Đợt giảm lãi suất huy động của một số ngân hàng thương mại cuối tháng 9 không ảnh hưởng nhiều đến hoạt động huy động vốn của các ngân hàng. Lãnh đạo các ngân hàng cho biết, nguồn vốn huy động vẫn đảm bảo tăng trưởng ổn định, thanh khoản dồi dào...
Đợt giảm lãi suất huy động của một số ngân hàng thương mại (NHTM) cuối tháng 9 không ảnh hưởng nhiều đến hoạt động huy động vốn của các NH. Lãnh đạo các NH cho biết, nguồn vốn huy động vẫn đảm bảo tăng trưởng ổn định, thanh khoản dồi dào. Việc giảm lãi suất huy động là cơ sở để giảm lãi suất cho vay theo định hướng của NH Nhà nước.
Lãi suất huy động giảm mạnh
Trái với lo ngại về khả năng các NH sẽ diễn ra chạy đua về lãi suất huy động, ngày 26-9, các NH lớn như: Viettinbank, BIDV, Vietcombank, Agribank đồng loạt thông báo giảm lãi suất huy động từ 0,3 đến 0,5%. Ngoài các NHTM nhà nước, một số NHTM cổ phần cũng đã hạ lãi suất huy động. Nguyên nhân là hiện nay các NH đang thừa vốn, bởi nguồn vốn huy động dồi dào, trong khi tín dụng tăng trưởng chậm hơn; đồng thời, lãi suất liên NH thấp. Vì thế, các NH cần điều tiết lại việc huy động vốn với mức chi phí hợp lý để vừa đảm bảo lợi nhuận, cũng là cơ sở để thực hiện chỉ đạo của NH Nhà nước là hạ lãi suất cho vay để kích thích hoạt động sản xuất, kinh doanh tăng trưởng kinh tế.
Khách hàng giao dịch tại Agribank Chi nhánh Khánh Hòa |
Agribank Chi nhánh Khánh Hòa đứng đầu về thị phần huy động vốn trên địa bàn. Hiện nay, lãi suất tiền gửi được Agribank Chi nhánh Khánh Hòa áp dụng cho kỳ hạn 1 tháng là 4,2%/năm, 2 tháng là 4,3%/năm, 6 tháng 5,3%/năm, 9 tháng 5,5%/năm, 12 tháng 6,5%/năm… Theo ông Nguyễn Xuân Huy - Giám đốc Agribank Chi nhánh Khánh Hòa, chi nhánh đủ tiềm lực nguồn vốn để thực hiện lãi suất cạnh tranh. Việc giảm lãi suất huy động từ 0,3 đến 0,5%/năm áp dụng cho các kỳ hạn dưới 12 tháng. Sau khi giảm lãi suất, nguồn vốn huy động của chi nhánh vẫn tăng trưởng ổn định. Đến cuối tháng 9, tổng vốn huy động của chi nhánh đã đạt 10.500 tỷ đồng, tăng 10% so với đầu năm. Trong cơ cấu huy động vốn, tiền gửi dân cư vẫn chiếm hơn 80%, cho thấy người dân vẫn chọn NH là kênh an toàn. Để giữ ổn định nguồn vốn trong khi giảm lãi suất, NH sẽ tăng cường các chương trình chăm sóc khách hàng, nâng cao chất lượng dịch vụ.
Tại BIDV Chi nhánh Khánh Hòa, lãi suất tiết kiệm áp dụng 4,3%/năm cho kỳ hạn 1 và 2 tháng, 4,8%/năm cho kỳ hạn 3 và 4 tháng; kỳ hạn 6 tháng 5,3%/năm, 9 tháng 5,5%/năm, 18 tháng 6,8%/năm… Theo bà Lâm Thị Nguyệt Oanh - Phó Giám đốc BIDV Chi nhánh Khánh Hòa, BIDV hạ lãi suất huy động từ 0,2 đến 0,5% tùy từng kỳ hạn. Trong đó, các kỳ hạn giảm lãi suất nhiều là 1 - 2 tháng và 6 - 8 tháng với mức giảm 0,5%, còn các kỳ hạn trên 12 tháng mức giảm thấp hơn là 0,2%. Những ngày đầu NH gặp một chút khó khăn trong việc giải thích cho khách hàng về mức biên độ giảm lãi suất. Tuy nhiên, việc các NH lớn đồng thời hạ lãi suất sau khi khảo sát, khách hàng đã chấp nhận mức lãi suất ấy; nhân viên NH thực hiện tư vấn kỳ hạn tiền gửi mang lại lợi ích cao nhất cho khách hàng. Sau vài ngày đầu có giảm nhẹ, đến nay, nguồn vốn huy động vẫn tăng khá. Tính đến cuối tháng 9, tổng huy động vốn của chi nhánh đạt 6.899 tỷ đồng, tăng 20% so với đầu năm, đứng thứ 2 về thị phần huy động vốn trên địa bàn tỉnh.
Nguồn vốn của các ngân hàng hiện đang dồi dào |
Tiền đề giảm lãi suất cho vay
Sau khi lãi suất huy động giảm, các NH đã bắt đầu có động thái giảm lãi suất cho vay. Ông Nguyễn Xuân Huy cho biết, thực tế, Agribank đã đưa ra gói lãi suất ưu đãi khoảng 25.000 tỷ đồng trong toàn hệ thống với mức lãi suất 5%/năm đối với cho vay ngắn hạn và 7% trong 6 tháng đầu đối với khoản vay trung và dài hạn, được áp dụng từ nay đến ngày 31-12. Gói ưu đãi áp dụng cho doanh nghiệp (DN) với điều kiện DN phải tăng trưởng dư nợ so với thời điểm ngày 20-9, tức là áp dụng cho dư nợ tăng thêm sau ngày 20-9 và những DN mới quan hệ với Agribank. Bên cạnh đó, tùy thực tế tài chính Agribank và tình hình kinh tế - xã hội, Agribank sẽ có những gói lãi suất ưu đãi hợp lý đối với khách hàng vay vốn để giúp cho DN, nông dân có điều kiện vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh.
Nhân viên BIDV Chi nhánh Khánh Hòa giải thích cho khách hàng về biểu lãi suất tiền gửi mới |
Lãi suất huy động giảm là tiền đề để các NHTM hạ lãi suất cho vay nhằm thúc đẩy sản xuất, kinh doanh. Bà Lâm Thị Nguyệt Oanh cho biết, hiện nay, BIDV có các gói cho vay lãi suất ưu đãi thúc đẩy sản xuất dành cho những đối tượng ưu tiên với điều kiện các DN có tình hình tài chính rõ ràng, đảm bảo khả năng trả nợ với lãi suất cho vay tối đa 7%. Ngoài ra, BIDV còn có chính sách riêng khuyến khích dành cho những khách hàng lớn, hay đối với DN thủy sản có gói hỗ trợ xuất nhập khẩu với lãi suất rất ưu đãi. Đối với lĩnh vực bán lẻ có nhiều gói cho vay nhà ở, mua ô tô chỉ 7 - 8% trong năm đầu tiên… NH cũng đơn giản về thủ tục vay vốn để DN tiếp cận vốn vay. Tại BIDV Chi nhánh Khánh Hòa, dư nợ cho vay sản xuất, kinh doanh có lãi suất từ 9%/năm trở xuống đã chiếm 61% tổng dư nợ, lãi suất 7%/năm trở xuống chiếm 37% tổng dư nợ.
Hiện nay, các NH tập trung giảm lãi suất huy động ở kỳ hạn ngắn cũng để kích thích khách hàng cân nhắc gửi tiền kỳ hạn dài hơn. Điều đó giúp NH tăng nguồn vốn trung và dài hạn để làm cơ sở tăng dư nợ cho vay trung dài hạn.
Theo ông Nguyễn Hoài Chiểu - Giám đốc NH Nhà nước Chi nhánh Khánh Hòa, các NHTM lớn đã có sự đồng thuận trong giảm lãi suất huy động khi bối cảnh nền kinh tế có chuyển biến tích cực, đặc biệt chỉ số giá tiêu dùng ở mức thấp, tăng trưởng kinh tế ổn định thì với khung lãi suất áp dụng hiện nay vẫn bảo đảm lợi ích người gửi tiền. Khi các NHTM nhà nước đồng loạt hạ lãi suất huy động để làm cơ sở hạ lãi suất cho vay, bắt buộc các NHTM cổ phần khác cũng sẽ phải tính toán lãi suất đầu vào hợp lý để cạnh tranh lãi suất cho vay. Thực tế, hiện nay, các NHTM đang triển khai nhiều gói tín dụng ưu đãi với lãi suất thấp.
N.D