04:05, 11/05/2014

Bộ Tài chính yêu cầu tăng cường bình ổn giá

Bộ Tài chính vừa có văn bản  đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường công tác quản lý, bình ổn giá trên địa bàn.

Bộ Tài chính vừa có văn bản  đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường công tác quản lý, bình ổn giá trên địa bàn.


Theo đó, Bộ yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm túc và có hiệu quả các giải pháp chủ yếu đã đề ra trong Nghị quyết số 01 của Chính phủ. Ở lĩnh vực giá, cần chú trọng các biện pháp theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường trong nước và quốc tế, làm tốt công tác thu thập, phân tích và dự báo thông tin thị trường để kịp thời đề xuất các giải pháp bình ổn giá, kiềm chế lạm phát theo quy định của pháp luật.


Tăng cường kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý giá, thuế, phí, đặc biệt đối với những hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật và công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đồng thời, giám sát chặt chẽ kê khai giá của doanh nghiệp đối với mặt hàng bình ổn giá, mặt hàng thuộc danh mục kê khai giá; trong đó có giá cước vận tải, giá sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi, giá thuốc phòng và chữa bệnh cho người, xi măng, sắt thép, thức ăn chăn nuôi, khí dầu mỏ hóa lỏng; kiên quyết dừng các trường hợp kê khai tăng giá không phù hợp với tác động của yếu tố đầu vào và mặt bằng giá cả thị trường.

 

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.


Đáng chú ý, Bộ Tài chính yêu cầu chủ động triển khai chương trình bình ổn thị trường phù hợp với tình hình thực tế địa phương theo hướng nhân rộng mô hình bình ổn giá không sử dụng nguồn hỗ trợ từ ngân sách theo chỉ đạo của Chính phủ; tổ chức triển khai thực hiện các biện pháp bình ổn giá sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi.


Bên cạnh đó, cơ quan quản lý này yêu cầu theo dõi sát tình hình dịch bệnh trên gia súc, gia cầm để có biện pháp ngăn chặn, khống chế, dập dịch hiệu quả; hỗ trợ, hướng dẫn cho người chăn nuôi tái đàn để đảm bảo nguồn cung không bị thiếu hụt; tăng cường công tác nắm tình hình, kiểm tra phòng, chống dịch bệnh, giám sát chặt chẽ việc vận chuyển gia súc, gia cầm qua biên giới, hạn chế tình trạng lây lan dịch bệnh; triển khai có hiệu quả các biện pháp phòng chống dịch bệnh, kịp thời xuất văcxin, thuốc tiêu độc khử trùng dự trữ quốc gia để dập dịch.


Bộ Tài chính có các yêu cầu trên nhằm góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô theo mục tiêu đã đề ra khi mà theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng tháng 4 tăng nhẹ 0,08% so với tháng 3/2014, trong đó chỉ số giá nhóm hàng giao thông tăng cao nhất với mức tăng 0,33%. Mặt khác, qua theo dõi diễn biến giá cả thị trường tháng 4/2014 cho thấy, giá một số mặt hàng tại các địa phương đã có diễn biến tăng do tác động của chi phí vận tải tăng sau khi cơ quan nhà nước tăng cường kiểm soát các trường hợp chở quá trọng tải đối với vận tải hàng hóa đường bộ.


Theo HNM