Vốn tín dụng chính sách xã hội được ví như điểm tựa của người nghèo ở 2 huyện miền núi Khánh Sơn và Khánh Vĩnh. Nguồn vốn này đã giúp hàng nghìn hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng.
Thay đổi cuộc sống người nghèo
Nhiều năm trước, gia đình bà Nguyễn Thị Nhi (xã Khánh Nam, huyện Khánh Vĩnh) thuộc diện hộ nghèo của xã. Để hỗ trợ gia đình vươn lên, bà Nhi đã được Phòng giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Khánh Vĩnh cho vay 100 triệu đồng từ chương trình cho vay ưu đãi dành cho hộ nghèo. Từ nguồn vốn vay, bà cải tạo vườn, trồng bưởi da xanh. Nhờ chịu khó chăm sóc, vườn bưởi của gia đình bà cho thu hoạch tốt. Đến nay, gia đình bà đã thoát nghèo, kinh tế ngày càng ổn định hơn. Bà Nhi chia sẻ, được ngân hàng hỗ trợ cho vay vốn phát triển kinh tế, ngoài trồng bưởi da xanh, gia đình còn chăn nuôi bò nên cuộc sống đã bớt khó khăn, từng bước vươn lên làm giàu chính đáng…
Tương tự, ông Cao Thanh Tùng (thị trấn Tô Hạp, huyện Khánh Sơn) được vay 100 triệu đồng từ nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội. Ông đầu tư vào vườn sầu riêng 1ha của gia đình. Ngoài ra, gia đình ông cũng được tiếp cận nguồn vốn vay của chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn với số tiền 20 triệu đồng. Vụ sầu riêng vừa qua, gia đình ông thu hoạch lứa đầu tiên cho thu nhập 100 triệu đồng. Nguồn vốn tín dụng chính sách không chỉ giúp gia đình ông phát triển kinh tế mà còn cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Bà Nguyễn Thị Nhi (xã Khánh Nam, huyện Khánh Vĩnh) thu hoạch bưởi của gia đình. |
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, NHCSXH tỉnh đã triển khai nhiều chương trình tín dụng trên địa bàn 2 huyện miền núi Khánh Sơn và Khánh Vĩnh. Nguồn vốn tín dụng đã tạo thêm việc làm, tăng thu nhập, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo và thay đổi chất lượng cuộc sống cho người dân. Theo báo cáo của Phòng giao dịch NHCSXH huyện Khánh Sơn, hiện nay, NHCSXH triển khai 12 chương trình cho vay đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn huyện. Tính đến cuối tháng 9, tổng dư nợ các chương trình trên địa bàn huyện đạt hơn 289,5 tỷ đồng, tăng gần 34,2 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2023. Phòng giao dịch NHCSXH huyện Khánh Vĩnh đang triển khai 14 chương trình cho vay với tổng dư nợ hơn 313,5 tỷ đồng, có 7.725 khách hàng dư nợ. Một số chương trình có số dư nợ lớn, cung cấp nguồn vốn ưu đãi cho người nghèo và đối tượng chính sách phát triển sản xuất, kinh doanh, ổn định đời sống, như: Cho vay hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn; cho vay giải quyết việc làm; cho vay hộ nghèo, cận nghèo…
Nâng cao chất lượng tín dụng
Theo ông Nguyễn Thành Hưng - Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện Khánh Sơn, phòng giao dịch luôn phối hợp với UBND các xã, thị trấn, các hội, đoàn thể tập trung kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay; nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng. Tính đến cuối tháng 9, tổng nợ khoanh và nợ quá hạn trên địa bàn là 443,8 triệu đồng (chiếm 0,15%), giảm 133,3 triệu đồng so với đầu năm. Trong đó, nợ quá hạn là 258 triệu đồng (chiếm 0,09%), giảm 153,1 triệu đồng so với đầu năm. Những giải pháp đã được phòng giao dịch thực hiện như: Đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao vai trò trách nhiệm của tổ tiết kiệm và vay vốn, hội, đoàn thể trong việc bình xét cho vay đảm bảo đúng đối tượng, mức vay hợp lý để bảo đảm nguồn vốn tín dụng chính sách được sử dụng hiệu quả; xử lý kịp thời các trường hợp nợ quá hạn, nợ bị rủi ro…
Ông Nguyễn Minh Hoan - Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện Khánh Vĩnh cho biết, đơn vị luôn thực hiện tốt phương thức ủy thác với 4 tổ chức chính trị - xã hội (Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên), giúp các hội viên có hoàn cảnh khó khăn biết sử dụng vốn vay, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống, đảm bảo an sinh xã hội. Các hội, đoàn thể cùng NHCSXH huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phát huy tối đa hiệu quả trong công tác quản lý nguồn vốn tín dụng cơ sở; tăng cường kiểm tra, giám sát việc bình xét cho vay tại cơ sở; tổ chức tập huấn nghiệp vụ, chuyển giao kỹ thuật, công nghệ giống cây trồng, vật nuôi, hướng dẫn việc sử dụng đồng vốn cho người vay; phối hợp trong việc chỉ đạo hoạt động của đội ngũ ban quản lý tổ tiết kiệm và vay vốn. Nhờ đó, chất lượng ủy thác vốn vay không ngừng được nâng lên, nguồn vốn đã được chuyển tải kịp thời đến người nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Để vốn tín dụng chính sách tiếp tục là "đòn bẩy" thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng cao, giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo có vốn sản xuất, nâng cao thu nhập, góp phần giảm nghèo bền vững, NHCSXH các huyện sẽ tiếp tục thực hiện quản lý vay vốn một cách hiệu quả, nhằm đảm bảo đúng đối tượng thụ hưởng, nguồn vốn vay được sử dụng đúng mục đích; tiếp tục chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của hộ dân trong việc sử dụng nguồn vốn tín dụng chính sách có hiệu quả và trách nhiệm trong việc hoàn trả vốn vay.
H.DUNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin