13:29, 23/01/2024

Năm 2024, ngành Ngân hàng phấn đấu tăng dư nợ tín dụng khoảng 15%

H.DUNG

Sáng 23-1, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh Khánh Hòa tổ chức hội nghị triển khai nhiệm vụ ngân hàng Khánh Hòa năm 2024. Ông Lê Hữu Hoàng - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đến dự.

Đồng chí Lê Hữu Hoàng phát biểu tại hội nghị.
Ông Lê Hữu Hoàng phát biểu tại hội nghị.

Theo báo cáo của NHNN Chi nhánh Khánh Hòa, đến cuối năm 2023, huy động vốn toàn tỉnh đạt 119.810 tỷ đồng, tăng 10.499 tỷ đồng, tương ứng với tỷ lệ tăng 9,6% so với đầu năm. Dư nợ cho vay đạt 130.941 tỷ đồng, tăng 16.469 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ tăng 14,39% so với đầu năm. Doanh số cho vay cả năm đạt 180.515 tỷ đồng, tăng 17,4% so với năm 2022. Vốn tín dụng chủ yếu tập trung cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh, đặc biệt là các lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ. Nợ xấu nằm trong ngưỡng an toàn. Ngoài ra, các ngân hàng cũng triển khai các chính sách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân như: Thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ; cho vay hỗ trợ lãi suất; điều chỉnh giảm lãi suất cho vay... Hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt ghi nhận mức tăng trưởng cao so với năm 2022.  

Các đại biểu tham dự hội nghị triển khai nhiệm vụ ngân hàng Khánh Hòa năm 2024.
Các đại biểu tham dự hội nghị triển khai nhiệm vụ ngân hàng Khánh Hòa năm 2024.

Năm 2024, ngành Ngân hàng Khánh Hòa đặt mục tiêu tăng dư nợ tín dụng khoảng 15% so với cuối năm 2023, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế; tỷ lệ nợ xấu dưới 3%; điều hành thị trường tiền tệ, ngoại hối và hệ thống ngân hàng ổn định.

Phát biểu tại hội nghị, ông Lê Hữu Hoàng đề nghị, thời gian tới, ngành Ngân hàng Khánh Hòa tiếp tục triển khai kịp thời các chủ trương, chính sách, chỉ đạo của Chính phủ, Thống đốc NHNN về tiền tệ, tín dụng, ngoại hối và hoạt động ngân hàng trên địa bàn; thực hiện các giải pháp tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, đi đôi với nâng cao chất lượng tín dụng, kiểm soát và xử lý nợ xấu, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng kinh tế theo chủ trương của Chính phủ; kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Các ngân hàng trên địa bàn cần tích cực, quyết liệt triển khai chương trình 120.000 tỷ đồng cho vay chủ đầu tư và người mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư; chương trình tín dụng 15.000 tỷ đồng cho vay lĩnh vực lâm sản, thủy sản… Đồng thời, tăng cường phối hợp với cơ quan chức năng trên địa bàn trong việc phòng ngừa, phát hiện và xử lý sai phạm trong hoạt động tiền tệ, ngân hàng; tiếp tục triển khai công tác cải cách hành chính góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng.

H.DUNG