11:12, 26/12/2013

Mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2014 từ 12-14%

Dự kiến tăng trưởng tín dụng năm 2014 vào khoảng 12-14%, tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 16-18%.

Để thực hiện các mục tiêu do Quốc hội đề ra cho năm 2014 là kiểm soát lạm phát ở mức 7%, tăng trưởng GDP khoảng 5,8%, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) định hướng các chỉ tiêu điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng theo hướng chủ động và linh hoạt. Theo đó, dự kiến tăng trưởng tín dụng năm 2014 vào khoảng 12-14%, tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 16-18%.


Số liệu trên được ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc NHNN TP. Hồ Chí Minh cho biết trong Tọa đàm “Ngân hàng đẩy tăng trưởng tín dụng và cơ hội của DN năm 2014” vừa được Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức ngày 26-12 tại TP. Hồ Chí Minh. Ông Minh cho biết thêm, tính đến ngày 17/12/2013, tổng dư nợ tín dụng của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đạt khoảng 3.375.785 tỷ đồng, tăng 9,22% so với cùng kỳ năm 2012. Cơ cấu tín dụng tập trung vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên.

 


Cụ thể, đến cuối tháng 11/2013, dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn (chưa bao gồm dư nợ của Ngân hàng Chính sách xã hội) là 657 ngàn tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ 2012; dư nợ cho vay xuất khẩu đạt khoảng hơn 158,42 ngàn tỷ đồng, tăng 3,32%; dư nợ cho vay DNNVV đạt 855,93 ngàn tỷ đồng, tăng 0,75%; dư nợ cho vay DN ứng dụng công nghệ cao đạt 15,37 ngàn tỷ đồng, tăng 24,5%; dư nợ cho vay lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ đạt 96,22 ngàn tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2012.


Theo ông Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) Việt Nam, từ đầu năm đến nay việc tiếp cận vốn vay của các DNNVV vẫn còn nhiều nút thắt chưa tháo gỡ. Hiện, 90-95% các DN trong Hiệp hội hoạt động đều dựa vào nguồn vốn vay ngân hàng, nhưng do nợ xấu, nợ quá hạn... nên khó có khả năng vay mới. Chính vì vậy trong 5 lĩnh vực ưu tiên thì cho vay các DNNVV tăng trưởng chậm nhất (đến hết 2013, dự kiến sẽ chỉ tăng trưởng khoảng 1%).


Ông Kiêm cho rằng, trong năm 2014, để khơi thông nguồn vốn cho DNNVV, bản thân các DN cần tự đánh giá lại hoạt động của mình, từ đó điều chỉnh chiến lược kinh doanh để khai thác hiệu quả nguồn vốn. Phía các ngân hàng cũng cần có sự phân loại đối tượng khách hàng, chủ động làm rõ những vướng mắc trong quan hệ vay vốn của DN và hợp tác với DN giải quyết những vướng mắc để có thể giải ngân cho vay.


Theo Thời báo Ngân hàng