Thừa nhận thị trường vàng mấy ngày gần đây diễn biến "hơi bất thường" nhưng theo đại diện Ngân hàng Nhà nước chưa cần đấu thầu lại vàng, vì "thị trường đã tự cân bằng được".
Trao đổi với báo giới về khả năng nối lại các phiên đấu thầu vàng, ông Nguyễn Quang Huy, Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối (Ngân hàng Nhà nước) thừa nhận, từ giữa tháng 5, thị trường vàng trong nước có biểu hiện “hơi bất thường”, trong khi giá vàng thế giới “lao dốc” thì giá vàng trong nước chỉ giảm cầm chừng nên giá quy đổi cao hơn. Hoặc khi giá vàng thế giới gần như không thay đổi, giá trong nước lại có bước tăng khá mạnh, khoảng 2 triệu đồng/lượng trong khoảng chục ngày giữa tháng 5.
Ghi nhận từ thị trường cho thấy, có thời điểm chênh lệch giá của mặt hàng này đã lên tới 4,5 triệu đồng/lượng và trong mấy ngày gần đây, chênh lệch này được rút xuống, nhưng vẫn ở ngưỡng gần 4 triệu đồng/lượng.
Lý giải về việc chưa kết nối lại đấu thầu vàng để tăng cung cho thị trường, ông Huy cho rằng: “Thị trường đã tự điều chỉnh và dần trở lại trạng thái cân bằng hơn, biểu hiện ở khối lượng giao dịch cũng như giá vàng trong nước đã giảm dần trong bối cảnh giá vàng quốc tế ổn định trong biên độ hẹp”. Và khi thị trường tự cân bằng được, Ngân hàng Nhà nước chưa phải trực tiếp can thiệp bằng đấu thầu.
Đề cập tới diễn biến từ giữa tháng 5 đến nay, ông Huy cho hay, giá vàng trong nước có biến động tăng là do yếu tố tâm lý, không ngoại trừ yếu tố đầu cơ, làm giá để trục lợi. “Ngân hàng Nhà nước đã kịp thời đưa ra các giải thích và khuyến cáo người dân nên thận trọng khi quyết định mua, bán vàng để tránh các thiệt hại không đáng có do yếu tố tâm lý hoặc bị kích động bởi một số đối tượng kinh doanh cơ hội”, đại diện ngành ngân hàng nói. Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối một lần nữa khẳng định, Ngân hàng Nhà nước luôn bám sát tình hình thị trường, sẵn sàng can thiệp và đủ nguồn lực để can thiệp. Quyết định can thiệp chỉ đưa ra khi thị trường có bất ổn hoặc không tự cân bằng được. Trong tình huống đó, thời điểm tổ chức đấu thầu, theo các bước triển khai trước đây, Ngân hàng Nhà nước sẽ có thông báo cụ thể.
Ảnh minh họa. |
Tính từ thời điểm đấu thầu vàng phiên đầu tiên, ngày 28/3/2013 đến 31/12/2013, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức 76 phiên đấu thầu bán vàng miếng với tổng khối lượng trúng thầu là 1.819.900 lượng trên tổng số 1.932.000 lượng chào thầu. Dù liên tiếp “tung” ra các phiên đấu thầu vàng nhưng mục tiêu của Ngân hàng Nhà nước là để tăng cung cho thị trường, chứ không hỗ trợ thu hẹp khoảng cách chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới. Trên thị trường vàng, năm 2013 cũng là năm giá vàng SJC “bốc hơi” tới 12 triệu đồng/lượng.
Không phải can thiệp thị trường ngoại hối
Còn nhớ, vào thời điểm giữa tháng 5, giá vàng bất ngờ “gây sốc” với giới đầu tư khi tăng vọt lên mức 37,5 triệu đồng/lượng rồi nhanh chóng hạ xuống. Theo đánh giá của giới chuyên gia, việc giá vàng tăng cao và tăng nhanh, một phần có sự “tiếp sức” của tỷ giá USD/VND. Tỷ giá biến động mạnh, mức tỷ giá cao nhất của đợt biến động này ghi nhận ở 21.190 VND/USD.
Tuy nhiên, sau khi Ngân hàng Nhà nước liên tiếp đưa ra thông tin, khẳng định sẵn sàng các giải pháp để can thiệp và bình ổn thị trường, tỷ giá USD/VND đã có dấu hiệu hạ nhiệt và ổn định ở khoảng 21.170 VND - 21.180 VND. Và đến ngày 28/5, tỷ giá USD/VND trên thị trường liên ngân hàng giao dịch trong khoảng 21.152 VND - 21.154 VND, thấp hơn nhiều so với mức niêm yết của các ngân hàng thương mại.
Bà Nguyễn Thị Hồng, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước) cho rằng: “Từ giữa tháng 5/2014, trên thị trường ngoại tệ, tỷ giá liên ngân hàng có một số thời điểm tăng là do yếu tố tâm lý, với cân đối cung - cầu ngoại tệ đảm bảo, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của doanh nghiệp và người dân đều được đáp ứng đầy đủ, kịp thời và thông suốt. Ngân hàng Nhà nước không phải can thiệp trên thị trường ngoại hối”.
Theo Dân trí