11:11, 16/11/2016

Đẩy mạnh vốn vay phát triển nông nghiệp, nông thôn

Thực hiện thỏa thuận phối hợp giữa Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) Khánh Hòa với Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, những năm qua, Agribank Khánh Hòa đã phối hợp với các cấp hội mạnh dạn mở rộng đầu tư cho vay...

Thực hiện thỏa thuận phối hợp giữa Ngân hàng (NH) Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) Khánh Hòa với Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, những năm qua, Agribank Khánh Hòa đã phối hợp với các cấp hội mạnh dạn mở rộng đầu tư cho vay qua các tổ vay vốn, tổ liên kết. Nhờ đó, nhiều hội viên đã tiếp cận được nguồn vốn tín dụng đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh, hình thành nhiều mô hình tổ liên kết sản xuất kinh doanh hiệu quả.

Sử dụng hiệu quả vốn vay


Ông Võ Văn Mai (phường Ninh Đa, thị xã Ninh Hòa) vay vốn 100 triệu đồng để trồng nấm và các loại hoa màu khác như: ớt, khổ qua… mang lại thu nhập ổn định cho gia đình. Còn ông Trần Minh Tự (thôn Phong Phú 2, phường Ninh Giang, thị xã Ninh Hòa) vay vốn Agribank để trồng hoa cúc. Gia đình ông Tự trồng hoa đã hơn 10 năm, trong đó, 6 - 7 năm nay đều vay vốn NH. Ông Tự cho biết, nguồn vốn NH được người dân sử dụng hiệu quả, một chậu cúc đầu tư khoảng 200.000 đồng, bán ra từ 250.000 đến 300.000 đồng/chậu. Hiện nay, người dân thôn Phong Phú 2 đang tập trung chăm sóc hoa cúc phục vụ Tết Nguyên đán sắp tới. Thông qua các tổ vay vốn do Hội Nông dân phường quản lý, mỗi hộ trồng hoa có nhu cầu vốn được vay 50 triệu đồng, lãi suất 7%/năm để đầu tư giống, vật tư và thuê công lao động. Nhờ vậy, năng lực sản xuất của từng gia đình được nâng lên, góp phần phát triển mạnh hơn thương hiệu hoa cúc Ninh Giang, cải thiện đời sống người dân.

 

Trang trại của bà Phạm Thị Hòa tại xã Vạn Hưng, huyện Vạn Ninh
Trang trại của bà Phạm Thị Hòa tại xã Vạn Hưng, huyện Vạn Ninh


Đến nay, mạng lưới cho vay tín chấp qua các tổ vay vốn ở cả 27 xã, phường của thị xã Ninh Hòa đã phát triển lên 225 tổ và hơn 5.000 thành viên. Agribank Chi nhánh Ninh Hòa đứng đầu về quy mô cho vay qua tổ vay vốn.  Ông Lê Hoàng Bảo - Phó Trưởng phòng Kế hoạch - Kinh doanh Agribank Chi nhánh Ninh Hòa cho biết: “Để đảm bảo chất lượng tín dụng, NH thường xuyên nắm tình hình vay vốn của Hội Nông dân cũng như Hội Phụ nữ nhằm hạn chế các rủi ro xảy ra. Nhờ phối hợp đồng bộ, giám sát chặt chẽ, nợ xấu được kiểm soát ở mức thấp”.


Nhờ 100 triệu đồng vốn vay của Agribank, gia đình bà Phạm Thị Hòa (xã Vạn Hưng, huyện Vạn Ninh) đã mở rộng diện tích trồng tỏi, xen canh đậu phụng, bí; ngoài ra còn trồng bạch đàn và chăn nuôi bò. Có vốn, gia đình bà đầu tư bài bản hệ thống tưới tự động, kênh dẫn nước nhằm chủ động nguồn nước tưới. Năm trước, sau khi trừ chi phí, chỉ tính riêng thu nhập từ tỏi, gia đình bà đã thu 200 triệu đồng. Nhờ biết tính toán, đầu tư có hiệu quả, gia đình bà ngày càng có thu nhập ổn định từ làm kinh tế trang trại. Theo ông Trần Công Sang - Phó Giám đốc Agribank Chi nhánh Vạn Ninh, chi nhánh đã phát triển được khoảng 3.000 thành viên vay vốn qua tổ, chiếm gần 50% tổng lượng khách hàng. Thông qua các tổ vay vốn, quá trình sử dụng vốn vay được giám sát chặt chẽ, đôn đốc thu hồi nợ kịp thời, đảm bảo chất lượng tín dụng.


Phục vụ chính sách “tam nông”


Thực hiện Nghị định 41 (nay là Nghị định 55) của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, Ban Giám đốc Agribank Khánh Hòa đã chỉ đạo các chi nhánh trong toàn tỉnh nâng mức cho vay không có bảo đảm bằng tài sản tối đa lên đến 50 triệu đồng đối với cá nhân, hộ gia đình; tối đa 200 triệu đồng đối với hộ sản xuất kinh doanh; tối đa 500 triệu đồng đối với các hợp tác xã, chủ trang trại hoạt động sản xuất, kinh doanh phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Chi nhánh cũng luôn ưu tiên áp dụng lãi suất cho vay ưu đãi đối với các đối tượng vay vốn theo Nghị định 41. Theo đó, lãi suất cho vay phục vụ nông nghiệp, nông thôn luôn thấp hơn các đối tượng khác từ 1,5 đến 2%. Đặc biệt, chi nhánh đã nhiều lần chủ động điều chỉnh giảm lãi suất cho khách hàng vay vốn (kể cả các hợp đồng tín dụng trước đây đã vay với mức lãi suất cao trong suốt thời gian vay) từ mức trên 20%/năm vào năm 2011 xuống còn tối đa 7%/năm như hiện nay để hỗ trợ, chia sẻ giúp người dân giảm bớt khó khăn, phát triển sản xuất.

 

Theo Agribank Khánh Hòa, đến ngày 30-9, tổng dư nợ cho vay phục vụ nông nghiệp, nông thôn đạt 3.624 tỷ đồng, chiếm 65,04%/tổng dư nợ toàn chi nhánh, so với cuối năm 2010 tăng 2.539 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng dư nợ bình quân 39%/năm. Tỷ lệ nợ xấu 1,32%. Toàn tỉnh có 543 tổ vay vốn với 12.819 thành viên, tổng dư nợ cho vay thông qua tổ vay vốn đạt 447 tỷ đồng. Trong đó, Hội Nông dân có 373 tổ vay vốn với 9.714 thành viên, dư nợ cho vay đạt 355 tỷ đồng; Hội Phụ nữ có 170 tổ vay vốn với 3.105 thành viên, dư nợ cho vay đạt 92 tỷ đồng.

Theo ông Nguyễn Xuân Huy - Giám đốc Agribank Khánh Hòa, NH đã tạo cơ hội cho người dân có thu nhập thấp, không có tài sản thế chấp tiếp cận được nguồn vốn vay để phát triển sản xuất. Thông qua sự hỗ trợ, giúp đỡ tích cực của các cấp chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là sự phối hợp giữa NH và các cấp hội đã có những tác động tích cực trong việc mang chính sách tín dụng của Nhà nước phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, góp phần chuyển tải vốn đến hộ vay. Việc đầu tư vốn cho nông nghiệp, nông thôn, nông dân, nguồn vốn NH đã đóng góp thực hiện thắng lợi các chủ trương, chính sách liên quan đến vấn đề “tam nông”, góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, từng bước nâng cao năng suất, tăng sản phẩm hàng hóa cho xã hội, tăng thu nhập cho từng gia đình, góp phần thực hiện tốt chương trình xây dựng nông thôn mới; từng bước xóa được việc cho vay nặng lãi trong dân.


Trong giai đoạn 2016 - 2020, Agribank Khánh Hòa quyết tâm giữ vững và phát huy vai trò tiên phong, chủ đạo, hàng đầu trong việc thực thi chính sách tín dụng phục vụ nông nghiệp, nông thôn theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, góp phần phát huy tiềm năng kinh tế của địa phương, phát triển xây dựng nông thôn mới, ổn định và nâng cao đời sống nhân dân ở nông thôn trên địa bàn tỉnh. Trong đó, ưu tiên tăng trưởng tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn; phát triển tín dụng cho lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao hướng đến xuất khẩu; chú trọng đầu tư cho vay đối với cá nhân, hộ gia đình sản xuất nông, lâm, ngư diêm nghiệp, mở rộng cho vay các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đến năm 2020, tỷ trọng tín dụng cho vay nông nghiệp nông thôn của chi nhánh đạt tối thiểu 70% tổng dư nợ.


N.D