Kết thúc năm 2013 chỉ số Vn-Index của Việt Nam tăng trưởng trên 20% và hiện dẫn đầu tại khu vực Đông Nam Á.
Kết thúc năm 2013 chỉ số Vn-Index của Việt Nam tăng trưởng trên 20% và hiện dẫn đầu tại khu vực Đông Nam Á.
Xếp ngay sau Vn-Index là chỉ số EMAS-Index của Malaysia với mức tăng 11,44%. Trong khi đó, thị trường chứng khoán Thái Lan, Philippines, Indonesia và Campuchia lại chứng kiến sự sụt giảm so với đầu năm. Đa phần các thị trường chứng khoán tại Đông Nam Á được xếp vào nhóm các thị trường mới nổi và sơ khai (Emerging market) trên bản đồ tài chính toàn cầu. Dù vậy, dòng vốn đầu tư nước ngoài vào các thị trường này trong năm qua lại không đồng đều.
Theo số liệu của Bloomberg, chỉ riêng tháng 12, thị trường chứng khoán Việt Nam dẫn đầu về lượng mua ròng của khối ngoại với giá trị hơn 50 triệu USD. Trong khi đó, thị trường Thái Lan bị bán ròng hơn 1,3 tỷ USD còn Indonesia là 476, 32 triệu USD. Tính chung cả năm 2013, dòng vốn ngoại vào thị trường chứng khoán Việt Nam đạt giá trị ròng hơn 250 triệu USD, đứng thứ nhì tại khu vực Đông Nam Á. Còn thị trường Thái Lan bị bán ròng mạnh nhất khu vực với giá trị hơn 6 tỷ USD từ đầu năm.
Trong năm 2013, Việt Nam đã tập trung thực hiện các mục tiêu ổn định vĩ mô. Lãi suất giảm dần xuống 7% từ mức 14% của năm 2012. Lạm phát kiềm chế tại 6,04%, mức thấp nhất trong 10 năm qua. Trong khi GDP tăng trưởng 5,42% cao hơn mức 5,25% trước đó một năm. Giá trị đồng nội tệ của Việt Nam cũng ổn định, chỉ tăng 1% sau 12 tháng. Các chính sách thực hiện tái cấu trúc nền kinh tế vẫn đang được triển khai như công ty mua bán nợ xấu VAMC, gói hỗ trợ thị trường bất động sản 30.000 tỷ, tái cấu trúc hệ thống ngân hàng và các tổ chức tín dụng, tái cấu trúc các tập đoàn nhà nước.
Thị trường chứng khoán trong nước được hưởng lợi từ những kết quả này, khi cổ phiếu nhiều nhóm ngành khác nhau cùng tăng giá. Lãi suất giảm khiến các mã dịch vụ, sản xuất và năng lượng như thép, dầu khí, điện, vận tải biển tăng mạnh. Nhóm cổ phiếu bất động cũng thể hiện sự phục hồi vào giai đoạn cuối năm với các đợt sóng chứng khoán liên tiếp.
Ông Nguyễn Việt Đức – Giám đốc Nghiên cứu và Phân tích Kinh tế tại Công ty cổ phần Quản lý Quỹ đầu tư Sài Gòn – Hà Nội (SHF) đánh giá 2013 là thời điểm lạc quan nhất của thị trường chứng khoán Việt Nam trong vòng 5 năm trở lại đây. “Từng có lúc mức tăng trưởng của chứng khoán Việt Nam lên hàng cao nhất thế giới chứ không chỉ riêng khu vực Đông Nam Á”, ông Đức chia sẻ.
Theo chuyên gia này, hiện thời kinh tế Việt Nam trong giai đoạn vừa qua đáy và thoát khỏi khủng hoảng. Giá cổ phiếu cũng từng xuống mức không thể rẻ hơn do doanh nghiệp bị định giá thấp. Tuy nhiên, hai năm tới, tiềm năng tăng trưởng của chứng khoán Việt Nam sẽ mạnh dần. “So với các quốc gia khác trong khu vực, giá cổ phiếu Việt Nam cũng không còn nằm ở vùng rẻ nhất. Yếu tố hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài bây giờ không phải chuyện giá rẻ mà là khả năng sinh lời của các doanh nghiệp”, ông Đức nhận định. Trong năm tới, giám đốc phân tích của SHF cho rằng lĩnh vực bất động sản sẽ là ngành chủ chốt trên sàn chứng khoán và có tiềm năng tăng trưởng. Dù vậy, nhóm cổ phiếu này vẫn chứa nhiều ẩn số lớn trong những dự báo của ông.
Còn các chuyên gia quốc tế cũng tiếp tục có những đánh giá tốt về thị trường Việt Nam. Trong đó, chiến lược gia Sean Darby - huyên gia chứng khoán toàn cầu tại Jeffries từng phát biển trên CNBC: “Khi các yếu tố nền tảng tại Indonesia và Thái Lan yếu đi, Việt Nam trở thành một điểm sáng. Chúng tôi cho rằng thị trường nước này sẽ tiếp tục dẫn đầu khu vực năm 2014”.
Theo VnExpress