22:05, 23/12/2024

Phát triển bền vững ngành Thủy sản 

HẢI LĂNG

Với lợi thế về phát triển kinh tế biển, trong đó có khai thác và nuôi trồng thủy sản (NTTS), tỉnh Khánh Hòa đang định hướng để đưa ngành Thủy sản phát triển một cách toàn diện, với mục tiêu đưa xuất khẩu thủy sản của tỉnh vượt mốc 1 tỷ USD vào năm 2045. Hiện nay, ngành Thủy sản tỉnh đang tập trung triển khai đồng bộ các biện pháp nhằm phát triển thủy sản bền vững.

Lợi thế phát triển

Khánh Hòa có lợi thế để phát triển kinh tế biển, trong đó có mũi nhọn là ngành Thủy sản (khai thác và NTTS). Từ lâu, Khánh Hòa được xác định là một trong những trung tâm nghề cá lớn của cả nước. Hiện nay, đội tàu khai thác của tỉnh có hơn 3.400 chiếc, trong đó 643 tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên chuyên khai thác xa bờ. Diện tích NTTS trên địa bàn tỉnh có 4.310ha. Theo báo cáo của UBND tỉnh, ước tính đến hết năm 2024, tổng sản lượng thủy sản toàn tỉnh đạt 125.750 tấn, tăng 4,3% so với năm 2023. Trong đó, sản lượng thủy sản khai thác ước đạt 104.180 tấn, tăng 1,3% so với năm trước; sản lượng thủy sản nuôi trồng ước đạt 22.570 tấn, tăng 21% so với năm trước.

Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, với lợi thế về phát triển kinh tế biển, Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã định hướng để tỉnh phát triển mạnh kinh tế biển, trong đó ngành Thủy sản được định hướng: “Nuôi trồng, khai thác, chế biến hải sản, nhất là nuôi biển công nghệ cao, thân thiện với môi trường” và phát triển “dịch vụ hậu cần nghề cá”. Mục tiêu chính ngành Thủy sản tỉnh hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là phát triển ngành Thủy sản toàn diện, bền vững, đưa xuất khẩu thủy sản của tỉnh vượt mốc 1 tỷ USD vào năm 2045.

Để thực hiện điều ấy, bên cạnh tập trung hiện đại hóa đội tàu khai thác, những năm qua, tỉnh đã quyết liệt thực hiện và đạt được nhiều kết quả tích cực trong chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Địa phương cũng tập trung triển khai, nhân rộng mô hình thí điểm phát triển nuôi biển công nghệ cao hướng ra xa bờ với mục tiêu phát triển NTTS trên biển theo hướng góp phần tăng năng suất, giá trị ngành NTTS và nâng cao thu nhập của người dân; hướng tới xuất khẩu thủy sản với tiêu chuẩn cao, đảm bảo an toàn thực phẩm, đáp ứng nhu cầu của thị trường; bảo vệ môi trường biển, hướng tới phát triển kinh tế biển bền vững. Bên cạnh đó, từng bước hình thành vùng nuôi biển từ 3 đến 6 hải lý, vừa đảm bảo phát triển kinh tế biển, vừa giảm áp lực nuôi biển ven bờ; bảo đảm giảm thiểu xung đột về không gian phát triển giữa các ngành kinh tế tại các khu vực nuôi biển.

Người dân TP. Cam Ranh đã chuyển đổi sang nuôi cá bớp bằng lồng HDPE ứng dụng công nghệ cao
Người dân TP. Cam Ranh đã chuyển đổi sang nuôi cá bớp bằng lồng HDPE ứng dụng công nghệ cao. 

Hướng tới phát triển bền vững

Theo ông Nguyễn Trọng Chánh - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chỉ thị số 32 năm 2024 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định và phát triển bền vững ngành Thủy sản đã nêu rõ, việc chống khai thác IUU để phát triển ngành Thủy sản là vấn đề quan trọng, cấp bách và lâu dài. Cùng với việc chống khai thác IUU một cách hiệu quả nhằm tháo gỡ cảnh báo “Thẻ vàng” của EC, tỉnh sẽ tập trung thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp vừa phát triển ngành khai thác vừa phát triển ngành nuôi trồng một cách bền vững.

Ngư dân cập cảng Hòn Rớ đưa hải sản khai thác lên bờ tiêu thụ
Ngư dân cập cảng Hòn Rớ đưa hải sản khai thác lên bờ tiêu thụ. 

Để phát triển bền vững ngành khai thác thủy sản, việc điều tra nguồn lợi thủy sản một cách chính xác, khoa học để sắp xếp lại đội tàu khai thác phù hợp với từng vùng, từng địa phương được xác định là vấn đề cần làm ngay. Song song đó, thực hiện công tác bảo tồn, bảo vệ nguồn lợi thủy sản; muốn vậy cần thực hiện tốt việc khoanh vùng bảo vệ nguồn lợi thủy sản tại các khu bảo tồn, khu bảo vệ hệ sinh thái biển, thường xuyên tổ chức các hoạt động thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản.

Bên cạnh đó, ngành Thủy sản tỉnh sẽ tập trung chuyển đổi từ khai thác sang NTTS, từ nuôi trồng ven bờ với lồng bè gỗ truyền thống sang nuôi biển ứng dụng công nghệ cao một cách đồng bộ, bởi đây là biện pháp quan trọng để giảm cường lực khai thác thủy sản nhưng vẫn đáp ứng được nguồn nguyên liệu để phục vụ các nhà máy, xí nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu. Trong chế biến thủy sản, cần hợp tác, đầu tư về công nghệ để chế biến sâu, nâng cao hàm lượng giá trị gia tăng, đa dạng hóa các sản phẩm hải sản phục vụ xuất khẩu và tiêu dùng nội địa. Để phát triển nuôi biển công nghệ cao, thích ứng với biến đổi khí hậu, UBND tỉnh đã phê duyệt kế hoạch mở rộng mô hình thí điểm phát triển nuôi biển công nghệ cao trên các vùng biển tỉnh, được triển khai trong 3 giai đoạn, từ nay đến năm 2029, với quy mô nhân rộng lên đến 240ha.

Theo kế hoạch, thời gian đến, tỉnh sẽ đẩy mạnh đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển ngành Thủy sản; hợp tác quốc tế để thúc đẩy phát triển các lĩnh vực sản xuất giống, thức ăn, công nghệ nuôi… để phát triển nhanh ngành NTTS theo hướng sản xuất hàng hóa, quy mô công nghiệp, hướng ra xa bờ. Đồng thời, hợp tác, liên kết với các nước để đưa đội tàu cá xa bờ của tỉnh đi khai thác hợp pháp ở các nước lân cận. Ngoài ra, cần phải có các cơ chế, chính sách để hỗ trợ phát triển ngành Thủy sản bền vững như hỗ trợ ngư dân chấm dứt hoạt động nghề lưới kéo, chuyển sang các nghề thân thiện với môi trường, hỗ trợ để người dân chuyển từ NTTS bằng lồng bè gỗ truyền thống sang nuôi bằng lồng HDPE ứng dụng công nghệ cao.

HẢI LĂNG