dự kiến tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.
Xử lý nợ xấu đang là vấn đề được quan tâm khi dự kiến tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (TCTD). Tại Khánh Hòa, nhờ thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp nên tỷ lệ nợ xấu của các chi nhánh TCTD trên địa bàn ở mức thấp, chiếm 0,79% tổng dư nợ. Đây là kết quả đáng ghi nhận trong bối cảnh nợ xấu, nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu có nguy cơ tăng trở lại.
Nhiều biện pháp
Trong hệ thống ngân hàng (NH), Vietcombank là NH đầu tiên mua lại số nợ xấu còn lại (4.300 tỷ đồng) mà trước đó đã bán cho Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC) để tiếp tục tự xử lý bằng nguồn lực tài chính của mình. Trên địa bàn tỉnh, Vietcombank Khánh Hòa cũng là chi nhánh NH luôn chú trọng chất lượng tín dụng, tích cực thực hiện các biện pháp thu hồi nợ xấu. Theo bà Lê Thị Hồng Hạnh - Phó Trưởng phòng phụ trách phòng Khách hàng doanh nghiệp (DN) Vietcombank Khánh Hòa, chi nhánh luôn giám sát chặt chẽ các khoản vốn vay, nắm bắt tình hình hoạt động, kịp thời đưa ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN, tìm mọi biện pháp ngăn chặn kịp thời và có hướng xử lý để tránh phát sinh nợ xấu. Với những DN đã phát sinh nợ xấu nhưng có khả năng phục hồi, chi nhánh vẫn tạo điều kiện cung cấp vốn để DN tiếp tục hoạt động trên cơ sở giám sát chặt chẽ của NH. Vietcombank Khánh Hòa cũng khuyến khích DN thanh lý, bán các tài sản không sử dụng hoặc sử dụng kém hiệu quả nhằm thu hồi nợ, giảm nợ xấu cho NH, giảm áp lực chi phí lãi vay cho DN. Còn đối với DN không có khả năng phục hồi sản xuất, có biểu hiện chây ì không hợp tác với NH trong xử lý và thu hồi nợ, Vietcombank kiên quyết thực hiện các biện pháp mạnh nhằm xử lý dứt điểm như khởi kiện ra tòa, xử lý tài sản đảm bảo. Nhờ vậy, trong năm 2016 và quý I/2017, chi nhánh đã thu được hơn 52 tỷ đồng nợ xấu. Tính đến ngày 30-4, tỷ lệ nợ xấu của Vietcombank Khánh Hòa ở mức thấp, chiếm 0,7% tổng dư nợ.
Công tác xử lý nợ xấu cũng là vấn đề được BIDV Khánh Hòa quan tâm và quyết liệt xử lý để nâng cao năng lực tài chính, có cơ sở để xem xét giảm dần lãi suất cho vay đối với nền kinh tế theo chỉ đạo của NH Nhà nước. Tại BIDV Khánh Hòa, tỷ lệ nợ xấu luôn được kiểm soát ở mức rất thấp (dưới 1%). Theo ông Hồ Sĩ Dũng - Trưởng phòng Khách hàng DN BIDV Khánh Hòa, trong quá trình cho vay, nếu khách hàng gặp khó khăn, chi nhánh kịp thời hỗ trợ bằng nhiều biện pháp. Đối với khách hàng gặp khó khăn tạm thời trong quá trình kinh doanh, NH tiếp tục hỗ trợ vốn; đồng thời, cơ cấu lại nợ để khách hàng vượt qua khó khăn, khôi phục sản xuất, xem xét miễn giảm lãi phạt. Đối với khách hàng kinh doanh thua lỗ, mất vốn, không có khả năng phục hồi, chi nhánh xử lý thu hồi nợ bằng nhiều biện pháp kết hợp. Trường hợp khách hàng cố tình chây ì, không hợp tác, chi nhánh khởi kiện ra tòa để xử lý. Đặc biệt, từ năm 2015, với sự phối hợp chặt chẽ của các ngành, sự quan tâm chỉ đạo của các cấp chính quyền, bằng biên bản thỏa thuận giữa cơ quan thi hành án và NH Nhà nước Chi nhánh Khánh Hòa, tiến độ xử lý nợ đã được đẩy nhanh tạo điều kiện thuận lợi cho các NH thu hồi được nợ xấu.
Tiếp tục kiểm soát chặt chẽ
Nhiều năm nay, nợ xấu của các TCTD trên địa bàn kiểm soát ở mức thấp so với mức trung bình của cả nước. Đến cuối tháng 3-2017, tỷ lệ nợ xấu của các TCTD trên địa bàn là 0,79%. Theo ông Nguyễn Hoài Chiểu - Giám đốc NH Nhà nước Chi nhánh Khánh Hòa, có được kết quả đó là nhờ sự chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự phối hợp chặt chẽ của ngành NH với các ngành và bản thân các TCTD đã tích cực xử lý nợ xấu thông qua việc bán nợ xấu cho VAMC, thu hồi nợ, trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ, kiểm soát việc gia tăng nợ xấu, nâng cao chất lượng tín dụng. Để tiếp tục kiểm soát nợ xấu, bảo đảm chất lượng, an toàn tín dụng, NH Nhà nước sẽ điều hành theo hướng: tiếp tục mở rộng tín dụng đi đôi với an toàn, hiệu quả, tập trung cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ; không vì tăng trưởng tín dụng mà nới lỏng điều kiện cho vay. Kiểm soát quy mô tín dụng hợp lý, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Kiểm soát chặt chẽ cho vay bằng ngoại tệ phù hợp với chủ trương hạn chế tình trạng đô-la hóa trong nền kinh tế; kiểm soát cho vay các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao như: bất động sản, chứng khoán, tiêu dùng… Tiếp tục triển khai phương án cơ cấu lại, thực hiện các biện pháp xử lý nợ xấu, duy trì bền vững tỷ lệ nợ xấu của toàn hệ thống dưới 3%; tăng cường công tác thanh tra giám sát hoạt động của các TCTD; nâng cao hiệu quả công tác giám sát trong việc phát hiện, cảnh báo sớm rủi ro, vi phạm trong hoạt động tiền tệ NH; nâng cao trật tự, kỷ cương trên thị trường tiền tệ, ngoại hối.
N.D
Theo Tờ trình Dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các TCTD của Chính phủ, trong 5 năm (2012 - 2016), toàn hệ thống các TCTD đã xử lý được gần 611,6 nghìn tỷ đồng nợ xấu. Tính đến cuối năm 2016, VAMC đã cùng với các TCTD đã thu hồi nợ được 50.139 tỷ đồng/345.924 tỷ đồng nợ xấu đã mua bằng trái phiếu đặc biệt. Như vậy, VAMC đã cùng các TCTD xử lý, thu hồi được khoảng 14,5% số nợ xấu.
|