08:05, 13/05/2014

Không hỗ trợ, cấp bù lãi suất đối với thời gian quá hạn của khoản vay

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến đống góp vào Dự thảo Thông tư hướng dẫn hỗ trợ lãi suất vay vốn và cấp bù chênh lệch lãi suất do thực hiện chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp.

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến đống góp vào Dự thảo Thông tư hướng dẫn hỗ trợ lãi suất vay vốn và cấp bù chênh lệch lãi suất do thực hiện chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp.


Điều kiện được hỗ trợ lãi suất, cấp bù chênh lệch lãi suất


Cụ thể, Thông tư này hướng dẫn về điều kiện, hồ sơ, thủ tục, quy trình hỗ trợ lãi suất và cấp bù chênh lệch lãi suất cho các ngân hàng thương mại (NHTM) khi thực hiện việc cho vay theo quy định tại Điều 1 và Điều 2 Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg ngày 14/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp.


Đối tượng áp dụng là các NHTM được thành lập và hoạt động theo Luật các tổ chức tín dụng (TCTD), đáp ứng được các điều kiện theo hướng dẫn của NHNN Việt Nam thực hiện cho vay theo quy định tại Điều 1 và Điều 2 Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg; Các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan.


Theo Dự thảo Thông tư, để được ngân sách nhà nước (NSNN) hỗ trợ lãi suất vay vốn và cấp bù chênh lệch lãi suất, các NHTM phải thực hiện cho vay theo đúng quy định tại Điều 1 và Điều 2 Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg và hướng dẫn của NHNN Việt Nam. Bên cạnh đó, các khoản vay phải đúng đối tượng, đúng mục tiêu quy định tại Điều 1 và Điều 2 Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg; các khoản vay trả nợ trong hạn tại thời điểm hỗ trợ lãi suất và cấp bù chênh lệch lãi suất.

 


Dự thảo Thông tư nêu rõ: Không thực hiện hỗ trợ lãi suất và cấp bù chênh lệch lãi suất đối với các khoản vay (gốc và lãi) quá hạn tính từ thời điểm quá hạn và các khoản vay được ngân hàng cơ cấu lại thời hạn trả nợ tính từ thời điểm cơ cấu lại nợ cho khách hàng...


Mức hỗ trợ lãi suất và cấp bù chênh lệch lãi suất


Cũng theo Dự thảo Thông tư, các khoản vay hỗ trợ lãi suất để mua các loại máy móc, thiết bị quy định tại Khoản 2 Điều 1 Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg được NSNN hỗ trợ 100% lãi suất trong 2 năm đầu, 50% lãi suất trong năm thứ ba, tính từ ngày giải ngân của hợp đồng tín dụng, khế ước vay vốn hoặc các giấy tờ tương đương.


Các khoản vay để thực hiện các dự án hoặc đầu tư mua sắm, lắp đặt dây chuyền máy, thiết bị, các dự án chế tạo máy, thiết bị sản xuất nông nghiệp quy định tại Khoản 2 Điều 2 Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg được NSNN cấp bù chênh lệch giữa lãi suất cho vay của các NHTM và lãi suất tín dụng đầu tư phát triển của nhà nước, tính từ ngày giải ngân của hợp đồng tín dụng, khế ước vay vốn hoặc các giấy tờ tương đương.


Mức cho vay trong trường hợp được cấp bù chênh lệch giữa lãi suất tín dụng đầu tư của Nhà nước và lãi suất thương mại, tối đa bằng 70% giá trị của dự án. Mức lãi suất cho vay của các NHTM làm cơ sở để NSNN hỗ trợ và cấp bù chênh lệch lãi suất là mức lãi suất cho vay thấp nhất của ngân hàng áp dụng cho các khoản vay vốn phục vụ lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn cùng kỳ hạn và cùng thời kỳ.


Dự thảo Thông tư cũng quy định, các NHTM có trách nhiệm công bố công khai lãi suất cho vay thấp nhất để áp dụng cho vay hỗ trợ các đối tượng theo quy định làm căn cứ hỗ trợ lãi suất và cấp bù chênh lệch lãi suất. Mức lãi suất tín dụng đầu tư phát triển làm căn cứ cấp bù chênh lệch lãi suất được thực hiện theo quy định tại Điều 2 Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg là mức lãi suất tín dụng đầu tư phát triển của nhà nước được công bố áp dụng cho từng thời kỳ.


Dự Thảo Thông tư nêu rõ, hàng năm, chậm nhất vào ngày 31/7, các NHTM căn cứ nhiệm vụ được giao, dự kiến dư nợ cho vay để mua máy móc, thiết bị, đầu tư dây chuyền máy, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp của năm sau để xây dựng kế hoạch hỗ trợ lãi suất và cấp bù chênh lệch lãi suất cho năm kế hoạch (có chia ra từng quý) gửi Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư vào thời gian xây dựng dự toán NSNN năm sau theo quy định của Luật NSNN và các văn bản hướng dẫn. Riêng năm 2014, muộn nhất sau 15 ngày kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành, các NHTM có trách nhiệm lập và gửi kế hoạch hỗ trợ lãi suất và cấp bù chênh lệch lãi suất cho Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư.


Theo Thời báo Ngân hàng