22:04, 25/11/2024

Khởi nghiệp trên đất quê hương 

HẢI LĂNG

Những năm qua, nhiều thanh niên ở huyện miền núi Khánh Sơn đã thay đổi nếp nghĩ, cách làm, khởi nghiệp thành công trên vùng đất quê hương mình bằng chính những tiềm năng, lợi thế, đặc sản riêng có của địa phương.

Mới đây, tại Hội chợ triển lãm, quảng bá sản phẩm thanh niên khởi nghiệp vùng đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) và miền núi tỉnh năm 2024, Huyện đoàn Khánh Sơn đã mang đến những nông sản chất lượng cao như: Măng khô, nấm linh chi, chuối cô đơn, bưởi… Đây là những sản phẩm đặc trưng của vùng, được thanh niên vùng ĐBDTTS tự tay sản xuất và đông đảo người dân trong tỉnh quan tâm, ưa chuộng. Đa số khách hàng đều đánh giá cao và hài lòng khi thưởng thức nông sản xanh, sạch của Khánh Sơn. Anh Cao Nguyệt - Tổ trưởng Tổ hợp tác nông sản Tà Giang 2 (xã Thành Sơn) đã “trình làng” sản phẩm nấm linh chi có giá trị dược liệu và kinh tế cao của tổ hợp tác. Anh Nguyệt cho biết: Nấm linh chi chỉ là một trong những sản phẩm khởi nghiệp của Tổ hợp tác nông sản Tà Giang 2. Ở tổ hợp tác, các thanh niên tham gia đều có những sản phẩm nông sản riêng biệt. Tổ hợp tác không chỉ bán sản phẩm tự làm ra mà còn thu mua các loại bưởi, sầu riêng, măng cụt… sau đó bán lại cho các doanh nghiệp lớn. Nhờ đó, tạo nguồn thu, tạo việc làm hiệu quả cho thanh niên địa phương và nhiều người dân trong vùng. Ở gian hàng của thanh niên huyện Khánh Sơn, các sản phẩm của hộ kinh doanh Thảo Nguyên Farm ở xã Sơn Trung như: Hạt tiêu đen, hạt chuối cô đơn… cũng được nhiều người tìm mua.

Sản phẩm khởi nghiệp của thanh niên vùng cao Khánh Sơn tham gia hội chợtriển lãm, quảng bá sản phẩm thanh niên khởi nghiệp vùng đồng bào dân tộc và miền núi tỉnh năm 2024
Sản phẩm khởi nghiệp của thanh niên huyện Khánh Sơn tham gia Hội chợ triển lãm, quảng bá sản phẩm thanh niên khởi nghiệp vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh năm

 

Sinh ra, lớn lên ở vùng đất có diện tích cà phê lớn nhất huyện Khánh Sơn, anh Mấu Văn Tịnh ở thôn Ha Nít, xã Sơn Lâm đã quyết định khởi nghiệp với “Raglai coffee” - sản phẩm cà phê đầu tiên do chính tay ĐBDTTS Raglai ở Khánh Sơn trồng, chế biến. Năm 2020, anh Tịnh bắt đầu thực hiện ý tưởng bằng những hạt cà phê ngay tại vườn nhà. Anh tâm niệm rằng, để làm nên sản phẩm uy tín thì chất lượng là yếu tố quan trọng nhất. Vì thế, anh đã chọn lọc kỹ lưỡng tại vườn những hạt cà phê sạch, vừa chín tới rồi phơi và chế biến ngay, tránh để lâu sẽ ảnh hưởng đến hương vị và chất lượng. Sau đó, anh chế biến 2 sản phẩm cà phê bột và cà phê hạt nguyên chất đầu tiên mang nhãn hiệu “Raglai coffee”. Thời gian đầu, việc tiêu thụ sản phẩm gặp nhiều khó khăn. Không nản lòng, anh Tịnh đã đem cà phê đi giới thiệu khắp các quán cà phê trong và ngoài huyện. Anh còn đăng tải sản phẩm lên các diễn đàn mạng xã hội và tạo ra trang “Raglai coffee” trên Facebook để quảng bá, giới thiệu rộng rãi hơn đến cộng đồng về sản phẩm của mình. Sau gần 4 năm phát triển, sản phẩm “Raglai coffee” của anh Tịnh đã được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao, được nhiều người biết đến và đặt mua với số lượng khá lớn.

Cũng quyết định khởi nghiệp trên mảnh đất quê hương, anh Huỳnh MazSa - Giám đốc Hợp tác xã Khởi nghiệp xanh (xã Sơn Lâm) và các thành viên trong hợp tác xã đã quyết định khởi sự kinh doanh với mô hình Làng du lịch sinh thái cộng đồng Sa Mông, với sự tham gia của các hộ dân người Raglai và người Kinh. Thời gian gần đây, nhiều du khách trong và ngoài tỉnh đã biết đến Làng du lịch cộng đồng Sa Mông với các dịch vụ lưu trú nhà sàn, thưởng thức ẩm thực Raglai, trải nghiệm các hoạt động văn hóa nghệ thuật của ĐBDTTS bản địa như: Biểu diễn đàn đá, đàn Chapi, các điệu múa truyền thống. Đến với làng du lịch, du khách còn có thể tham gia trải nghiệm các hoạt động trong rừng, thác nước, leo núi, tham quan các di tích lịch sử tại xã Sơn Lâm…

Chị Mấu Thị Mộng Mơ - Bí thư Huyện đoàn Khánh Sơn chia sẻ: Ở Khánh Sơn bây giờ, có nhiều thanh niên, nhất là thanh niên vùng ĐBDTTS đã thay đổi nếp nghĩ, cách làm, sáng tạo trong công việc, biết định hướng phát triển theo chuỗi sản phẩm, không còn làm riêng lẻ, “mạnh ai nấy làm” như trước đây. Tuy nhiên, do đặc thù huyện miền núi vẫn còn nhiều khó khăn, thanh niên vùng ĐBDTTS nói riêng, thanh niên Khánh Sơn nói chung còn hạn chế trong việc tiếp thị, quảng bá sản phẩm. Rất nhiều sản phẩm có chất lượng cao nhưng giá thành vẫn thấp do thiết kế mẫu mã, bao bì chưa thu hút khách hàng. Trong thời gian tới, từ nguồn lực của các chương trình mục tiêu quốc gia, địa phương sẽ tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ thanh niên vùng ĐBDTTS trên địa bàn khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh. Bên cạnh đó, định hướng cho thanh niên phát triển những sản phẩm tiềm năng, đặc sắc của huyện; đẩy mạnh hỗ trợ quảng bá, giới thiệu sản phẩm khởi nghiệp của thanh niên địa phương…

HẢI LĂNG