23:08, 29/12/2024

Phát triển công nghiệp theo hướng bền vững  

ĐÌNH LÂM

Năm 2024, chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh tiếp tục có sự tăng trưởng mạnh mẽ. Tuy nhiên, để đáp ứng xu thế chung, thời gian tới, công nghiệp tỉnh sẽ tập trung vào những lĩnh vực có hàm lượng công nghệ cao và thân thiện với môi trường. 

Duy trì đà tăng trưởng 

Theo báo cáo của UBND tỉnh, chỉ số sản xuất công nghiệp năm 2024 của tỉnh ước tăng 25,68% so với năm 2023. Đây là năm thứ 3 liên tiếp công nghiệp tăng ở mức 2 con số (năm 2022 tăng 21,68%, năm 2023 tăng 13,69%). Đóng góp vào sự tăng trưởng chung, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 3,45%; sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng gấp 3,7 lần; lĩnh vực cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 6,76%. Một số sản phẩm công nghiệp có chỉ số sản xuất tăng cao như: Điện sản xuất tăng gấp 2,9 lần do Nhà máy Nhiệt điện BOT Vân Phong 1 đã chính thức đi vào khai thác, vận hành; bia các loại tăng 7,9%; thủy sản đông lạnh tăng 16,1%; đường các loại tăng 10,4%… Bên cạnh đó, vẫn có một số lĩnh vực giảm như: Công nghiệp khai khoáng giảm tới 24,86%; các sản phẩm nước yến và nước bổ dưỡng khác giảm 9%… do tình hình tiêu thụ chậm và chịu sự cạnh tranh của các sản phẩm cùng loại trên thị trường.

Cụm Công nghiệp Trảng É đang được hoàn thiện.

Ông Nguyễn Sanh Đương - Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết, so với mức tăng trưởng chung của cả nước, ngành Công nghiệp Khánh Hòa đang có mức tăng đáng khích lệ. Bên cạnh yếu tố khách quan, từ đầu năm đến nay, UBND tỉnh đã tích cực triển khai các giải pháp nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh. Lãnh đạo tỉnh đã tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ hoàn thành đối với các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng các khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN) đang triển khai và đẩy mạnh thu hút đầu tư thứ cấp vào các KCN, CCN đã được hoàn thiện cơ sở hạ tầng. Cùng với đó, tỉnh cũng đẩy nhanh việc khuyến khích doanh nghiệp phát triển, ứng dụng công nghiệp chế biến, chế tạo thông minh để tạo bước đột phá về năng lực sản xuất mới gắn với khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ việc ứng dụng máy móc, trang thiết bị tiên tiến, áp dụng công nghệ mới trong sản xuất thông qua chương trình khuyến công quốc gia, khuyến công địa phương.

Phát triển có chiều sâu

Mặc dù công nghiệp trong những năm vừa qua luôn có sự tăng trưởng song lãnh đạo tỉnh nhận định vẫn còn nhiều dư địa để phát triển. Chính vì vậy, trong thời gian tới, ngành Công nghiệp được định hướng phát triển bền vững, thân thiện với môi trường. Khánh Hòa sẽ ưu tiên thu hút đầu tư vào các ngành kinh tế số, các ngành phát triển trên nền tảng công nghệ như: Kỹ thuật số, công nghệ nano, công nghiệp sinh học, vật liệu mới, dược phẩm, công nghệ môi trường, năng lượng sạch… Các ngành công nghiệp thân thiện môi trường, mang lại giá trị gia tăng cao, tăng nhanh tỷ lệ lấp đầy và nâng cao hiệu quả kinh tế các KCN, CCN được tỉnh đặc biệt quan tâm; kiên quyết không tiếp nhận các dự án sử dụng công nghệ lạc hậu, tiêu tốn năng lượng, có nguy cơ ô nhiễm…

Hoạt động chế biến thủy sản tại Công ty TNHH Hải Vương (Khu Công nghiệp Suối Dầu, huyện Cam Lâm).
Hoạt động chế biến thủy sản tại Công ty TNHH Hải Vương (Khu Công nghiệp Suối Dầu, huyện Cam Lâm).

Trong quy hoạch, tỉnh đã quy hoạch hệ thống các KCN, CCN hợp lý về không gian, khai thác được tiềm năng, lợi thế của tỉnh và bảo đảm phát triển bền vững; phát triển đồng bộ giữa hạ tầng kỹ thuật KCN, CCN với hệ thống hạ tầng xã hội cùng các dịch vụ phục vụ người lao động. Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu Kinh tế Vân Phong đến năm 2040, tầm nhìn đến 2050 nâng tổng diện tích khu vực phát triển sản xuất công nghiệp lên khoảng 2.721ha.

Ông Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, trong thời gian tới, tỉnh sẽ đẩy mạnh các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; tăng cường hoạt động hỗ trợ việc ứng dụng máy móc, trang thiết bị tiên tiến, áp dụng công nghệ sản xuất mới để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường, nhất là đối với các sản phẩm có lợi thế của tỉnh như: Thủy sản, đóng tàu, nước yến… Cùng với đó, tỉnh sẽ tập trung tháo gỡ khó khăn cho các dự án công nghiệp có quy mô lớn trên địa bàn để sớm đưa vào vận hành, gia tăng năng lực sản xuất; tạo điều kiện thuận lợi để nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án hiện có (KCN Ninh Thủy, KCN Dốc Đá Trắng; các CCN: Diên Thọ, Trảng É 2, Ninh Xuân…)

Ngoài ra, tỉnh tiếp tục tăng cường thu hút các doanh nghiệp đầu tư thứ cấp góp phần nâng cao năng lực sản xuất, giải quyết việc làm và tạo nguồn thu mới tại các CCN: Trảng É 2, Sông Cầu, CCN và chăn nuôi Khatoco, Diên Thọ; tăng cường xúc tiến đầu tư vào KCN Nam Cam Ranh, CCN Cam Thành Nam, CCN Cam Thịnh Đông và các KCN, CCN theo quy hoạch được duyệt.

ĐÌNH LÂM