23:58, 23/10/2024

Xã Bình Lộc: Nông dân ủ rơm tạo mùn cho ruộng lúa 

HỒNG ĐĂNG

Ủ rơm thành chất mùn, tạo độ phì nhiêu cho đất là phương pháp được nông dân xã Bình Lộc, huyện Diên Khánh áp dụng trong những năm qua, giúp cây lúa sinh trưởng tốt và cho năng suất cao hơn trước. Từ hiệu quả đó, ngày càng có nhiều diện tích sản xuất lúa ứng dụng ủ rơm rạ thành chất mùn.

Nông dân xã Bình Lộc rải chế phẩm giúp phụ phẩm nông nghiệp nhanh hoai mục.
Nông dân xã Bình Lộc rải chế phẩm giúp rơm rạ nhanh hoai mục.

Ủ rơm để tăng độ phì nhiêu cho đất

Gia đình ông Phạm Văn Khiết (thôn Mỹ Lộc) có 1ha trồng lúa, sản xuất 2 vụ/năm. Lúa đông xuân sau khi gặt xong, rơm rạ được ông cuộn thành từng cuộn rồi bán cho người đến thu mua. Vụ lúa hè thu thường gặt vào tháng 9 hàng năm. Sau khi gặt, thay vì bán rơm, ông giữ lại, rải một lớp chế phẩm sinh học lên mặt ruộng còn nguyên rơm rạ, rồi đưa nước về ngâm trong khoảng 10 ngày. Rơm sẽ hoai mục thành chất mùn. “Đây là năm thứ 4 tôi sử dụng chế phẩm ủ rơm thành mùn. Cứ 2 vụ lúa thì 1 vụ bán rơm, 1 vụ giữ lại để ủ. Không chỉ tạo mùn, tăng độ phì nhiêu cho đất, rơm rạ ủ hoai còn giúp giảm sâu bệnh, nhất là bệnh thối bẹ, thối rễ trên lúa giảm hẳn. Nhờ đó năng suất lúa tăng lên” - ông Khiết cho biết.

Tương tự, ông Nguyễn Hòa cùng thôn cho biết, sau một thời gian làm thử, bây giờ, toàn bộ 1,4ha lúa của gia đình ông đều ủ rơm (mỗi năm 1 mùa). Nhờ đó, độ phì nhiêu của đất tăng lên, giảm cỏ, ốc bươu và một số bệnh trên lúa. Vụ hè thu vừa qua, tuy thời tiết không thuận lợi nhưng lúa cũng đạt năng suất gần 9 tấn, cao hơn trước khoảng 10%. Mấy năm nay, lúa được giá, lại thêm việc ủ rơm tạo mùn, góp phần tăng năng suất nên nông dân trong vùng ai cũng áp dụng phương pháp này.

Góp phần giảm lượng phân bón vô cơ

Ông Lê Văn Hùng - Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Diên Lộc (xã Bình Lộc) cho biết, năm 2021, giá phân bón tăng mạnh, cao điểm tăng đến gấp 3 lần so với trước đó. Do vậy, gần 300ha lúa của hơn 1.000 thành viên HTX bị đội chi phí sản xuất, lợi nhuận giảm xuống. Chính vì vậy, các thành viên HTX luôn trăn trở tìm kiếm giải pháp nhằm giảm bớt số lượng phân bón nhưng vẫn đảm bảo được độ dinh dưỡng của đất. Qua tìm hiểu, trên thị trường có các loại chế phẩm sinh học có thể xử lý rơm rạ ngay tại đồng ruộng sau thu hoạch. Trong đó, chế phẩm vi sinh Sumitri từng đoạt Giải thưởng Môi trường TP. Hồ Chí Minh và Giải thưởng Thách thức nông nghiệp vùng Mekong năm 2018 được lãnh đạo HTX chọn lựa. Ban đầu, HTX thử nghiệm trên diện tích 2ha ở vùng ruộng Vũng Chàm Thượng, thôn Mỹ Lộc với 7 hộ tham gia. Sau khi thu hoạch lúa, các hộ tiến hành phun Sumitri lên bề mặt rơm rạ, rồi cho nước vào ngập 10 - 15cm. Sau 15 ngày, rơm rạ trên ruộng đã mềm nhũn. So sánh với ruộng không xử lý phun Sumitri với cùng khoảng thời gian nói trên, thân rạ vẫn còn cứng, nền ruộng không có độ xốp.

Sau nhiều năm thực hiện, kết quả cho thấy phương pháp này không chỉ giảm được lượng phân vô cơ, mà cây lúa sinh trưởng khỏe hơn và giảm được sâu hại. Qua tính toán, 1ha ruộng cần 5kg Sumitri, chi phí khoảng 1 triệu đồng để mua chế phẩm. Ông Lê Văn Hùng cho biết, sau khi gặt xong, rơm rạ trên đồng cần phải hoai mục hoàn toàn mới tiến hành làm đất gieo sạ, nếu không cây lúa dễ bị bệnh nghẹt rễ, không sinh trưởng được. Với tính chất thời vụ hiện nay, thời gian từ khi làm đất đến khi gieo sạ rất ngắn. Vì vậy, việc sử dụng chế phẩm nhằm giúp rơm rạ hoai mục hoàn toàn là điều cần thiết và đã được chứng minh hiệu quả trên thực tế.

Nhờ kết quả này, diện tích sử dụng chế phẩm ủ rơm vụ hè thu 2022 tăng lên thành 6ha và vụ hè thu 2023 là 12ha. HTX đã lên kế hoạch triển khai phương pháp ủ rơm rạ thành chất mùn trên toàn bộ diện tích 80ha chủ động nước tưới trong vụ hè thu năm tới.

HỒNG ĐĂNG