Năm 2014, dù mặt bằng lãi suất huy động giữ nguyên nhưng Thống đốc Ngân hàng Nhà nước vẫn yêu cầu ngân hàng cố gắng giảm thêm lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp.
Thông tin trên được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình nêu tại Hội nghị triển khai hoạt động của Ngân hàng Ngoại thương (Vietcombank) sáng 10/1. Người đứng đầu ngành ngân hàng cho biết, về mặt chủ trương, năm 2014, nếu có điều kiện, nhà điều hành sẽ chỉ đạo các nhà băng tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất cho vay 1-2 điểm phần trăm để hỗ trợ cho doanh nghiệp, ngay cả khi mặt bằng huy động vẫn giữ nguyên.
So với hơn chục năm trước, tín dụng năm 2012, 2013 tuy chỉ khoảng trên dưới 10% nhưng theo Thống đốc, đây là mức tăng trưởng hợp lý, đóng góp thực sự vào tăng trưởng kinh tế (GDP). Ông Nguyễn Văn Bình phân tích, trước đây, GDP tăng cao 6-7% nhưng tín dụng khi ấy cũng trung bình tăng 33%, thậm chí có năm như 2007 tăng tới 53%. Do vậy, để có một tăng trưởng GDP thì hệ thống ngân hàng phải có 4-6 tăng trưởng tín dụng. "Vậy tín dụng tăng cao mà không vào tăng trưởng GDP thì đi đâu? Nó đi vào đầu cơ, tạo nên bong bóng. Những cái ảo, đầu cơ chỉ có tính nhất thời. Do đó, đề nghị không một giờ phút giây nào các đồng chí được xao nhãng chất lượng tín dụng", Thống đốc chỉ đạo.
"Số phận" của việc áp dụng Thông tư 02 - quy định những chuẩn mới về nợ xấu, trích lập dự phòng rủi ro - cũng được Thống đốc nêu rõ. Dự kiến là ngày 1/6 năm nay, Thông tư 02 sẽ được áp dụng nhưng vẫn có nhiều ngân hàng muốn xin "khất" vì lo ngại nợ xấu tăng cao, thậm chí gấp đôi và lợi nhuận giảm. Tuy nhiên, Thống đốc Nguyễn Văn Bình vẫn khẳng định "đúng ngày đúng giờ" quy định này sẽ có hiệu lực. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh: "Có sửa đổi nhưng không phải vì các quy định của Thông tư 02 đang không tiên tiến mà vì cơ thể của chúng ta còn đang yếu, khả năng hấp thụ các liều thuốc đó khó".
Dự kiến, trong tháng 1 này, tất cả các văn bản mang tính định hướng hoạt động hay khung sườn cho toàn ngành sẽ được ban hành, trong đó có Thông tư 02 sửa đổi.
Riêng về tỷ giá, một lần nữa, người đứng đầu ngành ngân hàng khẳng định sẽ duy trì chủ trương ổn định, nếu điều chỉnh không quá 2%. Năm 2013, Thống đốc cho biết thực tế không cần thiết phải điều chỉnh tỷ giá 1% và thậm chí tỷ giá có thể còn xuống thấp hơn so với 2012. Tuy nhiên, để tạo động lực khuyến khích cho xuất khẩu, Ngân hàng Nhà nước đã chủ động tăng tỷ giá 1%. "Từ trước đến nay, ít khi chúng ta chủ động cho phá giá như vậy lắm, mà chủ yếu bị động, toàn chạy theo thị trường", Thống đốc phân tích thêm.
Theo Vnexpress