23:35, 03/11/2024

Xã Sơn Lâm: Tích cực liên kết trồng sầu riêng hữu cơ

GIANG ĐÌNH - MÃ PHƯƠNG

Trước xu hướng tiêu dùng nông sản sạch, các nhà vườn tại xã Sơn Lâm (huyện Khánh Sơn) đã liên kết với doanh nghiệp để bước đầu hình thành nên những mô hình trồng sầu riêng theo quy trình hữu cơ, an toàn sinh học. Đây được xem là hướng đi tích cực, giúp người trồng sầu riêng tiếp cận phương thức sản xuất hiện đại, hướng tới xuất khẩu chính ngạch sang thị trường các nước.

Một góc vùng trồng sầu riêng ở xã Sơn Lâm.
Một góc vùng trồng sầu riêng ở xã Sơn Lâm.

Gia đình ông Cao Thanh Hải (thôn Ko Róa) có vườn sầu riêng gần 3ha đã cho thu hoạch từ 3 đến 5 năm nay. Trước đây, gần 300 gốc sầu riêng trong vườn đều được ông áp dụng phương pháp chăm sóc cũ, sử dụng nhiều loại phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật. Việc làm trên tuy vẫn mang đến nguồn thu và lợi nhuận cao cho gia đình ông, nhưng cũng phát sinh nhiều vấn đề liên quan đến chất lượng cây trồng như: Khả năng sinh trưởng kém; năng suất giảm; chất lượng trái không ngon; cây nhanh suy kiệt… “Sầu riêng trong vườn nhà tôi lúc đầu sinh trưởng, phát triển rất tốt, nhưng được 3 đến 7 năm có biểu hiện cây bị xì mủ, rễ bị hư nên không phát triển được. Tôi đã sử dụng các loại hóa chất nhưng vẫn không cải thiện được tình hình mà cây còn bị nặng hơn. Điều đó khiến tôi phải suy nghĩ đến việc chuyển qua quy trình trồng và chăm sóc cây theo hướng an toàn, bền vững. Từ đó tôi quyết định áp dụng cách chăm sóc cây bằng các phương pháp hữu cơ”, ông Hải cho biết.

Có chung thực trạng và thay đổi nhận thức như ông Cao Thanh Hải nên 20 hộ trồng sầu riêng ở xã Sơn Lâm đã cùng tham gia mô hình trồng sầu riêng hữu cơ. Trong đó, có 10 hộ với diện tích hơn 21ha bắt đầu liên kết với các doanh nghiệp để xây dựng quy trình sản xuất hữu cơ. Với mô hình này, trong năm đầu tiên thực hiện chuyển đổi, doanh nghiệp sẽ hỗ trợ, hướng dẫn nhà nông cách thức phục hồi vườn sầu riêng; từ năm thứ 2 sẽ thực hiện quy trình chăm sóc theo hướng hữu cơ phù hợp với tình hình thực tế của từng vườn. Những vườn sầu riêng cho sản lượng cao, đạt mức kinh doanh từ 8 - 10 năm sẽ được doanh nghiệp trực tiếp hỗ trợ, tư vấn xây dựng quy trình hữu cơ đạt hiệu quả nhất. “Sau gần 1 năm áp dụng theo hướng hữu cơ, cây phát triển khá tốt, lá rất dày, đề kháng cao; các loại sâu rầy, nấm bệnh dần dần giảm bớt; đất trồng được hoàn nguyên, chất dinh dưỡng trong đất được đảm bảo, không còn bị thoái hóa. Nhìn chung, cây sinh trưởng khá tốt, tỷ lệ đậu trái cao”, ông Cao Thanh Hải cho biết.

Nông dân ở xã Sơn Lâm được hướng dẫn cách chăm sóc sầu riêng theo hướng hữu cơ.
Nông dân ở xã Sơn Lâm được hướng dẫn cách chăm sóc sầu riêng theo hướng hữu cơ.

Trong nhiều năm qua, sầu riêng đã trở thành một trong những loại trái cây đặc sản nổi tiếng của huyện Khánh Sơn và xã Sơn Lâm là một trong những vùng trồng sầu riêng lớn với hơn 730ha, chiếm gần 30% tổng diện tích trồng sầu riêng của huyện. Sơn Lâm cũng là địa phương đi đầu trong xây dựng các mô hình trồng sầu riêng theo quy trình hữu cơ, đạt chất lượng xuất khẩu. Hiện nay, xã đã được cấp 1 mã vùng trồng cho hơn 54ha trồng sầu riêng; xã đang tiếp tục làm thủ tục xin cấp 8 mã vùng trồng cho 145ha, trong đó có 1 mã cho 21,7ha trồng sầu riêng hữu cơ. “Công ty chúng tôi đang liên kết với một đơn vị thu mua để xuất khẩu sầu riêng nhằm đảm bảo đầu ra nông sản cho nông dân. Chúng tôi đảm bảo giá thu mua sầu riêng của người dân cao hơn giá thị trường. Hướng của công ty chúng tôi là xuất khẩu sầu riêng sang thị trường Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản. Trong thời gian tới, khi thực hiện xong việc đăng ký mã vùng trồng, công ty sẽ tiến tới xuất khẩu sầu riêng đi các nước ở châu Âu, châu Mỹ, châu Úc”, ông Bùi Hoàng Phổ - đại diện Chi nhánh Công ty TNHH Hữu cơ Thuận Thiên tại huyện Khánh Sơn cho biết.

Nông dân xã Sơn Lâm chăm sóc sầu riêng.
Nông dân xã Sơn Lâm chăm sóc sầu riêng.

Theo ông Trịnh Đình Ba - Chủ tịch UBND xã Sơn Lâm, việc doanh nghiệp bắt tay với nông dân để thực hiện mô hình trồng và chăm sóc sầu riêng theo hướng hữu cơ là một tín hiệu tích cực đối với việc sản xuất nông nghiệp theo hướng nông sản sạch, bền vững. UBND xã cũng đang kết nối với các doanh nghiệp để xây dựng các mã vùng trồng xuất khẩu sầu riêng hữu cơ. Cùng với đó, địa phương sẽ phối hợp và đề nghị ngành Nông nghiệp tỉnh vận động người dân chăm sóc sầu riêng theo đúng quy trình kỹ thuật, từng bước xây dựng nhãn hiệu sầu riêng hữu cơ của xã Sơn Lâm.

Sầu riêng Khánh Sơn không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước, mà còn là mặt hàng nông sản được thị trường nước ngoài ưa chuộng. Điều quan trọng là người dân cần thay đổi phương thức sản xuất theo hướng hữu cơ, bền vững để nâng cao chất lượng, giá trị cho mặt hàng trái cây đặc sản, vừa không làm ảnh hưởng đến môi trường vùng trồng. Việc quy chuẩn hóa hoạt động sản xuất, kinh doanh, đáp ứng các yêu cầu về quản lý chất lượng nông sản có ý nghĩa lớn trong duy trì những lợi thế, phẩm chất đặc trưng của sầu riêng Khánh Sơn.

Hiện nay, toàn huyện Khánh Sơn có gần 2.600ha trồng sầu riêng, chiếm đến 71% diện tích cây ăn quả trên địa bàn huyện. Trong đó, diện tích sầu riêng đang cho thu hoạch khoảng 1.700ha. Nhiều nhà vườn trên địa bàn đã áp dụng sản xuất theo tiêu chuẩn GAP (VietGAP, GlobalGAP), với hơn 350ha; có 15 mã số vùng trồng sầu riêng được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc với tổng diện tích 430ha.

GIANG ĐÌNH - MÃ PHƯƠNG