Sau khi tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) và được công nhận, doanh thu từ nhiều sản phẩm OCOP trên địa bàn huyện Diên Khánh đã được cải thiện đáng kể. Phát huy hiệu quả đó, năm nay, huyện đặt mục tiêu có 25 sản phẩm thuộc 4 nhóm ngành chủ lực của địa phương được đánh giá, phân hạng OCOP.
Hiệu quả từ chương trình OCOP
Là một trong những chủ thể tham gia chương trình OCOP và đạt chứng nhận 3 sao cho sản phẩm nem chả, Công ty TNHH Khanh Food (xã Diên Thạnh) ngày càng nâng cao uy tín thương hiệu với đối tác và người tiêu dùng. Theo ông Đỗ Quang Dát - Giám đốc Công ty TNHH Khanh Food, nghề làm nem chả vốn là nghề truyền thống của nhiều thế hệ gia đình. Hiện nay, công ty có khoảng 10 sản phẩm chả lụa, nem, dăm bông, giò thủ, nem nướng…; mỗi ngày sản xuất từ 100 đến 150kg sản phẩm. Một số sản phẩm của công ty đã đạt sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp huyện. Từ khi sản phẩm nem chả được chứng nhận OCOP 3 sao, thương hiệu của công ty được củng cố hơn, góp phần tăng doanh thu.
![]() |
Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH Khanh Food. |
Để nâng cao giá trị từ rong nho và các loại tảo biển, Công ty TNHH Nutrimeal VN, huyện Diên Khánh đã đưa vào sản xuất nhiều loại sản phẩm như: Hạt tinh rong nho, nước chấm tảo biển, mỹ phẩm… Các sản phẩm được làm từ nguồn nguyên liệu sạch, giàu dinh dưỡng, tiện lợi và có tiềm năng tiêu thụ trên thị trường. Công ty đã nỗ lực hoàn thiện quy trình sản xuất cho các sản phẩm để tham gia chương trình OCOP và đã có 3 sản phẩm đạt 3 sao. Đặc biệt, công ty đã thành công trong việc kết hợp rong nho, rong tảo biển với nông sản của Diên Khánh như: Nấm, đậu nành, thơm để tạo ra dòng sản phẩm nước chấm tảo biển được người tiêu dùng đón nhận tích cực.
Theo báo cáo của UBND huyện Diên Khánh, năm 2024, huyện có 24 sản phẩm của 10 chủ thể tham gia chương trình OCOP. Các chủ thể tham gia đã tập trung khai thác nhóm sản phẩm đặc thù, chủ lực, thế mạnh của địa phương, được khách hàng tin dùng như: Yến sào, trầm hương, rong nho, tảo biển, sản phẩm chế biến và rau củ quả, sản phẩm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng. Kết quả đánh giá, phân hạng, có 17 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 3 sao. Đặc biệt, thông qua hoạt động đánh giá, chứng nhận và duy trì tiêu chuẩn OCOP đã góp phần nâng cao nhận thức của các đơn vị sản xuất, tạo ra sản phẩm đồng đều, chất lượng cao hơn, mẫu mã đẹp hơn, không chỉ phục vụ thị trường tiêu dùng trong nước mà còn định hướng xuất khẩu. Các sản phẩm tham gia chương trình OCOP thực hiện xúc tiến thương mại thông qua hội chợ, triển lãm của tỉnh tổ chức, đưa những sản phẩm được chứng nhận OCOP lên các sàn thương mại điện tử như: Sàn OCOP, Khanhhoa.link, chợ nông sản Khánh Hòa, trưng bày tại các hội chợ triển lãm… Nhờ đó, kết quả sản xuất kinh doanh sản phẩm được cải thiện; doanh thu hằng năm tăng bình quân từ 10% đến 15% so với khi chưa được chứng nhận.
Gia tăng giá trị sản phẩm khu vực nông thôn
Ông Nguyễn Tấn Cường - Phó Chủ tịch UBND huyện Diên Khánh cho biết, chương trình OCOP là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị, nâng cao thu nhập của người dân nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới; đồng thời phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị. Do đó, UBND huyện đã xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai có hiệu quả chương trình OCOP năm 2025. Năm nay, huyện đặt mục tiêu toàn huyện có 25 sản phẩm được đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp huyện, ưu tiên phát triển các nhóm ngành chủ lực, có lợi thế của mỗi xã theo 4 nhóm ngành gồm: Thực phẩm; đồ uống; dược liệu và sản phẩm từ dược liệu; du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và điểm du lịch. Hiện nay, đã có 40 sản phẩm của 12 chủ thể đăng ký tham gia chương trình OCOP năm 2025. Tổng kinh phí thực hiện chương trình hơn 1,68 tỷ đồng.
Để đạt được mục tiêu trên, UBND huyện đã giao Phòng Nông nghiệp và Môi trường chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan kiện toàn bộ máy điều hành chương trình OCOP cấp huyện, xã; đồng thời triển khai các hoạt động tuyên truyền về chương trình OCOP đến hệ thống quản lý các cấp và cộng đồng. Trong quá trình thực hiện, các chủ thể kinh tế sẽ được cán bộ OCOP cấp huyện hỗ trợ, tư vấn tại chỗ. Huyện khuyến khích các chủ thể nâng cao năng lực, đáp ứng các yêu cầu về nguồn nguyên liệu; sử dụng lao động địa phương; mở rộng quy mô sản xuất; tiêu chuẩn chất lượng; bao bì, nhãn mác sản phẩm; phát triển liên kết và mở rộng kênh phân phối... Ngoài ra, các chủ thể cũng được tiếp cận các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, đặc biệt là chính sách tín dụng, khoa học công nghệ, liên kết chuỗi giá trị, đào tạo nghề.
MAI HOÀNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin