20:56, 23/10/2023

Kích cầu tín dụng tiêu dùng

MAI HOÀNG

Với thanh khoản dồi dào, các ngân hàng liên tiếp triển khai nhiều chương trình ưu đãi dành cho tín dụng tiêu dùng. Tuy nhiên, nhu cầu vay vốn của khách hàng vẫn chưa cao.

Nhiều chương trình ưu đãi

Đang có nhu cầu vay vốn ngân hàng để sửa nhà vào dịp cuối năm, bà Phạm Thanh Vân (xã Vĩnh Ngọc, TP. Nha Trang) đã tìm hiểu chương trình tín dụng tiêu dùng của một số ngân hàng. Tại một ngân hàng trên đường Quang Trung, bà được nhân viên tư vấn gói vay ưu đãi phục vụ đời sống dành cho khách hàng cá nhân với mục đích vay mua, xây, sửa bất động sản, tiêu dùng (không bao gồm mua xe ô tô); lãi suất từ 8,5%/năm, thời gian vay lên đến 30 năm và được ân hạn trả nợ gốc đến 24 tháng. “Với tổng thu nhập hiện tại của vợ chồng tôi hơn 25 triệu đồng/tháng, mức lãi suất này còn khá cao nên tôi đang cân nhắc và tìm hiểu thêm các chương trình tín dụng ở những ngân hàng khác”, bà Vân nói.

Nhân viên một ngân hàng ở TP. Nha Trang tư vấn cho khách hàng.
Nhân viên một ngân hàng ở TP. Nha Trang tư vấn cho khách hàng.

Hiện nay, các ngân hàng đang triển khai nhiều chương trình ưu đãi tín dụng tiêu dùng với mức lãi suất được xem là thấp nhất trong nhiều năm qua. Đơn cử, Vietcombank Chi nhánh Khánh Hòa đang triển khai các chương trình cho vay ưu đãi mua, xây sửa nhà ở, cho vay mua ô tô, cho vay tiêu dùng phục vụ nhu cầu đời sống dành cho khách hàng cá nhân với lãi suất ưu đãi chỉ từ 6,59%/năm. Chương trình cho vay tiêu dùng ưu đãi của Agribank đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động đang hưởng lương từ ngân sách nhà nước có tổng nguồn vốn cho vay lên đến 15.000 tỷ đồng, lãi suất cho vay thấp hơn từ 0,5 đến 1,5%/năm so với lãi suất cho vay thông thường. VPBank hiện có gói vay ưu đãi với tổng quy mô 13.000 tỷ đồng dành cho khách hàng cá nhân có nhu cầu vay vốn mua ô tô, phục vụ sản xuất kinh doanh, mua nhà, tiêu dùng với lãi suất chỉ từ 5%/năm; thời gian vay tối đa đến 35 năm. MBBank đang triển khai chương trình ưu đãi lãi suất từ 7,5%/năm dành cho khách hàng vay vốn mua nhà và phục vụ sản xuất kinh doanh…

Bên cạnh ưu đãi về lãi suất, các ngân hàng còn đưa ra nhiều điều kiện hấp dẫn nhằm kích cầu vay vốn, như: Cam kết phê duyệt các gói vay nhanh, tặng số tài khoản đẹp, tặng thẻ tín dụng với hạn mức hấp dẫn…

Vẫn còn một số khó khăn, nhu cầu vay thấp

Cũng như nhiều lĩnh vực tín dụng khác, cho vay tiêu dùng những tháng qua gặp nhiều khó khăn. Do nhu cầu tiêu dùng của người dân thấp khiến lĩnh vực cho vay tiêu dùng giảm mạnh, trong khi những khoản dư nợ cũ khó thu hồi. Bà Võ Thị Thu Hương - Phó Giám đốc Vietcombank Chi nhánh Khánh Hòa cho biết, trong 9 tháng, dư nợ cho vay tiêu dùng của chi nhánh đạt 2.774 tỷ đồng, chiếm 16% tổng dư nợ toàn chi nhánh (bao gồm: Dư nợ cho vay trong lĩnh vực bất động sản, cầm cố giấy tờ có giá, cho vay mua ô tô và tiêu dùng khác). So với đầu năm, dư nợ cho vay tiêu dùng giảm 178 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm trước giảm 370 tỷ đồng. Trong bối cảnh nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn, thị trường bất động sản chưa có nhiều biến động, dự báo những tháng cuối năm, nhu cầu vay tín dụng tiêu dùng của người dân vẫn chưa cao.

Nhân viên một ngân hàng ở TP. Nha Trang tư vấn cho khách hàng.
Nhân viên một ngân hàng ở TP. Nha Trang tư vấn cho khách hàng.

Bên cạnh đó, từ ngày 1-9-2023, Thông tư số 06 ngày 28-6-2023 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chính thức có hiệu lực. Theo thông tư này, tổ chức tín dụng được xem xét, quyết định cho khách hàng vay để trả nợ khoản vay tại tổ chức tín dụng khác với mục đích vay phục vụ nhu cầu đời sống, thay vì chỉ được vay để trả nợ khoản vay tại tổ chức tín dụng khác đối với khoản vay phục vụ sản xuất kinh doanh như quy định tại Thông tư số 39/2016 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trước đây. Tuy nhiên, theo tìm hiểu, sau gần 2 tháng Thông tư số 06 có hiệu lực, việc khách hàng vay vốn của tổ chức tín dụng này để trả nợ khoản vay tại tổ chức tín dụng khác vẫn còn hạn chế do vướng mắc về tài sản đảm bảo, các khoản phí phát sinh khi trả nợ trước hạn tại ngân hàng hiện tại (phí phạt trả nợ trước hạn, phí giải chấp tài sản bảo đảm…) và các khoản phí phát sinh khi vay tại ngân hàng mới (phí thẩm định lại tài sản bảo đảm, phí công chứng mới, đăng ký thế chấp lại)… Những hạn chế này khiến việc dịch chuyển nợ từ ngân hàng này sang ngân hàng khác chưa được mạnh mẽ như kỳ vọng.

Theo đánh giá của các ngân hàng, cho vay tiêu dùng hiện nay vẫn có nhiều dư địa để khai thác. Với hàng loạt gói vay ưu đãi, các ngân hàng hy vọng sẽ kích cầu tín dụng tiêu dùng, giúp người dân mạnh dạn hơn trong quyết định vay vốn vào dịp cuối năm.

MAI HOÀNG