Đó là quy định tại Dự thảo Thông tư hướng dẫn thực hiện một số quy định của pháp luật về phòng, chống rửa tiền đang được Ngân hàng Nhà nước lấy ý kiến đóng góp.
Đó là quy định tại Dự thảo Thông tư hướng dẫn thực hiện một số quy định của pháp luật về phòng, chống rửa tiền đang được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) lấy ý kiến đóng góp.
Theo đó, Thông tư này hướng dẫn các biện pháp phòng, chống rửa tiền liên quan đến đánh giá tăng cường đối với khách hàng có rủi ro cao; danh sách cá nhân nước ngoài có ảnh hưởng chính trị; phân công cán bộ, bộ phận chịu trách nhiệm; công tác kiểm soát, kiểm toán nội bộ; bồi dưỡng nghiệp vụ phòng, chống rửa tiền; sửa đổi, bổ sung quy định nội bộ.
Thông tư cũng hướng dẫn việc báo cáo: giao dịch tiền mặt có giá trị lớn, giao dịch đáng ngờ, giao dịch chuyển tiền điện tử, hành vi rửa tiền nhằm tài trợ khủng bố; mức ngoại tệ tiền mặt, đồng Việt Nam bằng tiền mặt, kim loại quý, đá quý và công cụ chuyển nhượng phải khai báo hải quan; hình thức báo cáo và việc trao đổi, cung cấp thông tin phòng, chống rửa tiền.
Ảnh minh họa. |
Liên quan đến các giao dịch tiền mặt, Điều 9, Dự thảo Thông tư nêu rõ: Trường hợp khách hàng nộp tiền mặt vào tài khoản của người khác hoặc nộp tiền mặt để chuyển tiền (trường hợp khách hàng không có tài khoản), đối tượng báo cáo phải yêu cầu khách hàng xuất trình giấy tờ hợp lệ (giấy CMND hoặc hộ chiếu còn hạn sử dụng hoặc các giấy tờ khác có ảnh do cơ quan có thẩm quyền cấp) và lưu lại thông tin cần thiết (họ, tên, số của giấy tờ, ngày cấp, nơi cấp) hoặc bản sao giấy tờ đó.
Trường hợp khách hàng nộp ngoại tệ tiền mặt có giá trị lớn theo quy định để mua đồng Việt Nam bằng tiền mặt hoặc nộp tiền mặt đồng Việt Nam có giá trị lớn theo quy định để mua ngoại tệ tiền mặt thì chỉ báo cáo giao dịch nộp tiền mặt.
Nội dung báo cáo giao dịch có giá trị lớn bao gồm: (1) Thông tin về khách hàng: Đối với khách hàng là cá nhân: họ tên, ngày tháng năm sinh, số CMND hoặc số hộ chiếu, quốc tịch (khách hàng có nhiều quốc tịch thì phải ghi đầy đủ các quốc tịch và các địa chỉ đăng ký cư trú tại các quốc gia mang quốc tịch), địa chỉ cư trú tại Việt Nam; Đối với khách hàng là tổ chức: tên tổ chức, địa chỉ, quốc gia, mã số thuế; trường hợp tổ chức không có mã số thuế thì bắt buộc phải có số của giấy phép hoạt động, quyết định thành lập hoặc giấy đăng ký kinh doanh;
(2) Thông tin về giao dịch: Đối với giao dịch có giá trị lớn bằng tiền mặt (đồng Việt Nam hoặc ngoại tệ): ngày thực hiện giao dịch, số tài khoản (nếu có), loại giao dịch, mã số giao dịch (số tham chiếu duy nhất cho mỗi giao dịch), số tiền giao dịch, loại tiền giao dịch, số tiền được quy đổi sang đồng Việt Nam (theo tỷ giá ngày phát sinh giao dịch), lý do, mục đích giao dịch, tên, địa điểm nơi phát sinh giao dịch;
Đối với giao dịch có giá trị lớn bằng vàng: ngày thực hiện giao dịch, loại giao dịch, mã số giao dịch (số tham chiếu duy nhất cho mỗi giao dịch), trọng lượng (đơn vị: kilogram; liệt kê theo từng loại hàng hóa), giá trị từng giao dịch, tổng giá trị giao dịch trong ngày quy đổi sang đồng Việt Nam, lý do, mục đích giao dịch, tên, địa điểm nơi phát sinh giao dịch;
(3) Thông tin khác được quy định cụ thể trong các mẫu biểu ban hành kèm theo Thông tư này.
Theo Thời báo Ngân hàng