UBND tỉnh Khánh Hòa vừa ban hành kế hoạch thực hiện Đề án phát triển cây công nghiệp chủ lực đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh. Theo đó, tỉnh xác định cây dừa và cây điều là cây công nghiệp chủ lực. Mục tiêu đến năm 2030, duy trì và phát triển diện tích 1.500ha dừa, với sản lượng 7.500 tấn và 3.000ha điều, với sản lượng 3.600 tấn. 100% diện tích cây công nghiệp chủ lực trồng tập trung có đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định, được cấp mã số vùng trồng nội địa hoặc được đề nghị cấp mã số vùng trồng xuất khẩu theo đề nghị của cá nhân, tổ chức có nhu cầu.
Dừa xiêm Ninh Đa (Ninh Hòa) là một sản phẩm OCOP. |
Đối với cây dừa, tỉnh định hướng đẩy mạnh sản xuất dừa an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP hoặc tương đương trở lên; hình thành vùng sản xuất tập trung được cấp mã số vùng trồng ở một số địa phương có diện tích trồng dừa lớn như: TP. Cam Ranh, thị xã Ninh Hòa, huyện Vạn Ninh. Kết hợp trồng dừa với phát triển cảnh quan, du lịch tại các vùng dừa trọng điểm, gắn với xây dựng các sản phẩm OCOP của địa phương; khuyến khích phát triển các cơ sở sản xuất, chế biến các sản phẩm từ quả dừa, xơ dừa, lá dừa, thân dừa,... nhằm tạo ra các sản phẩm hữu ích, thân thiện với môi trường, góp phần nâng cao giá trị gia tăng từ cây dừa.
Đối với cây điều, tập trung ở các huyện Khánh Vĩnh, Cam Lâm, Diên Khánh, thị xã Ninh Hòa, TP. Cam Ranh, triển khai trồng tái canh hoặc ghép cải tạo những diện tích điều già cỗi có năng suất thấp, không ổn định bằng những giống có năng suất cao hơn; áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật thâm canh tăng năng suất điều; nâng cao sức chống chịu, hạn chế ảnh hưởng của dịch bệnh, mưa trái vụ; khuyến khích phát triển các nhà máy, cơ sở chế biến điều.
Thực hiện kế hoạch, tỉnh dành khoản kinh phí giai đoạn 2025 - 2030 hơn 1,65 tỷ đồng để xây dựng các mô hình trồng dừa, điều thâm canh, đạt chuẩn VietGAP có tính chất làm mẫu để nhân rộng.
C.Đ
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin