Những năm gần đây, với nhiều dự án bất động sản được triển khai trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, nguồn vốn ngân hàng chảy vào lĩnh vực này tăng khá mạnh.
Những năm gần đây, với nhiều dự án bất động sản được triển khai trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, nguồn vốn ngân hàng chảy vào lĩnh vực này tăng khá mạnh.
Cho vay lĩnh vực bất động sản tăng
Trong 2 năm gần đây, Vietcombank Khánh Hòa đã tài trợ vốn cho một số dự án bất động sản lớn tại địa bàn TP. Nha Trang như: VCN Phước Hải, căn hộ cao cấp Gold Coast, nhà ở xã hội PH Complex Nha Trang. Ông Lương Phan Sảng - Giám đốc Vietcombank Chi nhánh Khánh Hòa cho biết, ngân hàng ký kết tài trợ vốn cho Dự án Chung cư xã hội P.H Nha Trang với số tiền cho vay là 450 tỷ đồng và 200 tỷ đồng bảo lãnh; tài trợ vốn vay để xây dựng Dự án Gold Coast 600 tỷ đồng, bảo lãnh cho người mua nhà dự án với số tiền 990 tỷ đồng. Không chỉ tài trợ vốn cho chủ đầu tư triển khai dự án, chi nhánh còn có các gói vay ưu đãi cho khách hàng mua nhà ở và thực hiện cam kết bảo lãnh đảm bảo hoàn trả tiền cho người mua nhà khi chủ đầu tư không thực hiện đúng tiến độ.
Khách hàng tìm hiểu về dự án Gold Coast, một trong những dự án được Vietcombank Khánh Hòa cho vay vốn |
Mới đây, BIDV Khánh Hòa ký kết hợp tác tài trợ dự án khu dân cư Phước Long - Vĩnh Trường (TP. Nha Trang) với chủ đầu tư dự án là Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển LOCUS. Theo đó, ngân hàng cam kết cấp vốn cho doanh nghiệp tối đa 70% tổng mức đầu tư ( 110 tỷ đồng) để thực hiện các hạng mục của dự án. Đối với dự án Vinpearl Empire, khách hàng mua căn hộ dự án được vay vốn ưu đãi tại Techcombank Nha Trang...
Theo đại diện Vietcombank Khánh Hòa, dư nợ cho vay trong lĩnh vực bất động sản của chi nhánh tăng trưởng khá tốt trong 2 năm gần đây. Do ưu tiên lựa chọn những chủ đầu tư có uy tín, năng lực tài chính bảo đảm và có kinh nghiệm triển khai các dự án bất động sản, nên tốc độ bán hàng của các dự án được chi nhánh tài trợ vốn đều bảo đảm tiến độ đề ra. Đối với khách hàng là cá nhân có nhu cầu thực sự về nhà ở như: mua nhà, xây, sửa nhà, ngân hàng có những gói tín dụng chuyên biệt bên cạnh gói vay ưu đãi 30.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội và nhà ở thương mại. Vì thế, Vietcombank Khánh Hòa chiếm thị phần lớn nhất của gói 30.000 tỷ đồng tại Khánh Hòa.
Còn tại VietinBank Khánh Hòa, dòng vốn giải ngân chủ yếu hướng vào hoạt động kinh doanh, cho vay tiêu dùng, đầu tư dự án xây dựng khách sạn, nhà xưởng. Tính đến cuối năm 2016, dư nợ cho vay đầu tư dự án xây dựng khách sạn, nhà hàng chiếm 10% tổng dư nợ của toàn chi nhánh; dư nợ cho vay tiêu dùng chiếm hơn 11% dư nợ của chi nhánh, trong đó, cho vay mua nhà ở, đất ở chiếm trên 60% dư nợ cho vay tiêu dùng…
Ông Bùi Hòa Thịnh - Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính BIDV Khánh Hòa cho biết, gần đây dòng vốn tín dụng chảy vào lĩnh vực bất động sản gia tăng do nhiều nguyên nhân, trong đó quan trọng nhất chính là bất động sản đã trở về đúng với giá trị thực, đáp ứng được nhu cầu của người mua để ở.
Kiểm soát an toàn vốn vay
Cho vay hỗ trợ mua nhà ở theo Nghị quyết số 02 của Chính phủ: Đến ngày 31-1, các chi nhánh ngân hàng đã giải ngân 1.664 hồ sơ với 670,5 tỷ đồng, chiếm 96% so với cam kết, dư nợ 531,46 tỷ đồng. Trong đó, Vietcombank Khánh Hòa giải ngân 664 hồ sơ với dư nợ gần 166 tỷ đồng, Vietcombank Nha Trang giải ngân 412 hồ sơ với dư nợ hơn 138,5 tỷ đồng, BIDV Khánh Hòa giải ngân 138 hồ sơ với dư nợ hơn 47,7 tỷ đồng, BIDV Nha Trang giải ngân 365 hồ sơ với dư nợ 157,1 tỷ đồng, Vietinbank Khánh Hòa giải ngân 58 hồ sơ với dư nợ hơn 14,9 tỷ đồng, Agribank Khánh Hòa giải ngân 27 hồ sơ với dư nợ 7,2 tỷ đồng. |
Chủ trương của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tuy đã rộng cửa đối với tín dụng bất động sản nhưng vẫn kiểm soát chặt chất lượng tín dụng để hạn chế rủi ro nợ xấu. Theo Thông tư số 06 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 36 quy định về các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, NHNN điều chỉnh hệ số rủi ro các khoản cho vay bất động sản tăng từ 150% lên 200%. Còn theo Chỉ thị 01 ngày 10-1-2017 của NHNN về tổ chức thực hiện chính sách tiền tệ và đảm bảo hoạt động ngân hàng an toàn, hiệu quả năm 2017, NHNN yêu cầu các tổ chức tín dụng: Hạn chế và kiểm soát chặt chẽ mức độ tín dụng vào lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro nhằm đảm bảo an toàn vốn vay và hiệu quả kinh tế, hạn chế nợ xấu mới phát sinh. Thường xuyên rà soát, đánh giá việc cho vay đối với lĩnh vực bất động sản, cho vay có đảm bảo bằng bất động sản… Hướng tín dụng bất động sản vào dự án nhà ở xã hội, các dự án nhà ở thương mại đáp ứng nhu cầu thực của người dân theo chủ trương của Chính phủ.
Để kiểm soát an toàn nguồn vốn vay, ngoài việc thực hiện đúng các quy định của NHNN, Vietcombank Khánh Hòa cũng đặt ra những quy định riêng từ khâu thẩm định trước và sau khi cho vay như: thẩm định tính hiệu quả và khả thi của dự án, năng lực của chủ đầu tư, tính khả thi của dự án trong phát triển chung và định hướng của toàn tỉnh. Còn theo đại diện VietinBank Khánh Hòa, đây là lĩnh vực chứa đựng rất nhiều rủi ro nên chi nhánh rất thận trọng trong việc triển khai cho vay lĩnh vực này. Trong quá trình thẩm định hồ sơ, chi nhánh ưu tiên lựa chọn các khách hàng đáp ứng các tiêu chí đề ra...
Theo ông Bùi Hòa Thịnh, BIDV Khánh Hòa sẽ ưu tiên dự án mà chủ đầu tư có phương án khả thi, tính hiệu quả cao, đảm bảo khả năng trả nợ; tỷ lệ vốn vay thấp (khoảng 60% tổng mức đầu tư); khách hàng có uy tín, chưa từng bị nợ quá hạn, có kinh nghiệm trong lĩnh vực đầu tư; tài sản thế chấp có tính thanh khoản cao. Bên cạnh đó, để đảm bảo an toàn nguồn vốn, chi nhánh nghiêm túc áp dụng Thông tư 06 của NHNN về việc điều chỉnh hệ số rủi ro các khoản cho vay bất động sản từ 150% lên 200%; phân tán đối tượng cho vay (ưu tiên cá nhân vay vốn để mua nhà, hạn chế cho vay chủ đầu tư dự án bất động sản); hạn chế cho vay các bất động sản thuộc phân khúc cao cấp do thị trường đầu ra khá hạn chế…
N.D