Các cơ quan liên quan đang tăng cường công tác phối hợp, thực hiện biện pháp trích tiền từ tài khoản tiền gửi tại ngân hàng của người sử dụng lao động để nộp tiền bảo hiểm xã hội chưa đóng, chậm đóng và tiền lãi phát sinh theo Thông tư liên tịch số 03.
Các cơ quan liên quan đang tăng cường công tác phối hợp, thực hiện biện pháp trích tiền từ tài khoản tiền gửi tại ngân hàng của người sử dụng lao động để nộp tiền bảo hiểm xã hội (BHXH) chưa đóng, chậm đóng và tiền lãi phát sinh theo Thông tư liên tịch số 03.
Thông tư liên tịch số 03 ngày 18-8-2008 của liên bộ: Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH), Tài chính và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam về hướng dẫn thủ tục buộc trích tiền từ tài khoản tiền gửi của người sử dụng lao động để nộp số tiền BHXH chưa đóng, chậm đóng và lãi phát sinh (gọi chung là nợ BHXH) đã quy định cụ thể đối tượng, thủ tục, thẩm quyền ra quyết định áp dụng biện pháp buộc trích tiền truy nộp vào quỹ BHXH, trách nhiệm của các bên liên quan…
Theo Thanh tra Sở LĐ-TB-XH, thực hiện thông tư này, năm 2015 và 2016, trên địa bàn tỉnh đã có 6 doanh nghiệp bị buộc trích tiền từ tài khoản tiền gửi để nộp tiền nợ BHXH, với tổng số tiền bắt buộc trích nộp hơn 457 triệu đồng; trong đó, đã thu được hơn 373 triệu đồng (1 doanh nghiệp bị buộc trích nộp hơn 89 triệu đồng nhưng số dư tài khoản của doanh nghiệp không đủ nên chỉ trích nộp được hơn 5 triệu đồng). Đại diện Thanh tra Sở LĐ-TB-XH cho biết, trong quá trình thực hiện, các chi nhánh ngân hàng thương mại đã phối hợp, thực hiện nghiêm túc việc trích nộp tiền BHXH từ tài khoản của doanh nghiệp khi có quyết định áp dụng biện pháp buộc trích tiền truy nộp vào quỹ BHXH.
Để tăng cường triển khai thực hiện Thông tư liên tịch số 03, mới đây, UBND tỉnh có văn bản chỉ đạo Sở LĐ-TB-XH tiếp tục chủ trì, phối hợp chặt chẽ với BHXH tỉnh, NHNN Chi nhánh Khánh Hòa thực hiện thủ tục buộc trích tiền từ tài khoản tiền gửi của người sử dụng lao động để nộp tiền nợ BHXH theo đúng hướng dẫn.
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, vừa qua, Sở LĐ-TB-XH đã chủ trì buổi làm việc với đại diện BHXH tỉnh và NHNN Chi nhánh Khánh Hòa về phối hợp thực hiện Thông tư liên tịch số 03, nhằm xác lập mối liên quan trách nhiệm trong việc phối hợp giữa cơ quan thực hiện chính sách, chế độ BHXH với các cơ quan quản lý chuyên ngành để xử lý tình trạng nợ đọng BHXH; kịp thời thực hiện việc buộc trích tiền từ tài khoản tiền gửi của người sử dụng lao động nợ BHXH để nộp vào quỹ BHXH, bảo đảm lợi ích Nhà nước và quyền lợi của người lao động.
Theo ông Mai Xuân Trí - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH, trên cơ sở kết quả đóng BHXH, cơ quan BHXH cung cấp danh sách đơn vị nợ đọng BHXH kéo dài cho thanh tra sở để đưa vào kế hoạch thanh tra. Thanh tra sở sẽ xây dựng kế hoạch và tổ chức thanh tra hoặc tham mưu cho UBND tỉnh lập đoàn kiểm tra liên ngành đối với các đơn vị nợ đọng; lập biên bản, ban hành quyết định xử phạt các hành vi vi phạm hành chính về BHXH theo quy định của pháp luật; kịp thời ban hành quyết định về việc áp dụng biện pháp buộc trích tiền từ tài khoản tiền gửi của người sử dụng lao động truy nộp vào quỹ BHXH.
Đối với BHXH tỉnh, lập kế hoạch thanh tra chuyên ngành đối với các đơn vị sử dụng lao động theo quy định; thực hiện thanh tra chuyên ngành định kỳ hoặc đột xuất về đóng BHXH; lập biên bản vi phạm hành chính, ban hành các quyết định xử phạt vi phạm hành chính về BHXH theo quy định của pháp luật. Hết thời hạn 30 ngày kể từ ngày BHXH tỉnh ban hành quyết định xử phạt hành chính về BHXH, người sử dụng lao động không tự nguyện nộp hoặc đã truy nộp nhưng chưa đầy đủ thì BHXH tỉnh báo cáo kết quả cùng các hồ sơ liên quan về thanh tra sở. Căn cứ hồ sơ đủ điều kiện, Chánh Thanh tra Sở LĐ-TB-XH ban hành quyết định buộc trích nộp tiền từ tài khoản ở ngân hàng của người sử dụng lao động còn nợ tiền BHXH. Sau 5 ngày kể từ ngày nhận được quyết định áp dụng biện pháp truy nộp vào quỹ BHXH của Sở LĐ-TB-XH, cơ quan BHXH có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc và báo cáo kết quả thực hiện cho sở. Hết thời hạn quy định việc buộc trích tiền từ tài khoản tiền gửi (tối đa không quá 30 ngày làm việc kể từ ngày ký quyết định), nếu chủ tài khoản không tự nguyện đến trích tiền chuyển trả quỹ BHXH thì ngân hàng nơi người sử dụng lao động mở tài khoản có trách nhiệm chuyển tiền từ tài khoản tiền gửi của người sử dụng lao động vào tài khoản của quỹ BHXH trước khi thực hiện các lệnh chuyển tiền khác của chủ tài khoản. Trong trường hợp tài khoản của người sử dụng lao động có số dư không đủ khả năng thanh toán toàn bộ số tiền theo yêu cầu, cơ quan BHXH tiếp tục tham mưu quyết định buộc trích nộp đối với người sử dụng lao động chưa thực hiện xong ở các tài khoản còn số dư của người sử dụng lao động, trích nộp tiền cho đến khi nộp hết số tiền nợ BHXH.
Về trách nhiệm của ngành ngân hàng, theo lãnh đạo NHNN Chi nhánh Khánh Hòa, chi nhánh sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với BHXH tỉnh và Sở LĐ-TB-XH thực hiện thủ tục buộc trích từ tài khoản tiền gửi của người sử dụng lao động để nộp tiền nợ BHXH theo đúng hướng dẫn.
N.D
Thông tư liên tịch số 03 quy định: người có thẩm quyền ra quyết định áp dụng biện pháp buộc trích tiền truy nộp vào quỹ BHXH gồm: chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Chánh Thanh tra Sở LĐ-TB-XH; Chánh Thanh tra Bộ LĐ-TB-XH. Người ra quyết định áp dụng biện pháp buộc trích tiền truy nộp vào quỹ BHXH có quyền yêu cầu ngân hàng nơi người sử dụng lao động mở tài khoản cung cấp các thông tin về tài khoản, số dư trên tài khoản của người sử dụng lao động.
Quyết định áp dụng biện pháp buộc trích tiền truy nộp vào quỹ BHXH có giá trị sử dụng thay cho lệnh chuyển tiền của chủ tài khoản, để trích tiền từ tài khoản của người sử dụng lao động nộp vào quỹ BHXH.