Thời gian qua, các chi nhánh ngân hàng trên địa bàn tỉnh đã triển khai nhiều chương trình tín dụng ưu đãi dành cho lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp. Nhờ đó, nhiều khách hàng đã được tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi để phát triển kinh tế.
Giải ngân hàng ngàn tỷ đồng
Cơ sở sản xuất chả cá Thuận (xã Vạn Phú, huyện Vạn Ninh) là một trong những hộ sản xuất, kinh doanh được tiếp cận sớm với chương trình cho vay theo Nghị định số 31 ngày 20-5-2022 của Chính phủ về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Bà Phạm Thị Thuận - chủ cơ sở sản xuất chả cá Thuận cho biết, tháng 10-2022, bà được Agribank Chi nhánh huyện Vạn Ninh giải ngân 2 tỷ đồng vay theo Nghị định số 31, được hưởng lãi suất giảm 2% so với lãi suất thông thường. Số tiền được hỗ trợ lãi suất hơn 30,5 triệu đồng. Chương trình tín dụng ưu đãi này đã giúp giảm một phần lãi suất hàng tháng để cơ sở có điều kiện tái đầu tư sản xuất. Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh Khánh Hòa, đến ngày 31-10, các chi nhánh ngân hàng trên địa bàn đã cho 16 khách hàng vay hỗ trợ lãi suất theo Nghị định số 31, trong đó có những khách hàng hoạt động sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản; tổng dư nợ được hỗ trợ lãi suất hơn 415,7 tỷ đồng, số tiền lãi đã hỗ trợ gần 7,9 tỷ đồng.
Khách hàng giao dịch tại Agribank Chi nhánh huyện Vạn Ninh. |
Chương trình cho vay đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản (gói tín dụng 15.000 tỷ đồng) là một trong những chương trình tín dụng ưu đãi phát huy hiệu quả tốt trong thời gian qua. Chương trình này có lãi suất cho vay thấp hơn tối thiểu từ 1 đến 2%/năm so với mức lãi suất cho vay bình quân cùng kỳ hạn (ngắn hạn, trung hạn, dài hạn) của chính ngân hàng cho vay áp dụng từng thời kỳ. Tính đến ngày 31-10, các ngân hàng đã giải ngân 11.672 tỷ đồng cho khách hàng cá nhân, doanh nghiệp phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh lĩnh vực lâm sản, thủy sản.
Ngoài ra, một số chương trình tín dụng ưu đãi khác cũng đạt được kết quả khả quan, như: Cho vay vốn theo Nghị định số 55/2015 của Chính phủ và Nghị định số 116/2018 của Chính phủ (sửa đổi Nghị định số 55) về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; cho vay vốn theo Nghị quyết số 30/2017 của Chính phủ về khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch…
Tiếp tục triển khai
Ông Đỗ Trọng Thảo - Quyền Giám đốc NHNN Chi nhánh Khánh Hòa cho biết, thời gian qua, các chương trình tín dụng ưu đãi đối với lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp được các ngân hàng triển khai kịp thời, nhanh chóng. Tuy nhiên, việc tiếp cận với các chính sách ưu đãi này còn gặp một số khó khăn, trong đó khó khăn lớn nhất là về tài sản bảo đảm. Nghị định số 57 ngày 17-4-2018 của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn quy định, ngân hàng thương mại được nhận các công trình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao như nhà kính, nhà lưới, hệ thống thủy lợi làm tài sản thế chấp. Tuy nhiên, các tài sản này chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận tài sản trên đất, gây khó khăn trong việc thế chấp tài sản để vay vốn. Ngoài ra, sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp chịu nhiều rủi ro về thiên tai, dịch bệnh, giá cả bấp bênh, thị trường không ổn định nên ảnh hưởng đến khả năng thu hồi nợ của tổ chức tín dụng. Nhiều khách hàng không đáp ứng tiêu chí tài chính minh bạch, năng lực quản trị hạn chế; phương án, dự án kinh doanh, vay vốn xây dựng không bài bản nên chưa đáp ứng được điều kiện vay vốn theo chương trình ưu đãi.
Hiện nay, các chương trình tín dụng ưu đãi đối với lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp vẫn còn thời hạn áp dụng. Do đó, NHNN Chi nhánh Khánh Hòa chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông các chương trình tín dụng ưu đãi này đến khách hàng thuộc đối tượng được thụ hưởng; đồng thời cân đối nguồn vốn, tập trung tăng trưởng vào các lĩnh vực ưu tiên. Mặt khác, các tổ chức tín dụng cần rà soát, đơn giản hóa quy trình, thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng; tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật, không nới lỏng điều kiện cấp tín dụng để đảm bảo an toàn vốn vay; phát triển đa dạng sản phẩm tín dụng ngân hàng phù hợp với từng loại hình, nhu cầu sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp.
MAI HOÀNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin