09:05, 12/05/2014

Tiền mặt trong lưu thông sẽ giảm dần

Với sự vào cuộc tích cực của ngành Ngân hàng, nếu nhận được sự phối hợp của các bộ, ngành khác để có các chính sách khuyến khích phát triển thanh toán không dùng tiền mặt thì chắc chắn tiền mặt trong lưu thông sẽ giảm mạnh trong thời gian tới.

Thanh toán không dùng tiền mặt (KDTM) được xem là công cụ góp phần tiết kiệm chi phí xã hội liên quan đến phát hành và lưu thông tiền mặt, tạo điều kiện thuận lợi để kiểm soát lạm phát, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn trong nền kinh tế. Đặc biệt, thanh toán KDTM còn nâng cao tính minh bạch trong chi tiêu tài chính từ ngân sách và sử dụng vốn Nhà nước, hỗ trợ cho việc phòng chống tham nhũng, lãng phí.


Từ năm 2006, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã tham mưu và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển thanh toán KDTM giai đoạn 2006 - 2010 và định hướng đến năm 2020 (Đề án 291) với nhiều giải pháp thúc đẩy thanh toán KDTM như: Quản lý chi tiêu trong khu vực Chính phủ bằng phương tiện thanh toán KDTM, trong đó có giải pháp về trả lương qua tài khoản cho các đối tượng hưởng lương từ ngân sách Nhà nước đã được chấp thuận và cụ thể hóa bằng văn bản quy định pháp quy là Chỉ thị số 20/2007/CT-TTg ngày 24/8/2007 của Thủ tướng Chính phủ.


Theo Đề án đẩy mạnh thanh toán KDTM tại Việt Nam giai đoạn 2011- 2015 tại Quyết định số 2453/QĐ - TTg ngày 27/12/2011, chỉ tiêu quan trọng mà chúng ta cần phấn đấu đạt được đến 2015 là tỷ lệ tiền mặt trong tổng phương tiện thanh toán ở mức thấp hơn 11% (hiện nay là trên 13%); phấn đấu trang bị khoảng 250.000 thiết bị POS với số lượng giao dịch đạt khoảng 200 triệu giao dịch/năm; Áp dụng một số hình thức thanh toán mới, phù hợp với điều kiện và đặc điểm của khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa…


Từ kế hoạch trên, nhìn thực tế hiện nay có thể thấy: đến cuối tháng 3/2014, số lượng thẻ ngân hàng phát hành trên cả nước đạt trên 68,5 triệu thẻ với 52 tổ chức phát hành, trong đó thẻ ghi nợ chiếm 92,14%, thẻ tín dụng chiếm 3,68%, số còn lại là thẻ trả trước. Về mạng lưới thanh toán thẻ, Việt Nam hiện có khoảng 15.500 ATM và 137.700 POS được lắp đặt phục vụ hoạt động thanh toán, tạo điều kiện thuận lợi cho chủ thẻ có thể thực hiện giao dịch thanh toán thẻ mọi lúc, mọi nơi.


Bên cạnh đó, những năm gần đây, phương tiện thanh toán KDTM tại Việt Nam đã được phát triển mạnh mẽ, đa dạng như thẻ ngân hàng, Internet banking, mobile banking... đã và đang đi vào cuộc sống. Một bộ phận dân cư như công chức, viên chức, học sinh, sinh viên, công nhân ở các khu công nghiệp... đã có sự chuyển biến rõ rệt về nhận thức và thói quen thanh toán KDTM thông qua các dịch vụ của ngân hàng, tạo điều kiện thuận lợi và là tiền đề quan trọng để giảm dần sự hiện diện của tiền mặt trong các hoạt đông thanh toán của nền kinh tế.


Tuy nhiên, thói quen sử dụng tiền mặt của người dân còn phổ biến, hạ tầng tài chính còn nhiều hạn chế, nên việc triển khai thanh toán KDTM, hạn chế thanh toán KDTM cần lộ trình và những giải pháp phù hợp. Tại Văn bản hợp nhất mới đây của NHNN về ban hành Quy chế phát hành, thanh toán, sử dụng và cung cấp dịch vụ hỗ trợ hoạt động thẻ ngân hàng, chủ thẻ có quyền sử dụng thẻ để thanh toán tiền hàng hóa, dịch vụ mà không bị phân biệt giá so với thanh toán bằng tiền mặt, không phải trả thêm tiền hoặc thu phí.


NHNN đang tiếp tục chỉ đạo các TCTD nâng cao chất lượng và phát triển hạ tầng tài chính như: hoàn thành việc kết nối liên thông hệ thống thanh toán thẻ qua ATM/POS trên toàn quốc, triển khai xây dựng trung tâm chuyển mạch thẻ thống nhất. Cùng với đó là nâng cao hiệu quả mạng lưới POS, trong đó chú trọng phát triển POS di động (mPOS), tăng cường khả năng tiếp cận các dịch vụ tài chính, đặc biệt phù hợp với khu vực nông thôn, khu vực phi đô thị. Bên cạnh đó, NHNN sẽ hoàn thiện khuôn khổ, tạo hành lang pháp lý đầy đủ, đồng bộ, khuyến khích phát triển thanh toán KDTM, hạn chế giao dịch thanh toán bằng tiền mặt trong nền kinh tế.


Với sự vào cuộc tích cực của ngành Ngân hàng, nếu nhận được sự phối hợp của các bộ, ngành khác như Công Thương, Tài chính… để có các chính sách khuyến khích phát triển thanh toán KDTM thì chắc chắn tiền mặt trong lưu thông sẽ giảm mạnh trong thời gian tới.


Theo Thời báo Ngân hàng