Thông tin từ Ngân hàng Nhà nước cho biết, sau gần 2 năm thực hiện các biện pháp tái cơ cấu, hệ thống ngân hàng đã vượt qua thời kỳ khó khăn nhất, hoàn thành cơ bản nhiệm vụ tái cơ cấu sở hữu và tư cách pháp nhân của những ngân hàng cổ phần yếu kém, các công ty tài chính và cho thuê tài chính.
Thông tin từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, sau gần 2 năm thực hiện các biện pháp tái cơ cấu, hệ thống ngân hàng đã vượt qua thời kỳ khó khăn nhất, hoàn thành cơ bản nhiệm vụ tái cơ cấu sở hữu và tư cách pháp nhân của những ngân hàng cổ phần yếu kém, các công ty tài chính và cho thuê tài chính.
Đến nay, NHNN đã nhận được 24/25 phương án tái cơ cấu của các ngân hàng thương mại cổ phần và đang khẩn trương phê duyệt các phương án tái cơ cấu; đồng thời chỉ đạo các ngân hàng bổ sung, chỉnh sửa một số nội dung, đảm bảo những yêu cầu của Đề án tái cơ cấu đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. NHNN cũng tạo điều kiện và khuyến khích các tổ chức tín dụng (TCTD) nước ngoài góp vốn, mua cổ phần của các TCTD Việt Nam, nhất là TCTD yếu kém nhằm đẩy nhanh tiến độ tái cơ cấu những TCTD này.
Đối với các quỹ tín dụng nhân dân (QTDND), NHNN đã chỉ đạo QTDND hoàn thành việc chuyển mô hình hoạt động thành ngân hàng hợp tác xã nhằm thực hiện tốt mục tiêu liên kết hệ thống, hỗ trợ tài chính và điều hòa vốn trong hệ thống các QTDND, giúp các quỹ tín dụng cơ sở hoạt động hiệu quả theo mô hình hợp tác xã. NHNN cũng đang chỉ đạo các đơn vị chức năng và hệ thống QTDND thực hiện tái cơ cấu theo đúng lộ trình và có hiệu quả, đảm bảo cho hệ thống QTDND phát triển theo đúng mục tiêu đề ra. Đối với các TCTD phi ngân hàng, NHNN đã tiếp nhận các phương án tái cơ cấu của tất cả 13 TCTD phi ngân hàng và đang tiến hành thẩm định những phương án này.
Từ tháng 6-2014, NHNN kiên quyết áp dụng Thông tư 02/2013/TT-NHNN về trích lập dự phòng rủi ro sau một thời gian hoãn thực hiện. Thông tư này buộc các TCTD phải phân loại nợ một cách chính xác, đồng thời xây dựng hệ thống quản trị mới theo hướng phù hợp dần với các thông lệ và chuẩn mực quốc tế.
G.C